Những lá thư đẫm nước mắt gửi mẹ của một tử tù đặc biệt (1)

Tình mẫu tử của một người mẹ có con

ANTĐ - Trong số những tử tù tại Trại giam Trần Phú (TP Hải Phòng) thì Hồ Xuân Phú là một  tử tù “đặc biệt”. Hồ Xuân Phú (SN 1987), ở xóm 10, thôn Ao La, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã phạm tội giết người, cướp tài sản khi tuổi đời còn rất trẻ và phải nhận án tử hình. Từ sau song sắt trại giam những cánh thư chan chứa nước mắt của tử tù này gửi mẹ như chút hiếu nghĩa còn sót lại đã làm rung động hầu hết cán bộ quản giáo…
Tình mẫu tử của một người mẹ có con ảnh 1

Con mang án tử, mẹ uống thuốc tự vẫn 

“Mẹ thương nhớ! Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm! Mẹ có nhớ con không? Con thương mẹ rất nhiều. Trong tâm trí con lúc nào cũng nghĩ về mẹ thôi mẹ ạ, làm sao được bây giờ hả mẹ? Con biết là mẹ nhớ và thương con lắm nhỉ? Bởi vì mẹ là mẹ của con cơ mà, lòng mẹ rộng lớn, bao la như biển Thái Bình che chở cho chúng con khôn lớn từng ngày, vậy mà con lại làm cho mẹ buồn lòng, mẹ đau mất rồi. Con là đứa con hư, bất hiếu, không nghe lời mẹ dạy để giờ đây mẹ phải sống trong đau khổ, đau vì đứa con mới ngày nào vẫn ở bên mẹ được đôi bàn tay gầy guộc của mẹ chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, giặt cho từng cái quần cái áo, lúc ốm đau cũng bàn tay mẹ nâng đỡ chăm bẵm cho con, công ơn này con mãi khắc ghi trong lòng. Nhưng bây giờ thì thì con đã đánh mất hết tất cả mọi thứ rồi mẹ ạ, nghìn lần con xin lỗi mẹ, mẹ hãy tha thứ cho con…” - đó là vài dòng của một trong hàng chục bức thư Hồ Xuân Phú gửi cho mẹ! Và đó cũng chính là ngọn nguồn lý do chúng tôi tìm về nhà bà Đỗ Thị Mây (SN 1961), mẹ của Phú. Theo địa chỉ cũ thì được biết bà Mây đã phải bán nhà chuyển đi nơi khác ở và hiện giờ đang đi nhặt vôi thuê. Nhờ người họ hàng điện thoại nói có người đến tìm về chuyện thằng Liểng (tức Phú) bà Mây vội vàng tức tốc đạp xe về ngay.

Thấy chúng tôi, chiếc xe đạp còn chưa kịp dừng hẳn bà Mây vừa thở đứt hơi vừa hỏi dồn về cậu con trai của mình. Trong căn nhà vắng người bà Mây kể lại: “Tôi không ngờ rằng đứa con mà mình thương yêu và hy vọng nhất nó lại cướp công tôi thế. Khi nghe tin nó bị công an triệu tập lên lấy lời khai, vốn đã yếu sẵn nên tôi ngất luôn tại chỗ không biết gì, lúc tỉnh lại thì mọi người cho biết công an nghi nó giết người và đưa đi rồi. Nghĩ con gây tội ác tày trời, mang án tử hình, khiến dân làng ai cũng căm phẫn sống cũng chỉ thêm ô nhục nên tôi đã mua thuốc ngủ về nhà tự sát để giải thoát khỏi khổ ải nhưng diêm vương đã không nỡ bắt tôi theo. Tôi ngủ li bì gần 1 ngày vì bị say thuốc cho đến khi được mọi người phát hiện đưa đi cấp cứu”…  

