Tin tặc Trung Quốc thường xâm nhập mạng chính phủ Australia

ANTD.VN - Nỗi lo về “chiến tranh mạng”, đánh cắp thông tin mật trên thế giới một lần nữa được dấy lên, khi mới đây Tập đoàn truyền thông ABC đưa tin, hệ thống máy tính của nhiều cơ quan trọng yếu và chính phủ Australia thường xuyên bị các tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc xâm nhập.

Tin tặc Trung Quốc thường xâm nhập mạng chính phủ Australia ảnh 1

Tin tặc Trung Quốc nhiều lần bị cáo buộc tấn công doanh nghiệp và cơ quan chính quyền của Australia, cũng như Mỹ

“Bị tấn công hàng ngày”

Cơ quan nghiên cứu quốc phòng của Australia (tên là Tập đoàn Công nghệ khoa học quốc phòng) và Ủy ban đầu tư và thương mại Australia – Austrade và một số cơ quan chính phủ khác của Australia đã trở thành mục tiêu của các tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cả 2 mạng của cơ quan quốc phòng và thương mại nước này đều được cho là bị tin tặc đột nhập đáng kể trong 5 năm qua.

Theo một báo của ABC, các nguồn tin tình báo giấu tên cho biết, những cuộc tấn công là do các tin tặc được nhà nước Trung Quốc bảo trợ thực hiện. Ngoài những mục tiêu đã nêu trên, mạng lưới của công ty vệ tinh Australia là Newsat Ltd cũng từng phải bí mật xây dựng lại hệ thống, sau khi bị tin tặc tấn công toàn diện vào năm 2013.

Đây là lần đầu tiên những trường hợp bị tin tặc tấn công kiểu này được tiết lộ, song đây chỉ là đỉnh của tảng băng chìm trong cuộc chiến tranh mạng nhằm vào chính phủ và doanh nghiệp Australia.

Theo ông Alastair Mac Gibbon - cố vấn an ninh mạng của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, hệ thống máy tính của chính phủ nước này “đã bị tấn công hàng ngày”.

Chính quyền Australia cũng cho rằng, động cơ thực sự trong vụ Cơ quan Khí tượng (BoM) bị tấn công mạng vào năm 2015, là tin tặc muốn tiếp cận dữ liệu của các phòng ban cụ thể, như Tổ chức tình báo – Không gian địa lý Australia thuộc cơ quan quốc phòng, có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu bản đồ cho quân đội và các hoạt động do thám và Mạng radar hoạt động Jindalee (JORN) do Không lực Hoàng gia Autralia quản lý, chuyên cung cấp giám sát quân sự trong 24 giờ tại các điểm trên không thuộc phía bắc và phía tây.

ABC cho biết, cuộc tấn công mạng BoM đã bị chặn lại, do đó tin tặc không tiếp cận được các mạng lưới nhạy cảm của những tổ chức này.

Chi đậm để chống tin tặc

Theo Ibtimes, sau khi có thông tin cơ quan chính phủ Australia bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã tuyên bố, Bắc Kinh không tiến hành cuộc tấn công mạng nào chống lại những lợi ích của Australia, đồng thời khẳng định, những cáo buộc trên “hoàn toàn không có cơ sở” và “như những quốc gia khác, Trung Quốc cũng phải chịu đựng những vụ tấn công mạng nghiêm trọng và là một trong những nạn nhân chính của nạn tin tặc trên thế giới”.

Trong khi đó, nhằm tăng cường nỗ lực chống các cuộc tấn công mạng nhằm vào Bộ Quốc phòng cũng như các vụ lừa đảo qua Internet, hồi tháng 4-2016, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã công bố Chiến lược an ninh mạng trị giá 230 triệu AUD.

Theo vị Thủ tướng, khoản tiền trên được sử dụng để trợ giúp các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ bảo vệ hệ thống máy tính trước các vụ tin tặc mà chuyên gia cảnh báo có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Australia mỗi năm tới 17 tỷ AUD. Chiến lược này sẽ được thực hiện trong 4 năm tới. Cùng với đó, chính phủ Australia bổ sung thêm vị trí Trợ lý Bộ trưởng về an ninh mạng.

Theo trang web Phys.org, siêu cường khu vực Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Australia đã nhiều lần bị cáo buộc tổ chức những cuộc tấn công mạng chống lại các công ty tư nhân và cơ quan chính quyền của Mỹ, cũng như của một số quốc gia khác. Cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Michael Hayden - người từng 6 năm đứng đầu bộ phận gián điệp điện tử của Mỹ – cho biết, Mỹ và Australia đang tăng cường phối hợp để nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu từ các cuộc tấn công mạng nước ngoài.