Tin con mất nhà?

ANTĐ - Cả nhà ông bà Y. đứng tim khi côn đồ ập đến, đòi nhà... Không ai khác, chính đứa con mà ông bà tin tưởng đó đã lén lút bán ngôi nhà của bố mẹ đẻ của mình cho người khác.

Không hiểu vợ chồng cậu con quý tử tỉ tê thế nào mà ông bà Y. tại Từ Liêm, Hà Nội không ngần ngại cho mượn Giấy chứng nhận quyển sử dụng đất (GCNQSDĐ) của mình. Cứ nghĩ là chúng chỉ mượn để thế chấp "vay ngân hàng lấy vốn làm ăn", ai ngờ, một ngày đẹp trời, cả nhà ông bà Y. đứng tim khi côn đồ ập đến, đòi nhà... Không ai khác, chính đứa con mà ông bà tin tưởng đó đã lén lút bán ngôi nhà của bố mẹ đẻ của mình cho người khác.

“Bút sa”... nhà mất

Thời gian vừa qua, gia đình ông bà Y. Sống trong cảnh bi đát. Ngôi nhà và tài sản cả đời tích cóp, mua sắm mới có được mà chỉ trong phút chốc đã bị tung hê hết. Ông bà Y. năm nay đã 60 tuổi, cập rập lo thân mình, ôm chặt đứa cháu nhỏ con của thằng con trai cả, chỉ biết đứng nhìn những kẻ lạ mặt hung hãn, xông vào nhà lăng hết giường chiếu, bàn ghế ra sân, ra đường...

Mếu máo và thất thần, qua cơn hoảng loạn, ông bà Y. kể lại cơ sự của mình. Năm 2010, vợ chồng T. - đứa con trai sau của ông vì cần tiền làm ăn đã ngon ngọt mượn ông bà GCNQSDĐ (sổ đỏ) căn nhà ông bà đang ở để mang đi thế chấp ngân hàng vay vốn. Ngôi nhà vợ chồng T. đang sống gần đó chưa có sổ đỏ nên không đâu chấp nhận T. bảo, bố mẹ không giúp thì nó phải tính đến nước vay bên ngoài, lãi suất cao, làm bao nhiêu, trả nợ không đủ, lấy đâu ra tiền để sống. Đứa con mình đứt ruột đẻ ra đã cất lời nhờ vả, bố mẹ chẳng ai nỡ lòng nào... Sau nhiều ngày bàn tính, cuối cùng T. cũng nhận được cái gật đầu đồng ý của vợ chồng ông bà Y.

 
Ảnh minh hoạ

Có sổ đỏ trong tay, T. đưa tiếp cho ông bà một tờ giấy khác mà theo lời giải thích của T. chính là hợp đồng ủy quyền. Với tờ giấy này cùng các giấy tờ liên quan, sẽ tiện thực hiện các thủ tục vay vốn; ông bà Y. - những người đứng tên trong sổ đỏ không cần mất công đi lại. Cứ nghĩ là sổ đỏ đã đứng tên chính chủ hai vợ chồng, T. chỉ mượn để vay vốn chứ không thể mua, bán hay sang tên cho người khác và cũng có đến trong mơ, ông bà Y. cũng không thể nghĩ rằng, con trai sẽ lừa mình nên họ rất yên tâm, con bảo gì làm nấy.

Thời gian gần đây, viện cớ bận việc, T. đi suốt, vợ con T. đang ở bên nhà ngoại nên ông bà ít có cơ hội được gặp con, cháu... Rồi đến đầu tháng 5 vừa qua, ông bà nhận được hung tin khi nhà thông gia thông báo, vợ chồng T. đã ôm con mất tích, không ai liên lạc được. Chưa kịp hiểu cơ sự ra sao thì ông bà Y. phải đối mặt với côn đổ hung hãn kéo đến yêu cầu ông bà ra khỏi nhà. Không ai khác, chính cậu con trai mà ông bà tin yêu ấy đã lợi dụng hợp đồng uỷ quyền tài sản mà ông bà ký tên để lén lút mang bán cho một người khác.

