Tính kỹ lộ trình

ANTĐ - Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, đến cuối năm 2012 phải xây dựng đề án và lộ trình hạn chế và cấm ô tô cá nhân, xe máy tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP.HCM. Không giống như cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đề án đi theo lộ trình từ hạn chế đến cấm hẳn.

Năm 2003, Hà Nội đã sử dụng biện pháp mạnh là ngừng đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành đông đúc nhất, sau đó là 3 quận. Chỉ hai năm sau, năm 2005, quyết định này phải bãi bỏ và xe máy lại được đăng ký thoải mái. Thế nên, chỉ từ năm 2009 đến 2010, trung bình mỗi tháng, đường phố chật hẹp và chen chúc lại “lèn” thêm 10.000 - 15.000 xe cộ, trong đó có khoảng 3.000 - 5.000 ô tô con. Riêng 7 tháng đầu năm 2011 này, Hà Nội lại tăng thêm 155.000 xe máy đăng ký mới, trung bình mỗi tháng “đẻ” thêm 4.000 ô tô, hơn 20.000 xe máy.

Hiện toàn thành phố có tới 3,8 triệu xe máy và 368.000 ô tô, chưa kể khoảng 50.000 xe vãng lai. Tính ra mỗi ngày có gần 400.000 ô tô các loại chen chúc trên đường. Chuyện quá nhiều xe, đường hẹp, hạ tầng giao thông quá tải, giao thông công cộng quá yếu, ý thức người đi đường quá yếu kém, không có gì là mới mẻ. Chuyện đã nói nhiều, bàn nhiều tưởng đã quá cũ không còn gì để bàn thêm, song nó vẫn ngày càng “nóng bỏng”, bức xúc và trở thành một vấn đề hết sức nan giải. Để chậm thêm một tháng hay một năm thì tình hình càng phức tạp, khó gỡ và không có lối thoát. Đã từng cò nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, nhiều giải pháp đề ra cũng như nhiều chuyên gia tư vấn giao thông nước ngoài được mời sang tận nơi, khảo sát, “mổ xẻ” và đề ra không ít “liệu pháp” điều trị. Vậy mà “căn bệnh” ùn tắc giao thông đô thị dường như càng nặng hơn nếu không muốn nói là bó tay. Đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy đang được xây dựng sẽ tác động ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân?

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, không thể cấm quyền sở hữu tài sản của công dân, chỉ có thể đưa ra những quy định như hạn chế theo giờ, hạn chế phố nào. Việc đi lại bằng phương tiện cá nhân không thuận tiện thì họ sẽ phải lựa chọn phương tiện công cộng. Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia giao thông nhấn mạnh, việc phát triển phương tiện công cộng phải gắn liền với các biện pháp hạn chế hoặc cấm sử dụng phương tiện cá nhân tại một số đô thị lớn. Ban đầu, việc hạn chế sẽ áp dụng ở một số khu vực vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Cấm xe cá nhân trước hay ưu tiên phát triển giao thông công cộng trước rồi mới cấm? Nên nhớ, xe buýt Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2015 phấn đấu đạt 15%. Chưa có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, nếu hạn chế xe cá nhân mà chỉ trông ngóng xe buýt thì dân… bó chân.

Gần 7 triệu dân mà chỉ có 1.200 xe buýt chạy trên 75 tuyến, nhiều nơi vẫn “trắng” xe buýt, làm sao chuyên chở cho hết được ngay ở trong nội thành? Khi còn những ngõ nhỏ, phố nhỏ thì dân còn phải dùng xe máy. Khi xe buýt thuận tiện, thân thiện, lịch sự, giá vé hợp lý thì chẳng ai tội gì phải đi xe máy.