Tìm một chân dung cho Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã có một thời gian dài các họa sĩ đi tìm biểu trưng cho Hà Nội. Thật ngạc nhiên là dù các họa sĩ của Thủ đô rất đông đảo, nhưng giải Nhất lại thuộc về một tay cọ đã sống xa Hà Nội hơn nửa thế kỷ. Và cái logo với hình ảnh Khuê Văn Các cách điệu cao đã được thành phố “nghìn năm văn hiến” dùng cho đến tận bây giờ.
Thanh lịch, chu đáo là nếp nhà người Hà Nội Ảnh: Lê Bích

Thanh lịch, chu đáo là nếp nhà người Hà Nội Ảnh: Lê Bích

Họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn từng sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Da. Ông sang học mỹ thuật ở Pháp và định cư tại Thủ đô Paris từ đầu những năm 1950 thế kỷ trước. Dường như có một quy luật bất thành văn nào đó khiến cho những người nặng lòng với Hà Nội nhất luôn là người đã hoặc đang ở xa Hà Nội. Và hình như càng xa nơi này thì sự hình dung về nó càng rõ nét, khúc chiết và cô đọng.

1. Những năm 50 của thế kỷ trước, Hà Nội là một thành phố có chân dung rất dễ nhận biết, cả bộ mặt phố phường lẫn gia phong trong từng nếp nhà. Ngồi trên tàu hỏa chạy các tuyến phía Bắc và phía Đông, khi vào đến cầu Long Biên đã thấy những hình ảnh hết sức thân thương của ngói nâu, tường trắng trùng điệp. Đó là gương mặt đặc trưng của khu phố cổ với hình thái kiến trúc nhà ống phù hợp với công năng của vùng lõi phố bán buôn sầm uất. Cách bài trí trong từng ngôi nhà này cũng có nét tương đồng nhất định. Mặt tiền thường dùng làm cửa hàng buôn bán hoặc sản xuất thủ công nhỏ. Gian kế tiếp được dùng làm phòng thờ với những ngôi nhà một tầng. Tiếp theo là mảnh sân trời bày chậu hoa, cây cảnh, núi non bộ. Tiếp khách thường ở hiên trà này nhìn ra sân. Qua sân mới đến các gian buồng ở cho vài thế hệ gia chủ. Đồ đạc, giường tủ trong nhà vẫn theo lối cũ, sập gụ, tủ chè và xa lông gỗ gụ mặt đá. Cuối cùng là gian bếp và khu vệ sinh.

Những năm mới tiếp quản cho đến tận cuối những năm 70, Hà Nội vẫn phổ biến dùng “hố xí xổm” và phải có một đội quân đổ thùng hàng đêm đi khắp phố phường. Nhà có mặt tiền rộng thường làm con ngõ bên cạnh cho nhân viên đổi thùng đi riêng. Nhà hẹp thì tất nhiên họ phải gánh thùng qua suốt chiều dài ngôi nhà ấy. Những gia đình ở khu phố cổ khá hiếm hoi có nhà kéo dài đến hai mặt phố trước, sau. Nếu có thì mặt phố phía sau cũng chỉ để dành làm đường đi cho công nhân vệ sinh.

Xuôi về phía Nam và ngược lên phía Tây là những khu phố mới do các kiến trúc sư người Pháp và người Việt thiết kế hồi đầu thế kỉ trước. Nghe nói là gần với kiến trúc miền Nam nước Pháp, nơi có khí hậu tương đối nóng. Đó là những ngôi biệt thự thường làm lùi vào sâu bên trong mảnh đất. Người ta để mảnh sân trước nhà làm vườn cây cảnh. Nhà biệt thự cao nhất cũng chỉ có đến 3 tầng. Dĩ nhiên những ngôi nhà này hiện đại hơn. Đã có công trình vệ sinh là hố xí máy và buồng tắm hoa sen hoặc bồn tắm bằng sứ trắng. Công bằng mà nói, diện mạo những khu phố mới này rất văn minh, đẹp đẽ. Thế nhưng, những nét tương đồng của kiến trúc nội ngoại thất là không khó để nhận ra. Những khuôn cửa gỗ lim thượng song hạ bản và cửa sổ trong kính ngoài chớp là đặc trưng bao quát của chúng. Những hoa sắt trên cánh cửa ra vào được các nghệ nhân phố Lò Rèn chế tác thủ công hết sức mềm mại. Tất cả đều được ghép nối bằng phương pháp tán đinh, không dùng bất cứ mối hàn nào. Đồ đạc trang trí trong nhà phần lớn được làm theo thiết kế của Tây, một số là mua sẵn từ Hồng Kông chuyển về. Cả trong khu phố cổ và khu phố mới, ngôi nhà người Hà Nội ở vẫn thường chọn vị trí trang trọng và cao nhất làm gian thờ. Nếu là nhà tầng thì gian thờ luôn ở tầng trên cùng và sáng sủa nhất.