Ông bà Y. kiên quyết không chấp nhận yêu sách trên và kiên quyết bám trụ trong ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, đó thực sự là những ngày sống trong ngục tù. Những kẻ lạ mặt tự xưng là chủ căn nhà đã khóa trái cửa, nhốt ông bà già yếu, phụ nữ và trẻ em bên trong; nhà cửa bị đập phá; đồ đạc bị vứt chỏng chơ... Toàn dân anh chị hung hãn, hết chửi rủa đến dọa nạt rồi kiểm soát mọi sinh hoạt của gia đình. "Chúng tôi muốn ra ngoài cũng phải "xin phép" họ. Ngay cả cháu nội, muốn đi học phải nhờ người bế qua khe cổng để đến trường" - ông bà Y. nói trong nước mắt. Hung hãn hơn, có ngày có 5-6 đối tượng lạ mặt đến ở, nấu cơm, sinh hoạt rất tự nhiên, thoải mái...

Giao quyền định đoạt sổ đỏ, nguy cơ mất tài sản là rất lớn

Đến đòi nhà, các đối tượng trên đưa ra hợp đồng mua bán nhà do chính T. - con trai ông bà Y. đã thực hiện. Tuy nhiên, điều làm họ ngỡ ngàng hơn cả là người đứng tên mua lại căn nhà mà ông bà đang sinh sống tại huyện Từ Liêm không chỉ có một người mà đã "qua tay" nhiều chủ khác. Mức giá bán ban đầu chỉ là một số tiền nhỏ, 100 triệu đồng nhưng đã tăng dần qua mỗi lần chuyển chủ và muốn nhượng lại, ông bà Y. phải chi đến 2,5 tỷ đồng - một số tiền quá sức với đôi vợ chồng già khốn khổ này.

Đã từng tiếp nhận và tư vấn cho khá nhiều trường hợp vì trót dại cho mượn sổ đỏ, làm hợp đồng ủy quyền định đoạt tài sản đề rồi bị lừa đảo và rơi vào tỉnh cảnh "bỗng dưng" mất nhà nhưng với LS Phạm Thanh Tùng -Văn phòng Luật sư Phạm Hoàng, Đoàn LS HN, có lẽ trường hợp "con dại cái mang" như ông bà Y. là khá hy hữu. Người ta có thể đề cao cảnh giác với người ngoài, thậm chí là người thân cũng có thể lừa nhau nhưng con cái đưa bố mẹ "vào tròng" là tình huống khó ai có thể lường trước được.

Tuy nhiên, vụ việc xảy ra với ông bà Y. cũng để lại những bài học rất sâu sắc. Theo LS Tùng, ngoài tình thì lý cũng rất quan trọng, mọi người sống và làm việc tuân theo các quy định pháp luật chứ không thể chỉ dùng tình cảm để giải quyết. Vì thế, khi giao giấy tờ của mình, nhất là các loại giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, giấy ủy quyền thì đều phải được xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo bằng sự hiểu biết của mình chứ không thể đọc qua ký đại, ngay cả người được ủy quyền, giao tài sản là người thân ruột thịt trong gia đình.

Sổ đỏ sau khi đã "tuột" khỏi tay mình, được ủy quyến cho người khác thì không ai có thể biết trước được hết đường đi nước bước của chúng ra sao, chúng có được sử dụng đúng mục đích hay đã được trao đi bán lại lòng vòng... Người chịu thiệt cuối cùng không ai khác chính là chủ sở hữu đích thực của căn nhà đó. Họ phải đối mặt với nguy cơ "ra đê ở" bất kỳ lúc nào. Một chi tiết được LS Tùng lưu ý, trong hầu hết các vụ việc tương tự xảy ra, các hợp đồng ủy quyền đều được chấp nhận, được thực hiện một cách hợp pháp tại các văn phòng công chứng có thẩm quyển. Nếu chủ sở hữu không tỉnh táo đọc hợp đồng, phát hiện các chi tiết "gài bẫy" như cho phép người khác được toàn quyền định đoạt tài sản của mình được lồng trong rất nhiều điều khoản thì chẳng khác nào "giao trứng cho ác".

Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, LS Tùng khuyến cáo: không nên quyết định giao tài sản có giá trị của mình cho người khác như giấy tờ nhà đất, ô tô, giấy tờ tùy thân... cho người lạ hoặc chưa tìm hiểu và xem xét thật kỹ; trước khi đặt bút ký hợp đồng ủy quyền phải cấn nhắc tất cả các điều khoản, "soi" kỹ từng câu chữ, tuyệt đối không được giao cho người khác quyền được toàn quyền định đoạt tài sản của mình, có điều gì chưa hiểu hoặc còn nghi ngờ thì có thể nhờ ngay các công chứng viên tại các văn phòng công chứng tư vấn, giải đáp. Nếu ở thế đã rồi như ông bà Y. đừng bỏ nhà, bỏ cửa để chạy mà phải bám trụ không rời và nhờ các cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết.