Tình người Hà Nội giữa vùng cao

ANTĐ - 3h sáng 18-1, hai chiếc xe chở nặng những món quà của Báo An ninh Thủ đô và nhóm tình nguyện Hoa Cúc Xanh gấp gáp khởi hành, đến với các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Sơn Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

Những món quà được trao tận tay từng em nhỏ trường dân tộc bán trú xã Sơn Thủy,
huyện Quan Sơn

Nghe đài dự báo sắp có đợt không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh miền Bắc, chúng tôi vội vã thu xếp công việc để lên đường, dù dịp cuối năm ai cũng bận rộn. Vậy là 3h sáng 18-1, 2 chiếc xe chở nặng những món quà của Báo An ninh Thủ đô và nhóm tình nguyện Hoa Cúc Xanh gấp gáp khởi hành, đến với các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Sơn Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

 Khởi hành sớm như vậy những mong buổi trưa sẽ đến nơi, vậy mà chương trình đành dời sang buổi chiều vì xe kẹt lại trên đường suốt 2 tiếng đồng hồ. Con đường từ huyện dẫn về Sơn Thủy bị cày nát bươm vì xe tải đi rầm rập suốt ngày đêm. Khi còn cách trường chừng hơn 10 cây số, xe không đi nổi vì gặp “ổ voi” xé rách mặt đường, lại thêm một chiếc xe tải đổ chỏng chơ chặn lối. Các thầy cô phải đi xe máy ra đón, đưa các thành viên trong đoàn vào trước, còn xe thì phải chờ người dân dùng gỗ kê để kéo qua. Thầy Phạm Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng ái ngại: “Đoàn chia khó về đây lại gặp khó, âu cũng là dịp để người Thủ đô biết miền núi vất vả thế nào”. 

Biết học sinh ngóng chờ từ sáng, nên cả đoàn lập tức bắt tay vào chuyển quà xuống xe. Từ chăn ấm, mũ len, tất, đến sách vở, thực phẩm cho học sinh bán trú…, còn cả một chiếc ti vi cho các thầy trò cải thiện đời sống tinh thần. Trường phổ thông dân tộc bán trú Sơn Thủy có gần 200 học sinh, đều là con em dân tộc Thái, Mông, Mường, thiếu từ cái bút thiếu đi, cho quà gì cũng quý. Niềm vui sáng lên trên từng khuôn mặt.

Có đến tận nơi mới thấy học sinh miền núi thiệt thòi đủ đường, nhất là lại ở một xã đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình 135 giai đoạn II của Quan Sơn, 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, như trường phổ thông dân tộc bán trú Sơn Thủy. Ít được tiếp xúc với bên ngoài, không mấy khi được xem ti vi, sách truyện cũng hiếm, hầu như tất cả các em đều nhút nhát và e dè trước người lạ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, em nào bạo dạn lắm mới ngập ngừng trả lời được một câu, còn không thì lại ngượng nghịu quay đi. Muốn kéo các em tham gia vào một trò chơi tập thể để thu hẹp khoảng cách cũng chẳng dễ dàng gì. Mới lớp 6 đã bắt đầu phải lo sống tự lập, phải tính làm sao để đủ ăn với khoản tiền ít ỏi có khi chỉ vài chục nghìn đồng/ tháng mà gia đình chu cấp, thì quả thực các em khó mà hồn nhiên, vô lo vô nghĩ như trẻ nhỏ dưới xuôi. Vóc dáng thấp bé, nhưng khuôn mặt lại mang nhiều nét già trước tuổi, nhìn mà thấy xót xa.

Thầy Nguyễn Văn Năm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong số 192 học sinh thì có 55 em ở bán trú, nhưng bán trú ở đây cũng khác với dưới xuôi, vì các em đều ăn ngủ lại trường, khoảng 2 tuần mới về nhà một lần “cõng gạo” lên. Nhà em nào gần nhất cũng phải cách trường tới 25 cây số, đi bộ từ 7h sáng thì khi mặt trời đứng bóng mới tới nhà. Còn lại 142 em nhà gần hơn thì đi về hàng ngày, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua xe đạp cho con, học sinh đi bộ 3-4km để đến trường là chuyện bình thường. Thế nên không phải “Khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy, em đến trường”, mà phải đi từ khi trời còn mờ tối. Những ngày mùa đông buốt giá, các em đi bộ đến trường mà cũng không ấm được người lên, nhiều khi nhìn học sinh nhảy loi choi cho đỡ lạnh mà cô giáo cũng rơi nước mắt. Mới thấy, niềm khát khao con chữ trong các em lớn tới mức nào.

Trong số các học sinh ở bán trú, Sung Văn Xay, học sinh lớp 6 được xếp vào diện khó khăn. Nhà Xay ở bản Xía Nọi, đi về cũng mất cả ngày đường, thế nên lâu lâu em mới về nhà một lần. Vậy nhưng cũng giống như 3 người anh chị của mình, Xay thích đi học lắm. Mỗi lần về nhà, bố mẹ lại cho gạo cùng 20.000 đồng, đấy là số tiền để Xay mua thức ăn trong 1 tháng. “Vậy hàng ngày em ăn cơm với gì?”, tôi hỏi. “Ăn với rau thôi”, Xay ngập ngừng đáp. Có nghĩa là hết tiền thì ăn cơm với… cơm. Bởi vậy, thùng mỳ tôm, gói tôm khô, thậm chí chỉ gói bột canh nằm trong suất quà cũng trở thành món đồ quý giá với Xay. Cả với Thao Pa Dua, với Tráng Văn Lênh hay bao nhiêu em ở bán trú khác nữa. 

Gặp nhau trong thoáng chốc rồi lại phải chia tay. Trước khi lên xe, thầy Năm bùi ngùi: “Các anh chị ở Thủ đô lên đây với các em, món quà đã nặng, tình người còn nặng hơn”, khiến cả đoàn ai cũng xúc động. Khi chúng tôi về đến Cẩm Thủy, đã thấy trăng treo đầu núi. Ngồi trên xe, chợt nhớ về bộ phim mà tôi được xem  đã lâu - “Chuyện tử tế”. Trong đó nhắc tới một đoạn trích trong tiểu thuyết Nga “Quy luật của muôn đời”: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi, bởi thế chừng nào còn sống, hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử…”. Cũng không dám hy vọng gì nhiều, chỉ mong rằng qua những trải nghiệm đơn sơ ấy, chúng tôi sẽ không chỉ làm cho tâm hồn mình đẹp hơn lên, mà còn khiến cho cái đẹp đó được truyền lan đi mãi, đến được với những ngóc ngách tận cùng của cuộc sống này, để sự tử tế sẽ luôn giữ được vị trí thượng tôn của nó trong mỗi con người.