Bế tắc bình ổn giá thịt lợn:

Tìm ra nguyên nhân, tù mù giải pháp

ANTĐ - Thị trường thịt lợn đang nóng lên từng ngày, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cùng với các trang trại lớn ngồi lại truy tìm nguyên nhân và giải pháp.

Nguyên nhân đã tìm ra, nhưng làm thế nào để bình ổn mặt hàng này thì vẫn… bế tắc.

 15-30% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề
 15-30% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề
 

Cung giảm mạnh
Thời điểm này năm 2010, Cục Chăn nuôi cùng các bên liên quan cũng đã có nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp, làm thế nào để tiêu thụ lượng lợn thịt đến kỳ xuất nhưng bị ế. Năm nay, các cuộc họp bàn lại xoay quanh, làm thế nào để tăng lượng thịt lợn xuất ra thị trường? Nghịch lý trong ngành chăn nuôi năm nào cũng diễn ra, dịch bệnh, nguyên liệu tăng cao đầu vào, đầu ra khó khăn, song, chính sách ưu đãi lại khó áp dụng trong thực tế. Hậu quả của giá thịt lợn tăng đột biến trong thời gian gần đây, được nhiều chủ trang trại cho rằng, là hậu quả của phát triển ngành không bền vững.

Nguyên nhân của đợt tăng giá phi mã này đã được mổ xẻ, chủ yếu do cung thịt lợn những tháng vừa qua giảm mạnh. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá thịt lợn tăng cao đổ lỗi do xuất khẩu sang Trung Quốc là không hợp lý. Tình trạng này chỉ diễn ra trong 3 tháng đầu năm 2011 với lượng xuất gần 20.000 con, từ tháng 5 trở lại đây, gần như không có lợn xuất. “Qua kiểm tra thực tế tại một số tỉnh cho thấy, từ 15-30% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng, các trang trại lớn cũng cầm chừng hoặc thu hẹp quy mô, đã gây ra tình trạng khan hàng trên thị trường”, ông Sơn nói. Ngoài ra, một phần do tình trạng thiếu cục bộ, chênh lệch giá giữa một số địa phương gây ra mất cân đối cung cầu. Thêm vào đó, phải kể đến thương lái đẩy giá, dẫn đến giá cả bị đội lên từng ngày.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc thu hẹp hoặc bỏ sản xuất, nhiều chủ trang trại đều tỏ ra lo lắng giá đầu vào tăng quá nhanh. Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn cho biết, hiện công ty đang có 4.000 con lợn nái và khoảng 35.000 con lợn thịt. Quy mô này đã giảm nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái. Ông Mẽ phân tích: “Lãi suất vay mà các chủ trang trại phải trả là 25-26%, nguyên liệu đầu vào tăng 50-60%, con giống cũng tăng, chưa kể điện nước, nhân công. Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, dịch bệnh hoành hành liên tiếp, gây tâm lý lo lắng cho người chăn nuôi. Họ phải tính bài toán được và mất, lãi ít đi một chút, còn hơn lỗ vốn, phá sản”.

Bình ổn còn mù mịt
Cơn sốt thịt lợn vẫn đang diễn ra, biện pháp cần là làm thế nào để giá thịt lợn bình ổn được trong thời gian tới thì xem ra vẫn còn mù mịt. Ông Sơn dự kiến, với tình hình dịch bệnh tạm lắng như hiện nay, người chăn nuôi sẽ mở rộng sản xuất, quay vòng, như vậy, khoảng tháng 8 sẽ thiết lập được mặt bằng giá mới theo hướng giảm.

Tuy nhiên, nhận định này không được các chủ trang trại đồng tình. Ông Mẽ cho rằng: “Tháng 8 sẽ thiết lập mặt bằng giá thịt lợn mới, song, theo hướng tăng hay giảm là điều khó khẳng định và chưa đủ cơ sở để đảm bảo”. Lý do, hiện giá con giống đang ở mức rất cao, giống lợn khoảng 2 triệu đồng/con, gà vịt cũng đã tăng từ 65-150%. Trong khi, giá thức ăn chăn nuôi không bình ổn được, bấp bênh, phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài.

“Với diễn biến trên, tôi cam đoan, không mấy trang trại dám mở rộng quy mô vào lúc này. Giá thành đầu tư lớn, nếu vài tháng nữa, giá thịt lợn hạ, lúc đó, chỉ còn nước phá sản. Đầu tư, mở rộng chăn nuôi vào thời điểm này là quá mạo hiểm”, ông Mẽ nhận định. Chính sách bình ổn giá thì không đúng đối tượng. Bình ổn cho người sản xuất để họ giảm giá thành, bình ổn cho doanh nghiệp thương mại, về cơ bản hiệu quả không nhiều.

Về lâu dài, nhiều chủ trang trại cho rằng, ngành NN&PTNT cần có chính sách thực tiễn hơn cho ngành chăn nuôi. Hiện nhiều địa phương, thừa quy hoạch khu công nghiệp nhưng lại thiếu quy hoạch chăn nuôi, có quy hoạch thì mới giải được bài toán cân đối cung cầu, rồi giá thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh…