Tình đồng bào trong bữa cơm có rau, củ, quả của người Hải Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Giải cứu nông sản Việt” - đó không phải là cụm từ xa lạ, cũng chẳng cần phải khi tỉnh Hải Dương phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 thì cụm từ này mới xuất hiện.
Nông sản và phương tiện vận tải được phun khử khuẩn 2 lần trên địa bàn Hải Dương trước khi vận chuyển lên Hà Nội

Nông sản và phương tiện vận tải được phun khử khuẩn 2 lần trên địa bàn Hải Dương trước khi vận chuyển lên Hà Nội

Người Việt đã từng nhiều lần phải chung tay “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân, nhưng lần này thì khác hơn nhiều. Nông sản bị dồn ứ, bị vứt chỏng chơ ngoài đường chỉ vì cơn đại dịch tưởng như đã được kiểm soát bỗng bùng lên ở nước ta, và Hải Dương là tỉnh phải gánh chịu nặng nề. Những thửa ruộng, vườn rau, cây trái được người dân chăm bón nhằm bán đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc nay bị đổ thành đống trong nỗi xót xa của những người nông dân chân lấm, tay bùn.

Quê tôi, một vùng quê thuần nông, nơi không xuất hiện ổ dịch nào nhưng cũng có thể cảm nhận được sự tác động của nó lên những cây trồng, vật nuôi đã đến mùa thu hoạch. Đại dịch đã tác động đến rất nhiều ngành nghề, chạm tới nhiều gia đình, lưu thông hạn chế, sức mua giảm sâu, giá rau củ cũng vì thế phải bán với giá như cho.

Nhưng với tư tưởng được đồng nào hay đồng ấy, người nông dân quê tôi sẵn sàng oằn lưng thu hoạch tất cả rau màu để bán cho tiểu thương, dù số tiền thu lại nói như đám thanh niên từ thành phố trở về như chúng tôi là: Vừa đủ một cốc cà phê, được giá thì bằng một bát phở ở Hà Nội. Giá rẻ, nhưng bán được cũng là may. Nhiều nơi ở chỗ tôi có những vườn rau súp lơ già đã có hoa nở khắp cánh đồng mà chẳng ai thèm nhổ.

“Giải cứu” rau, củ ở Hải Dương là một chiến dịch “giải cứu” đặc biệt, nó là thông điệp của người dân gửi đến cho nông dân Hải Dương rằng, trong đại dịch, người Việt đã thấu cảm được những nỗi vất vả của người dân trong vùng dịch và sẵn sàng sẻ chia bằng hàng động thiết thực của mình. Bữa cơm có rau, củ của người Hải Dương cũng vì thế mà được tình đồng bào hơn chăng!”.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Người Việt đã nhiều lần phát động những chiến dịch “giải cứu” nông sản, nhưng đây cũng là lần đầu tiên người Việt phải chung tay để “giải cứu” những “nạn nhân” của đại dịch trước thềm năm mới. Không phải là điệp khúc “được mùa mất giá”, không phải từ một lý do chủ quan nào của người trồng và người bán, bởi vậy chiến dịch giải cứu rau quả ở Hải Dương nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng xã hội.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, không hiếm gặp những điểm bán rau của người Hải Dương, những rau củ được phân loại thành từng túi nhỏ, được niêm yết giá công khai. Có nơi cũng chẳng cần phải có người mua người bán, họ đặt tại điểm bán rau quả giải cứu ấy một thùng giấy kèm chú thích, ai mua cứ bỏ tiền vào thùng giấy.

Số nông sản chủ yếu là cà chua và cà rốt, được thu mua từ những nông dân ở TP Chí Linh (Hải Dương)

Số nông sản chủ yếu là cà chua và cà rốt, được thu mua từ những nông dân ở TP Chí Linh (Hải Dương)

Một giao dịch chẳng cần thuận mua vừa bán, mà cái cần nhất là tấm lòng với những người đang ở trong vùng dịch. Cũng có người lo sợ, không có người đứng bán hàng, rau cứ để tràn lan trên vỉa hè thế lỡ có người đến lấy mà không để tiền vào thùng thì sao? Cũng chẳng ai dám chắc điều đó tuyệt đối không xảy ra, nhưng người ta cũng có niềm tin để nghĩ rằng, từng ấy rau cũng chẳng đáng là bao, hơn nữa lại là một việc có ý nghĩa nên chẳng ai nỡ làm vậy.

Rất nhiều những cá nhân đã kêu gọi và trực tiếp trở thành những người vận chuyển rau từ Hải Dương đến nhiều nơi trong cả nước, nhiều nhất là ở Hà Nội. Trên báo chí, nhiều những cá nhân như thế đã được truyền đến bạn đọc. Đó là anh Phạm Văn Tâm, ông chủ một showroom bán ô tô cũ ở Long Biên (Hà Nội) đã biến không gian của mình trở thành nơi chứa rau củ được đưa về từ Hải Dương. Đó là chị Lê Thị Hà, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp ở TP Chí Linh (Hải Dương), mấy ngày nay chị và nhân viên đã trở thành những người bốc vác, ngày nào cũng làm việc đến 2-3h sáng.

Chiến dịch giải cứu nông sản cho bà con vùng dịch đã được người dân Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng

Chiến dịch giải cứu nông sản cho bà con vùng dịch đã được người dân Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng

Không chỉ xuất phát từ những cá nhân, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đồng hành trong chiến dịch giải cứu này. Trong ngày 22 và 23-2, Báo Xây dựng phối hợp với Công đoàn cơ quan Bộ Xây dựng đã chung tay “giải cứu” gần 7 tấn hàng rau, củ tại trụ sở Bộ Xây dựng (37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giúp người dân tỉnh Hải Dương vượt qua khó khăn.

“Giải cứu” đã là từ khóa nhiều lần được nhắc lại ở nước ta. Cũng có lúc chính chúng ta phải thốt lên rằng “điệp khúc giải cứu” biết đến bao giờ. Nhưng có thể nói, “giải cứu” rau, củ, quả ở Hải Dương là một chiến dịch giải cứu đặc biệt, nó là thông điệp của người dân gửi đến cho nông dân Hải Dương rằng, trong đại dịch, người Việt đã thấu cảm được những nỗi vất vả của người dân trong vùng dịch và sẵn sàng sẻ chia bằng hành động thiết thực của mình. Bữa cơm có rau củ của người Hải Dương cũng vì thế mà được tình đồng bào hơn chăng!

Tin đọc nhiều