Tình cảnh trái chiều

ANTĐ - Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nợ xấu của nước ta hiện đã ở mức báo động và ngấp nghé 10% GDP, trong khi tỷ lệ này của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Chính vì nợ xấu mà trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị thụt lùi, lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng suy giảm.

Theo ý kiến của một thành viên Hội đồng tư vấn, nếu để số nợ này cho hệ thống ngân hàng xử lý thì mỗi năm chỉ giải quyết được 1,5-2% và chắc chắn phải mất chừng năm, bảy năm mới tạm ổn. Trong thời gian đó, ngân hàng sẽ phải nghiêm ngặt cho vay mới, chủ yếu tập trung đòi nợ cũ; đồng thời duy trì lãi suất cao để bù vào tổn thất nợ xấu, ngay cả khi ngân hàng muốn áp đặt lãi suất cho vay theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Có một mâu thuẫn đang diễn ra là khoản nợ xấu tăng lên, song phần lớn các ngân hàng thương mại lại công bố lãi “khủng” hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp trong tình cảnh khốn đốn, số doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ngân hàng tiếp tục ngưng sản xuất hoặc phá sản. Bất chấp tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng luôn ở mức âm trong nửa đầu năm nay, một số ngân hàng vẫn thu lãi lớn. Dẫn đầu bảng “thành tích” là Eximbank, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2012 đạt trên 1.391 tỷ đồng so với cùng kỳ, ACB đạt lãi thuần 3.611 tỷ đồng, Vietcombank đạt trên 5.632 tỷ đồng… Trái ngược với không khí ăn nên, làm ra phấn chấn đó, tình cảnh doanh nghiệp hết sức bi đát, khốn đốn, nguyên nhân chính là do lãi suất cao và doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 6 vừa qua, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Hàng tồn kho tăng cao, lãi suất cao khiến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó khăn, nên chỉ tính trong tháng 6, đã có 4.110 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Còn tính chung 6 tháng đầu năm đã lên tới 26.325 doanh nghiệp.

Theo một chuyên gia tài chính, khi các doanh nghiệp lao đao, nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngân hàng. Thông thường khó khăn của ngân hàng thường đến sau doanh nghiệp. Nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ thì sẽ có những ngân hàng chỉ đạt mức lợi nhuận âm, chứ không thể công bố lãi như hiện nay. Phân tích sâu hơn, một chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, do mức lãi suất cho vay cao nhưng lãi suất huy động chỉ ở mức thấp được “neo giữ” trong một thời gian khá dài, chính là nguyên nhân giúp cho lợi nhuận của các ngân hàng tăng cao. Vị chuyên gia này cảnh báo, nếu ngân hàng vẫn duy trì mức chênh lãi suất cao như hiện nay sẽ là “độc dược” giết chết doanh nghiệp và nền kinh tế. Hơn thế, lợi nhuận cao của các ngân hàng còn liên quan đến việc xử lý và phân loại nợ xấu. Có thể nói, lãi của các ngân hàng hiện nay là lãi “ảo”...

Một chuyên gia tài chính cảnh báo, tình hình hiện khá căng thẳng, bởi khi nợ xấu không được xử lý, đã có ngân hàng hứa với doanh nghiệp “trả nợ cũ sẽ cho vay mới”. Thế nhưng, sau khi doanh nghiệp trả nợ thì đóng sập cửa không cho vay. Khẩu hiệu “đồng hành cùng doanh nghiệp” thực tế là “cùng hành doanh nghiệp”?