Tín hiệu đáng mừng

(ANTĐ) - Trong phiên họp cuối cùng của năm 2010 và thông điệp đầu năm 2011, Chính phủ và Thủ tướng đã khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 là bình ổn kinh tế vĩ mô, đặt ưu tiên lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, kết thúc một cuộc tranh luận kéo dài trong mấy năm gần đây giữa các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế về việc nên ưu tiên cho bình ổn vĩ mô hay tăng trưởng kinh tế.

Tín hiệu đáng mừng

(ANTĐ) - Trong phiên họp cuối cùng của năm 2010 và thông điệp đầu năm 2011, Chính phủ và Thủ tướng đã khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 là bình ổn kinh tế vĩ mô, đặt ưu tiên lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, kết thúc một cuộc tranh luận kéo dài trong mấy năm gần đây giữa các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế về việc nên ưu tiên cho bình ổn vĩ mô hay tăng trưởng kinh tế.

Bất ổn vĩ mô thường được thể hiện qua tỷ lệ lạm phát cao, dai dẳng và khó kiềm chế. Đi liền với hiện tượng này là sự mất cân đối (thâm hụt) trong cán cân thương mại quốc tế, cán cân vãng lai, cán cân ngân sách của Chính phủ. Hơn thế, hậu quả của bất ổn vĩ mô còn thể hiện ở lãi suất tăng cao (nhằm bù lại mức lạm phát cao, đồng thời bù đắp những bất trắc ẩn chứa trong nền kinh tế), tỷ giá chịu sức ép tăng liên tục vì đồng nội tệ mất giá so với đồng ngoại tệ.

Ngoài ra, môi trường vĩ mô bất ổn còn khiến dòng vốn có khuynh hướng “chảy ngược” khỏi khu vực sản xuất và đổ vào các loại tài sản mang tính đầu cơ như vàng, USD, bất động sản… để giữ giá trị. Điều này thường gây nên những tổn thương lâu dài trong nền kinh tế, vì nguồn lực bị “lái” theo hướng méo mó.

Cuối cùng, bất ổn vĩ mô mà biểu hiện rõ nhất là lạm phát sẽ “ăn mòn” thu nhập và những khoản tiết kiệm của người làm công ăn lương, người nghèo, khiến cuộc sống của họ dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Chính phủ đã nhìn thẳng vào những nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô. Có hai nguyên nhân gây bất ổn, từ bên trong và từ bên ngoài nền kinh tế. Tuy nhiên, môi trường bên ngoài có bản chất là thay đổi như… thời tiết, nhất là trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay. Chẳng có quốc gia hay siêu cường nào có thể tác động đến môi trường vĩ mô toàn cầu.

Vì vậy, theo giới chuyên gia kinh tế, việc giữ ổn định vĩ mô chủ yếu xuất phát từ việc khắc phục những nguyên nhân bên trong, nhằm tạo lập những cân đối căn bản của nền kinh tế, đồng thời tạo ra chỗ dựa vững chắc hay dư địa chính sách rộng mở để chống đỡ sự biến thiên của hoàn cảnh thế giới. Xét về nguyên nhân nội tại, cốt lõi của bất ổn vĩ mô thường xuất phát từ nguồn gốc sâu xa là sự mất cân đối giữa tổng tiết kiệm và tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế. Nếu một nền kinh tế tiết kiệm quá ít, trong khi vẫn phải đáp ứng những nhu cầu đầu tư cho phát triển, sẽ phải đối mặt với sự mất cân đối.

Trái lại, khi một nền kinh tế có tiết kiệm cao, nhưng lại đầu tư quá mức cần thiết, thì hậu quả cũng không kém phần nghiêm trọng. Xét về tổng tiết kiệm, Việt Nam có tỷ lệ tiết kiệm cao giống như các nước phương Đông truyền thống khoảng 30% GDP. Song đồng thời, Việt Nam cũng dành một phần rất lớn, khoảng 40% GDP để đầu tư. Đây chính là nguyên nhân gây ra mất cân đối nghiêm trọng cán cân tiết kiệm-đầu tư của đất nước.

Kết quả, nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách cao trong nhiều năm. Nguyên nhân của việc đầu tư chiếm tỷ trọng cao trong GDP vì nước ta đã theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư. Trong khi đó, đầu tư lại không có nhiều hiệu quả. Kết quả là, để cùng đạt một mức tăng trưởng như cũ, chúng ta phải đầu tư ngày càng nhiều hơn.

Có thể nói chính mô hình tăng trưởng dựa vào mở rộng đầu tư về lượng đã “tích lũy” những bất ổn vĩ mô trong thời gian qua. Vì vậy, Chính phủ đã phát đi thông điệp với tín hiệu đáng mừng, thể hiện quyết tâm vừa bình ổn kinh tế vĩ mô, vừa thay đổi mô hình tăng trưởng. Hai mục tiêu này gắn kết chặt chẽ và khăng khít không thể tách rời trong điều kiện và hoàn cảnh kinh tế nước ta.

Đan Thanh