Nhà văn - Họa sĩ Đỗ Phấn

Nhà văn - Họa sĩ Đỗ Phấn

2. Tâm lý chung của người Hà Nội trong giai đoạn này là khiêm nhường, hòa đồng. Rất ít ai dám chơi trội làm ngôi nhà của mình quá khang trang bề thế so với những nhà bên cạnh. Thậm chí đến cả màu vôi quét tường và màu sơn cánh cửa cũng không bao giờ thấy ai nổi trội. Chẳng biết có mối liên hệ nào giữa diện mạo phố phường với tâm tính người Hà Nội hay không. Nhưng nề nếp, gia phong của người Hà Nội lúc này còn được duy trì khá nghiêm cẩn. Dù là gia đình buôn bán hay chữ nghĩa lâu đời thì cũng vẫn có cách sinh hoạt theo nếp nhà Hà Nội cũ. Mâm cơm dọn ra bao giờ bát đũa cũng phải được sắp đặt ngay ngắn, dù ngồi bàn ăn hay trải chiếu dưới đất. Thế hệ cao tuổi nhất được ngồi vào giữa. Đàn bà trung tuổi được ngồi gần đầu nồi làm nhiệm vụ xới cơm. Trẻ con ngồi vị trí cuối cùng. Khi ăn, theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, phải có lời mời ông bà bố mẹ. Những đĩa thức ăn ngon thường được bố mẹ gắp mời các cụ xơi trước. Tuyệt đối không được vừa ăn vừa nhồm nhoàm nói chuyện, cười đùa. Đến trẻ con chan canh vào bát mà húp xoàn xoạt cũng dễ bị ăn vài chiếc đũa cả vào mông. Khách khứa đến nhà tuyệt đối trẻ con phải đi chỗ khác chơi. Thậm chí khách của chồng thì người vợ cũng chỉ có nghĩa vụ ra chào rồi lui vào buồng trong. Tuyệt không bao giờ thấy bà nào loi choi đế chuyện với khách của chồng. Lởn vởn quanh đấy cũng không bao giờ thấy.

Những gia đình chữ nghĩa dạy con học hành, ăn, ngủ theo giờ giấc và phép tắc nghiêm ngặt. Hình phạt là chiếc roi nhỏ có tính răn đe nhiều hơn là trừng phạt. Gia đình làm ăn buôn bán cũng có những phép tắc như vậy, nhưng giờ giấc có thể khác đi tùy theo công việc. Và mọi gia đình đều dạy bảo con cháu không bao giờ được xúm xít, chen chân vào những chỗ có vụ việc xảy ra trên phố. Lũ trẻ những năm 60 đi sơ tán về những làng mạc nông thôn rất lạ về cách sinh hoạt ứng xử ở miền quê. Đại khái, dù chúng được dạy dỗ ở Hà Nội là phải chào hỏi người nhà và họ hàng, thì ở quê luôn phải chào cả làng. Lại những đình đám hiếu hỉ ở nông thôn luôn tập trung lượng người rất lớn và nhiều người chẳng có việc gì ở đấy. Chỉ là hiếu kỳ mà thôi.

Hơn nửa thế kỷ qua đi, Hà Nội giờ đã đổi khác cả về diện mạo lẫn lối sống. Sẽ rất khó để tìm thấy hai ngôi nhà trên phố giống nhau về kiến trúc, tất nhiên trừ những chung cư cao tầng. Nghĩa là, ông xây nhà sau sẽ làm cao hơn ông xây trước ít nhất một hàng gạch. Cửa phải rộng hơn, và màu sơn tường dứt khoát phải nổi bật hơn. Cả thành phố thành một mớ lổm ngổm thấp - cao, rộng - hẹp, xanh - đỏ lòe loẹt. Cái đức khiêm nhường dần mai một gần như hết hẳn. Tâm lý nổi trội còn len lỏi vào từng gia đình với cách bài trí, mua sắm đồ đạc. Những vật dụng tiện nghi cho sinh hoạt được đua nhau mua sắm những thứ đắt tiền. Và ngạc nhiên nhất là nhiều gia đình sắm những bộ xa lông tiền tỷ, nhưng tuyệt không có lấy một cái giá sách.

