Tin vui đầu năm

ANTĐ - Cùng với tin chiếc tầu ngầm thứ 2 của Việt Nam mang tên TP.HCM đã lên đường rời nơi sản xuất về nước còn có một tin vui đầu năm 2014 của hơn 90 triệu trái tim Việt Nam trong nước và thế giới là việc thử nghiệm thành công khả năng lặn nổi của tàu ngầm mini của doanh nhân cơ khí Nguyễn Quốc Hòa ở quê lúa Thái Bình và chiếc máy bay trực thăng do anh Nguyễn Văn Thắng (thợ sửa xe máy ở Gia Quất, Long Biên, TP Hà Nội) tự chế tạo có thể bay khỏi mặt đất. 

Cùng với tin chiếc tầu ngầm thứ 2 của Việt Nam mang tên TP.HCM đã lên đường rời nơi sản xuất về nước còn có một tin vui đầu năm 2014 của hơn 90 triệu trái tim Việt Nam trong nước và thế giới là việc thử nghiệm thành công khả năng lặn nổi của tàu ngầm mini của doanh nhân cơ khí Nguyễn Quốc Hòa ở quê lúa Thái Bình và chiếc máy bay trực thăng do anh Nguyễn Văn Thắng (thợ sửa xe máy ở Gia Quất, Long Biên, TP Hà Nội) tự chế tạo có thể bay khỏi mặt đất. Tuy mới là bước đầu thành công nhưng nó mang một ý nghĩa to lớn đánh thức lòng tự hào và lòng say mê khoa học của người Việt. Rồi đây các nhà khoa học Việt Nam sẽ cho ra đời nhiều tàu nữa to hơn, hoàn chỉnh hơn. Đặc biệt, việc chiếc tầu ngầm được đặt tên Trường Sa cũng đã làm người Việt xúc động. 

Cũng lại nhớ, cách đây hơn 10 năm, đã có một số máy bay do Việt Nam chế tạo được bay thực nghiệm. Đó là máy bay cánh quạt loại nhỏ, 2 chỗ ngồi VAM-1 và VAM-2 sơn cờ đỏ sao vàng do Hội Cơ học Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nghiên cứu, chế tạo năm 2005 hoàn toàn nội địa hóa, ngoại trừ động cơ để hàng không Việt Nam được bay lên từ đôi cánh của chính mình. 

Tàu ngầm mini tự chế của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã được truyền thông nhiều quốc gia đồng loạt đưa tin. Từ hồi tháng 8-2013, một trang mạng của Nga có tên Livejournal đã đưa nhiều thông tin về chiếc tàu ngầm này với những phân tích và nhận định khá thú vị. Trước đó, tờ Tiếng nói nước Nga cũng thông báo: “Sau 1 tuần thử nghiệm, tàu ngầm mini do một thợ cơ khí ở thành phố của Việt Nam chế tạo đã làm việc hoàn hảo với đầy đủ chức năng của nó”. Tạp chí Quốc phòng Navy Recognition cũng đăng tải những thông tin tương tự cùng sự quan tâm đến thông tin tàu ngầm Trường Sa-1 được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP do Việt Nam tự chế tạo.

Còn Tân Hoa Xã viết: “Tàu ngầm có lượng giãn nước 12 tấn, có thể hoạt động độ sâu tối đa 50m, hành trình 800km trong thời gian 15 giờ. Hiện, công tác thử nghiệm tàu ngầm chỉ thực hiện trong vùng nước nông. Trong tương lai nó sẽ dùng để thăm dò tài nguyên biển, bảo vệ môi trường”.

Vẫn biết tàu ngầm thì thế giới đã phát triển hơn 100 năm nay và muốn sản xuất tàu ngầm để so kè với các nước thì phải có sự đóng góp của hàng nghìn kỹ sư, Tiến sĩ và ít ra 50 năm nữa thì mới theo kịp. Nhưng 2 cá nhân trên đều là những người có khả năng nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo rất cao, và có tinh thần dám nghĩ dám làm hơn hẳn các Tiến sĩ ngồi bàn giấy. Hệ thống giáo dục nước ta còn nặng về lý thuyết, đa số các Tiến sĩ bảo vệ luận án trên lý thuyết, rất ít công trình thực tế và để lại dấu ấn.

Tiến sĩ Việt Nam quá nhiều “Tiến sĩ giấy”, tính toán nghiên cứu rất hay nhưng khi cần thì không làm ra được sản phẩm phục vụ thực tiễn. Cũng có thể những đề tài họ đang nghiên cứu thường to tát, toàn công nghệ mới nhưng cũng chỉ để tiêu tiền của Nhà nước cấp cho các đề tài nghiên cứu sau đó cất tủ.

Trong khi đó, chiếc tầu ngầm Trường Sa có thể chưa được sử dụng cho mục đích quân sự thì dùng để nghiên cứu đại dương hay chí ít cũng phục vụ cho du lịch lặn biển. Bởi vậy, khi chúng ta đã có người dám chế tạo được tàu ngầm, máy bay thì những vị Giáo sư, Tiến sĩ chỉ biết ngồi đó mà phân tích, nhận xét, phê bình, chưa cống hiến gì thì thật sự đáng buồn thay cho họ dù cũng còn nhiều điều do cơ chế làm việc ví như lý do không có kinh phí. Bởi vậy, với 2 thợ cơ khí dám nghĩ, dám làm được tầu ngầm, máy bay trực thăng dù họ không được đầu tư cho cả việc học hành, lẫn kinh phí nghiên cứu thì quả thật càng đáng trân trọng.