Con dại cái mang

Sau 3 tháng kể tù ngày Phú bị bắt bà Mây đã bị cú sốc này đánh quật tinh thần, và chút sức lực cuối cùng bị vắt kiệt khi bà tham dự cả 2 phiên tòa xét xử sở thẩm, phúc thẩm đứa con trai của mình. Bà Mây nhớ lại: “Cứ đến tòa nhìn thấy Phú tay bị còng, mặt mũi xanh xao gầy guộc đứng trước vành móng ngựa là tôi lại ngất lịm đi, thậm chí còn không biết con mình bị tuyên án bao nhiêu năm, về những tội gì... Biết thằng Phú không thể nào thoát được tội chết khi tại phiên tòa phúc thẩm HĐXX vẫn giữ nguyên mức án thì ngoài lo thuốc men, ăn uống trong lúc đau yếu nằm ở nhà thì còn phải đi vay mượn để trả tiền vay nợ cho thằng Phú nên chẳng còn cách nào khác tôi đành phải bán mảnh đất của gia đình trang trải cuộc sống rồi xin mẹ chồng 20m2 đất ở góc vườn làm tạm ngôi nhà lợp tôn để lấy chốn đi về”. Hàng ngày cứ sáng sớm là bà Mây lại lỉnh kỉnh khăn, túi, găng tay đạp xe ra mấy lò nung vôi để nhặt vôi thuê đến tối mới về. Với số tiền vài chục nghìn đồng 1 ngày công bà Mây vừa phải trang trải cho cuộc sống của bản thân vừa phải tiết kiệm để thăm nom Phú ở trong trại - “Tôi bây giờ phải sinh hoạt tiết kiệm lắm, bữa cơm chỉ mua ít cá, rau để ăn cho qua bữa thỉnh thoảng mới dám mua thịt”.

Sau mỗi ngày còng lưng ngoài lò nhặt vôi thuê ki cóp từng đồng, cứ thứ 2 đầu tuần bà Mây lại một mình đạp chiếc xe cà tàng gần 30km để mang quà đến cho Phú. Bà kể: “Gọi là “quà” chứ cũng chỉ có chai nước suối, cuộn giấy vệ sinh, vài thanh lương khô và ít mì tôm…”. Có lẽ với những gia đình phạm nhân khác thì số quà ấy chỉ đáng vài đồng lẻ của họ nhưng với bà Mây thì nó cũng ngốn gần hết mấy ngày công đi nhặt vôi của bà. “Tôi vào thăm con chỉ mang tình cảm đến cho nó là chính, còn tiền bạc thì có đâu? Đợt vừa rồi vào thăm thấy nó kêu lạnh và bảo tôi mua cho nó cái chăn mới chỉ có 130.000 đồng nhưng lúc đó trong túi tôi không còn nổi 20.000 đồng, thương con lắm nhưng chỉ biết khóc thôi. Tôi đành an ủi nó bảo đợi mẹ về đi nhặt vôi có tiền thì tháng sau vào mẹ mua cho…”, bà Mây sụt sùi trong nước mắt.

Tuổi thơ của một tử tù

15 tuổi, học hết lớp 9 Hồ Xuân Phú đã phải tạm dừng việc học ở nhà để “nhường suất” đi học cho em. Thương mẹ một nắng hai sương đi vác đá thuê, Phú đã xin mẹ cho đi canh ao, cắt cỏ cho cá ăn, trầm mình xuống nước bắt tôm, xúc tép đi bán cho gia chủ để tự lo lấy bữa cơm cho bản thân. Bà Mây kể lại: “Đi trông ao được mấy tháng, thỉnh thoảng tôi ra thăm nó thấy trời mưa phùn rét căm căm mà nó vẫn cứ quàng áo mưa lội xuống ao cắt cỏ với bắt cá, xót con quá nên tôi không cho đi làm nữa. Nghe lời tôi nhưng nó không chịu ngồi yên mà cùng 2 chị gái đi nhặt vôi, vác đá thuê để lấy tiền giúp đỡ mẹ và nuôi em ăn học. Thương con khổ cực vì cảnh côi cút mất cha, nhà lại đông miệng ăn nên hễ người cứ khỏe lên một ít là tôi lại đi làm. Thế nhưng, với thân hình gầy guộc, sức khỏe yếu nên mới đi vác đá được vài ngày thằng Phú đã bị đá rơi vào chân đành phải nghỉ ở nhà. Sau khi vết thương ở chân lành lặn. Không chịu khuất phục trước khó khăn. Bằng những kiến thức học lỏm được sau những lần ra quán sửa xe đạp thằng Phú đã thử hành nghề vá săm xe đạp trong 1 cái lều dựng tạm bằng cành cây khô để che nắng trú mưa ở dưới đường. Nó làm tốt nên đông khách lắm! 1 năm trôi qua, nó về nhà xin tôi cho đi học sửa chữa xe máy.