3. Lối sống bon chen, xúm xít đã trở nên phổ biến. Vài tai nạn trên phố cũng xúm đen xúm đỏ dù chẳng ai có việc gì ở đấy. Người đi xe máy dừng chờ đèn đỏ vẫn có vài anh phía sau bóp còi inh ỏi đòi vượt lên. Hậu quả tất yếu của một thành phố phát triển là như thế. Từ hơn 30 vạn dân ngày tiếp quản thì giờ đây Thủ đô có dân số gần 10 triệu người. Hàng quán ồn ào bất tận và âm lượng hình như tăng lên hàng ngày. Muốn kiếm một quán cà phê ngồi thư giãn, tĩnh mịch, ngó nghiêng giờ cũng khó. Ngày trước, dù có lên chợ Đồng Xuân thì cũng hiếm khi được nghe ai đó bán hàng chào mời ráo riết. Giờ thì nửa đêm điện thoại cũng réo gọi liên hồi tiếp thị.

Tất nhiên là vẫn còn nhiều gia đình Hà Nội gìn giữ được gia phong cũ. Nhưng cuộc sống mới bận bịu, vất vả hơn nên việc rèn giũa nề nếp gia đình cũng được đưa xuống hàng thứ yếu. Ở trong căn hộ tập thể diện tích nhỏ hẹp thì bà vợ lảng vảng gần chỗ ông chồng tiếp khách là điều tất nhiên. Ra đường với bao nhiêu tệ nạn thì chẳng có cách nào tốt hơn là giữ trẻ con ở nhà. Chúng sẽ nghịch ngợm, chạy nhảy quanh chỗ khách ngồi cũng là tất nhiên. Và cũng chẳng thể nào giáo dục được chúng về giờ giấc khi mà nền giáo dục dạy thêm, học thêm của chúng ta có những biến tướng còn nhanh hơn cả thay đổi sách giáo khoa.

Nhưng người Hà Nội không bi quan như ta tưởng. Cho dù diện mạo của thành phố có thay đổi thế nào thì vẫn có một mạch ngầm gìn giữ gia phong, nề nếp. Những người sống đủ lâu ở Hà Nội vẫn có cách ứng xử văn minh, lịch thiệp từ cách ăn mặc cho đến lời ăn tiếng nói. Họ tôn trọng người khác nhưng không tán đồng với những thói hư tật xấu. Sáng sớm bên Bờ Hồ vẫn thấy vài người già lúi húi nhặt rác lũ trẻ xả ra từ tối hôm trước tụ tập chơi bời. Vài người già đi tập thể dục sớm còn mang theo túi nilon đến cho đám trẻ nhắc họ bỏ rác vào đấy. Chân dung của một thành phố hơn nghìn năm tuổi vẫn còn hiện diện đầy đủ trong những gia đình gia giáo. Người sống ở Hà Nội có đến hàng nghìn công việc khác nhau, song cách ứng xử lịch lãm vẫn luôn là thứ người ta chú tâm học hỏi. Những cảnh bán mua, chợ búa chao chát vẫn là thứ không thể tồn tại được trên mảnh đất này. Cách ăn mặc hay đầu tóc kinh dị cũng là thứ không thể tồn tại được ở đây. Dù là ở một quán bia ồn ã, náo nhiệt, vẫn có những góc nhỏ người ta ngồi trầm ngâm uống và quản lý chặt chẽ cường độ âm thanh phát ra. Những món ăn ngon đặc sắc của người Hà Nội như nem rán, giò chả, phở, bún ốc nguội… vẫn được nhiều gia đình và hàng quán làm ra. Người Hà Nội vẫn chọn cho mình được nơi ăn uống ngon lành và trật tự.

Người đang sống ở Hà Nội đều có ý thức gìn giữ những bản sắc tốt đẹp của thành phố. Đó là thứ làm cho người ở nơi khác đến có thể nhận ra khác biệt một cách dễ dàng. Và người ở xa về vẫn còn cảm thấy ấm áp ở xứ sở mà mình từng sinh sống.