Tín dụng tăng mạnh sau nới lỏng giãn cách xã hội, đạt 10,1%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Như vậy, tín dụng đã tăng khá mạnh trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây.

Bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020.

Trước đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 29/10, tín dụng toàn ngành mới chỉ đạt 8,72%. Như vậy, trong vòng gần 1 tháng qua, tăng trưởng tín dụng đã tăng khoảng 1,38%, là mức tăng khá cao so với những tháng trước đó.

Được biết, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 - 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện một số ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng khá mạnh những tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng khá mạnh những tháng cuối năm

Theo bà Bùi Thuý Hằng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 7 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Cụ thể: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động linh hoạt các chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản của thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế.

Thứ hai là hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,66%/năm.

Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.

Thứ ba, giải pháp về điều hành tín dụng với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020, tính đến ngày 25/11. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, cung ứng vốn đầy đủ kịp thời cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 03 và Thông tư 14 với phạm vi hỗ trợ được mở rộng hơn, thời gian hỗ trợ kéo dài dến tháng 6/2022.

Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi suất cho 1,8 triệu khách hàng với dư nợ 3,5 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay mới lãi suất thấp đạt 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.

Thứ năm là triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng nhất bao gồm chương trình trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (quy mô 7.500 tỷ đồng).

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines với hạn mức tối đa 4.000 tỷ đồng mỗi tổ chức.

Thứ sáu, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường. Thị trường ngoại tệ diễn biến tương đối ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại quốc tế, tạo sự ổn định về tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước đã miễn giảm phí dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.