Tìm người tài nhưng chỉ thấy... người nhà

ANTD.VN - Tuần qua, câu chuyện dài kỳ “tuyển người nhà vào vị trí lãnh đạo” lại được hâm nóng với thông tin ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Tổng cục Thuế bổ sung quy hoạch lãnh đạo cấp cục giai đoạn 2016-2020 (chức vụ phó cục trưởng) đối với chính vợ mình là bà Đỗ Thị Phương Ngọc – người hiện giữ chức trưởng phòng Thanh tra số 1 - Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng do ông chồng đích thân bổ nhiệm hồi đầu năm 2015. 

Chưa dừng lại ở đó, báo chí còn phát hiện Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều cán bộ khác có quan hệ, họ hàng, thân thích với ông Long và bà Ngọc như trường hợp bà Đỗ Thị Thanh Thúy (em ruột bà Ngọc), cán bộ phòng Tuyên truyền hỗ trợ; ông Nguyễn Đăng Bình (chồng bà Thúy), Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Côn Đảo.

Trả lời báo chí, ông Cục trưởng một mực cho rằng, việc bổ nhiệm và quy hoạch vợ mình đều đúng quy trình của ngành và “được anh em tập thể tín nhiệm”. Ông còn thanh minh, “quy hoạch rồi để đó”, “quy hoạch để phục vụ công tác điều động, luân phiên” chứ “chả lẽ, tôi làm cục trưởng, vợ tôi lại làm cục phó”... 

Khỏi nói thì bạn đọc cũng quá hiểu cái sự “đúng quy trình” của ông Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như cái sự “đúng quy trình” trong cách bổ nhiệm cán bộ của ta bấy lâu nay. Người thì cho là ông Cục trưởng “lộ liễu quá”, người than “còn gì để nói nữa đây”, người chán nản “miễn bình luận vì tất cả đều đúng quy trình rồi nhé!”...

Trước đó, về trường hợp bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, cơ bản là đúng quy trình và quy định của Nhà nước dù còn chút ít sai sót. Có thể kể ra rất nhiều trường hợp “đúng quy trình” như thế đã bị dư luận phản ứng dữ dội thời gian gần đây.

Thực ra, nếu những trường hợp “bổ nhiệm người nhà” thực sự xứng đáng; đủ đức, đủ tài; các vị trí sau bổ nhiệm đều làm việc tốt, hiệu quả, đem lại những lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị và xã hội thì có lẽ không ai lên tiếng làm gì. Đáng tiếc, thực tế lại không phải như vậy, rất nhiều trường hợp “người nhà” được bổ nhiệm, lên chức dù không đủ kinh nghiệm, trình độ, năng lực; thành ra “ngồi nhầm chỗ”, thậm chí gây ra thua lỗ, sai phạm lớn...

Về công tác cán bộ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói thẳng: “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không tìm người nhà”. Nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu, chấn chỉnh ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn, sử dụng tới bổ nhiệm. “Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thông điệp từ Chính phủ đã rõ ràng, mạnh mẽ như thế nhưng thấm về tới cấp cơ sở như thế nào và được thực hiện nghiêm túc ra sao thì còn cần thời gian để kiểm chứng. Trên thực tế, bộ máy làm công tác cán bộ và hệ thống chính sách, quy định pháp luật về vấn đề này đều đã có từ ngày lập nước đến nay và được đánh giá là tương đối đầy đủ, chặt chẽ.

Ấy thế nhưng, dư luận cứ liên tục phải nghe điệp khúc đề bạt “đúng quy trình” kiểu như ở Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành ra, dư luận lại phải đặt câu hỏi: “Sao cái “quy trình chồng - vợ - con - cháu” nó cứ luẩn quẩn, “ám quẻ” chúng ta mãi vậy?”. Tại sao Thủ tướng đã chỉ đạo “tìm người tài chứ không tìm người nhà” thế mà tìm thế nào, người tài chẳng thấy, chỉ thấy người nhà? Tại sao?