Để thỏa lòng mong muốn của nó, tôi phải nhờ một người quen làm nghề sửa chữa xe máy ở trên trung tâm huyện Thủy Nguyên cho nó được lên đó vừa phụ việc vặt không công vừa tranh thủ học nghề. 6 tháng sau nó về nhà bảo tôi đi thuê mặt bằng để mở cửa hàng sửa xe máy riêng ở gần đường liên xã, cách nhà khoảng 2km, hơn 10m2 với giá 200.000 đồng/tháng để làm cơ sở lập nghiệp. Ngoài những lúc sửa chữa, thấy ai muốn nhờ mua hộ xe cũ là nó lại đi tìm rồi bán lại cũng kiếm được vài ba trăm nghìn bỏ túi. Hơn 1 năm làm nghề sửa chữa, mua bán xe máy cũ, nó đã dành dụm gửi tiết kiệm cho tôi được hơn 70 triệu đồng và bảo rằng để phòng lúc tôi ốm đau còn có tiền chạy chữa”. Và trong 1 lần đi mua linh kiện xe máy trên trung tâm huyện thì Phú bị tai nạn xe máy nghiêm trọng làm sức khỏe suy yếu - và đây chính là thời điểm tạo nên ngã rẽ trong cuộc đời đứa con trai mà bà Mây hết mực tin tưởng. 

Nhúng chàm 

Tại Trạm giam Trần Phú, Hồ Xuân Phú kể lại: “Vào một buổi sáng đầu tháng 8-2009 khi đang ngồi ở quán sửa xe thì có 1 người ở trong xóm đến nhờ chở xe ôm, vì sức khỏe còn yếu nên em đã từ chối nhưng người đàn ông này cứ năn nỉ và em chở đến khu vực xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên thì phát hiện họ là dân cờ bạc nên định quay về, tuy nhiên người đàn ông kia tiếp tục bảo em ngồi đợi để chở anh ta về. Chờ và ngồi xem đánh bạc rồi sau đó em cũng “nhảy” vào chơi và lãi được hơn 1 triệu đồng. Sau lần đó, cứ thi thoảng người đàn ông kia lại đến bảo em chở xe ôm đến xới bạc rồi em sa ngã vào cờ bạc lúc nào không hay. Với 50.000, 100.000 đồng khi thì “xóc đĩa”, khi thì “phỏm gửi” em chơi đợt đầu thắng đến vài ba triệu, rồi bắt đầu những trận thua triền miên. Thua nhiều và cay cú muốn gỡ, em trượt dài theo những canh bạc. Hết tiền em vay mượn tiền của hàng xóm chơi, rồi mượn đồ đi “cắm” để lấy tiền đi “gỡ” khiến khoản nợ ngày một nhiều cho đến lúc chẳng còn ai dám cho vay nữa thì…”.   

Ngày 23-5-2010, Phú được 1 người bạn là Đồng Đức Đông ở cùng xã đi xe máy đến đón nhờ đi mua xe hộ, sau khi mua được xe, Phú bảo Đông đi chiếc xe mới mua về trước và hỏi mượn chiếc xe cũ để đi lấy hàng và được Đông đồng ý. Sau khi mượn được xe Phú đã đi “cắm” lấy 8 triệu đồng để đánh bạc. Đến tối Đông gọi điện để đòi xe thì Phú nói dối là trên đường về bị công an giao thông kiểm tra giấy đăng ký xe nhưng không có nên đã bị họ tạm giữ. Bị Đông thúc giục, không có tiền để chuộc xe, Phú nảy ý định đi mượn xe của 1 anh bạn là Hoàng Đình Hà để mang đi “cắm” lấy tiền chuộc xe ra cho Đông. Khoảng 9h ngày 25-5-2010, Phú sang nhà anh Hà thì thấy chị Hoàng Thị Phượng (SN 1989) là chị gái anh Hà đang quét sân. Trong cơn túng quẫn, quan sát thấy mọi người đều đi vắng Phú liền nảy sinh ý định giết chị Phượng để chiếm đoạt tài sản.

Ngay sau đó, Phú về nhà lấy một tuýp sắt dài khoảng 60cm để thực hiện ý đồ. Sau khi trở lại nhà chị Phượng, thấy chị Phượng đang nghe điện thoại ở ngoài vườn Phú liền lại gần dùng tuýp sắt đập liên tiếp vào đầu chị Phượng cho đến khi nạn nhân tử vong và chiếm đoạt xe máy, điện thoại và nhiều vật dụng cá nhân khác. Khoảng 13h cùng ngày anh Hà phát hiện chị gái mình ngồi chết gục ở gian bếp đã trình báo sự việc lên cơ quan công an. Khoảng 23h, trước cơ quan công an Hồ Xuân Phú đã phải tra tay vào còng nhận tội.