Tín dụng tăng “nóng”, ngân hàng lo “cạn room” triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến nay, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 7,75% so với đầu năm, gần gấp đôi năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ xem xét có thêm một lượng tín dụng phù hợp để triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất.

Ngân hàng lo “cạn room” tín dụng

Tại Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 27-5, nhiều ngân hàng đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng để có thêm dư địa thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng Ngân hàng đã tăng trưởng ở mức “đáng kinh ngạc”, trên 9%. Dư nợ cho vay các đối tượng được hỗ trợ lãi suất chiếm tới gần 30% tổng dư nợ ngân hàng với gần 30.000 khách hàng.

Theo lãnh đạo Vietcombank, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như “cơn khát nước sau trận hạn hán”, do đó, với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank mong muốn được NHNN nới room tín dụng.

Tương tự, Phó tổng giám đốc BIDV, ông Trần Phương cũng cho biết, qua rà soát sơ bộ, ngân hàng thống kê thấy có khoảng 10.000 khách hàng hiện hữu với khoảng 200.000 khoản vay đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất. Trong quá trình thực hiện, các khách hàng giải ngân mới cũng sẽ tiếp tục được hỗ trợ, do đó con số sẽ tiếp tục tăng.

“Bắt đầu từ quý IV/2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng lên rất mạnh. Trong khi đó, room tín dụng 10% là không thể đáp ứng” – lãnh đạo BIDV nói. Do đó, ngân hàng này cũng bày tỏ muốn được NHNN nới room cho BIDV và các TCTD lớn để triển khai gói hỗ trợ lãi suất.

Tăng trưởng tín dụng nhiều ngân hàng đã ở mức rất cao

Tăng trưởng tín dụng nhiều ngân hàng đã ở mức rất cao

Cũng lo ngại thiếu hạn mức tín dụng, lãnh đạo VietinBank thậm chí còn đề xuất NHNN nên loại trừ hạn mức tín dụng hỗ trợ lãi suất ra khỏi room tín dụng của các ngân hàng, để các ngân hàng yên tâm triển khai.

Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bổ sung hạn mức

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tính đến ngày 27/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,75% so với đầu năm, tăng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tín dụng tăng trưởng dàn trải trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu. Ví dụ, nông nghiệp nông thôn tăng hơn 3,2 lần so với cùng; công nghiệp, dịch vụ, thương mại, vận tải, giao thông, khách sạn nhà hàng, mức tăng trưởng cũng gần gấp đôi 2021.

“NHNN đã xác định với trách nhiệm là một trong những kênh cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp để tập trung cho nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao, tập trung khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất, hỗ trợ cho những doanh nghiệp, đối tượng ảnh hưởng của dịch bệnh. Nên ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chỉ đạo mở rộng tín dụng và hướng tín dụng vào những lĩnh vực trọng yếu, cần thiết để khôi phục nhanh” – Phó Thống đốc cho biết.

Theo lãnh đạo NHNN, gói hỗ trợ lãi suất 2%, dự báo tín dụng sẽ tăng hơn. “Với khối lượng tín dụng cần thiết khôi phục nền kinh tế và bù đắp vốn trái phiếu doanh nghiệp, NHNN sẽ tính toán nghiên cứu làm sao có một lượng tín dụng bù đắp cho nền kinh tế một cách phù hợp, đáp ứng những nhu cầu khôi phục kinh tế, đảm bảo gói 2% này có đủ dư địa về mặt tín dụng để thực hiện một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất” – ông Đào Minh Tú nói.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, cơ quan quản lý luôn nhất quán một nguyên tắc trong điều hành tín dụng đó phải kiểm soát lạm phát. “Vì vậy khối lượng điều hành tăng bao nhiêu trong năm 2022 này sẽ được chúng tôi tính toán, nghiên cứu, điều hành một cách hợp lý” – Phó Thống đốc nói.

Không để trục lợi chính sách

Về lo ngại trục lợi chính sách, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết đây là vấn đề đặt ra ngay khi xây dựng chính sách và Nghị định 31 của Chính phủ đã giải quyết một cách căn cơ. Theo đó, có những quy định rõ ràng, thể hiện trách nhiệm rất cao của ngành ngân hàng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; cũng như việc triển khai thực hiện của các tổ chức tín dụng, làm sao triển khai đúng đối tượng, đúng quy định; minh bạch, rõ ràng, không để trục lợi chính sách.

“Nghị định 31 quy định rất rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan, kể cả chính quyền địa phương trong vấn đề xử lý những vi phạm của các đối tượng lợi dụng chính sách. Đặc biệt, các khách hàng doanh nghiệp được hưởng 2% lãi suất nhưng vay về sử dụng không đúng mục đích được ưu đãi thì phải thu hồi, để đảm bảo sử dụng ngân sách có hiệu quả, đúng mục tiêu; công khai, minh bạch rõ ràng.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai có sự quản lý, giám sát của Thanh tra giám sát NHNN và các ngành chức năng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Chúng tôi tin tưởng rằng quá trình triển khai chính sách sẽ đạt mục tiêu đề ra” – Phó Thống đốc nói.