Tìm nguồn nước sạch cho Hà Nội

ANTĐ - Ngày 9-7, UBND TP Hà Nội cho biết, đang khẩn trương lập dự án đầu tư tuyến ống truyền dẫn cấp nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội) và nghiên cứu xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng, để hóa giải mối lo đường ống nước mặt sông Đà liên tục gặp sự cố.

Hà Nội sẽ giảm dần khai thác nước ngầm, chuyển sang dùng nước mặt

Năm 2015, không còn lo vỡ ống nước

Từ khi đi vào vận hành đường ống nước sông Đà - nội thành Hà Nội đã vỡ 7 lần. Chỉ từ đầu năm tới nay, hệ thống này đã 3 lần gặp sự cố khiến hàng trăm nghìn hộ dân “khát” trong những ngày hè. Điều đáng lo là chính đơn vị quản lý tuyến ống cũng thừa nhận không thể chấm dứt hoàn toàn các sự cố tương tự. Vì thế, người dân phía Tây Nam Hà Nội luôn thường trực mối lo bị “cắt” nước bất thình lình. 

Theo UBND TP Hà Nội, đánh giá của các chuyên gia đã chỉ ra, nguyên nhân của sự cố vỡ đường ống là do vật liệu ống chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về nội thành. Chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra vỡ đường ống trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án - Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam - Vinaconex - UBND TP Hà Nội đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc chưa có sự phối hợp với chủ đầu tư trong kiểm tra, giám sát việc thiết kế, thi công dự án, nhất là với tuyến đường ống.

Bên cạnh việc xác định trách nhiệm, vấn đề người dân quan tâm hiện nay chính là giải pháp để tháo gỡ, không để khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội quá phụ thuộc vào tuyến ống nước sông Đà lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng bục vỡ. 

Trả lời câu hỏi này, UBND TP Hà Nội cho biết, TP đã chỉ đạo Vinaconex đầu tư giai đoạn II dự án cấp nước Hòa Bình - Hà Nội, trong đó, ưu tiên xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước mới từ Hòa Lạc về đường vành đai III (Hà Nội). Theo thông tin mới nhất, dự án có thể triển khai từ tháng 9-2014. Lãnh đạo TP nhấn mạnh: “Trường hợp Vinaconex không đủ năng lực và điều kiện thực hiện dự án, TP sẽ chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội và doanh nghiệp đủ năng lực tài chính đầu tư hệ thống ống này. TP sẽ mua nước sạch của Vinaconex  từ Hòa Lạc để cung cấp cho trung tâm TP, đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhân dân từ mùa hè 2015...”. 

Quan trọng hơn, TP cam kết, sẽ giám sát chặt chẽ mọi khâu, từ thiết kế tới thi công, nghiệm thu tuyến ống số 2 này, đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình vận hành, không để tái diễn tình trạng lo vỡ, bục ống như tuyến số 1 hiện nay. Bên cạnh đó, TP cũng yêu cầu Vinaconex nghiên cứu đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II, với công suất 300.000 m3/ngày, đêm, nâng gấp đôi mức công suất hiện tại.

Tìm nguồn nước sạch từ sông Hồng, sông Đuống

Không chỉ dừng lại ở tuyến ống số 2, để giải “cơn khát” nước sạch cho khu vực Tây Nam Hà Nội, UBND TP còn cho biết, đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội lập dự án triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng. Dự án này sẽ huy động nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á. 

Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ cấp nước cho khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; một phần đô thị phía Tây Hà Nội (Sơn Tây, Láng - Hòa Lạc và Xuân Mai); các đô thị sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn; dọc theo trục Đại lộ Thăng Long; đô thị trung tâm phía Tây Nam Hà Nội (từ vành đai III đến vành đai IV và khu vực nông thôn liền kề). Quy mô ban đầu của nhà máy này khoảng 300.000 m3/ngày, đêm. Đến năm 2050, công suất sẽ nâng lên gấp đôi, khoảng 600.000 m3/ngày, đêm.

Với khu vực phía Đông Thủ đô, theo quy hoạch, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ đặt ở khu vực Phù Đổng (Gia Lâm), dự kiến cung cấp nước cho Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Quy mô đất cho dự án khoảng 6,7ha, công suất đến năm 2020 là 300.000m3/ngày, đêm. Tại Hà Nội, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ cấp nước cho quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên và một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...

Tại kết luận mới đây về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/5.000, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo giữ nguyên địa điểm xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống; đồng thời, sớm nghiên cứu quy hoạch xây dựng Nhà máy cấp nước phục vụ khu vực Nam Đuống. Riêng khu vực Nam thành phố, cần xác định vị trí địa điểm nhà máy nước mặt sông Hồng tại khu vực Nam sông Hồng. 

Theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 24 nhà máy nước, trong đó có ba nhà máy nước mặt là Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống, với tổng công suất cấp nước năm 2020 là 1,14 triệu mét khối/ngày, đêm. Hệ thống khai thác nước mặt sẽ dần thay thế cho nguồn nước ngầm. Bởi đến năm 2020 và 2030, có 3 nhà máy sẽ lần lượt ngừng khai thác là Hạ Đình, Tương Mai và Pháp Vân.