Tìm “lối thoát” cho một chủ trương đúng

ANTĐ - Đọc bài viết “Phạt 10 triệu đồng nếu không sang tên đổi chủ phương tiện”, nhiều bạn đọc phản hồi, khẳng định chủ trương là đúng, nhưng cách làm như hiện tại khó mang lại thành công.

Người dân làm thủ tục sang tên, đổi chủ khi mua bán xe để đảm bảo quyền lợi trước pháp luật

(Trong ảnh: Người dân làm thủ tục đăng ký xe tại quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Nhiều ý kiến ngược chiều

“Nhà nước và lực lượng CSGT nên nghĩ kỹ trước khi đưa ra một luật, quy định nào đó. Cần phải hiểu người dân họ làm gì và sống ra sao, chứ đừng đưa ra quy định để bắt người dân nộp quá nhiều các khoản thuế, trong khi còn thiếu thốn. Có người đang vật lộn để kiếm sống từng ngày, cố gắng bớt ăn, bớt tiêu để dành dụm mua được một cái xe máy cũ làm phương tiện đi lại, nay phải nộp thêm thuế sang tên xe cũ. Nếu làm như thế thì người dân kiếm sống chỉ để nuôi thuế mà thôi”, bạn đọc Ngô Quyền phản bác.

“Xe hiện tại đã mua đi bán lại quá nhiều, làm sao tìm được chủ xe để sang tên chứ? Chẳng lẽ giờ phải để xe ở nhà vì không thể nộp phạt? Chưa tính đến chuyện nhà có 1 hoặc 2 xe mà tới 5 người dùng chung. Ví dụ, nhà tôi ở Bình Dương có 1 chiếc xe, người đứng tên là bố tôi, tôi dùng để đi làm ở TP.HCM, lỡ công an hỏi thì tôi lại phải về nhà kêu bố tôi lên sao???”, bạn đọc Tan Thanh thắc mắc.

Trong khi đó, bạn đọc Tran Bac lo lắng: “Nếu như thế này thì thật phiền phức, những người mua xe qua 3-4 người, bây giờ quay lại người chủ xe đầu tiên, họ không chấp nhận giúp mình thì sao?”.

Một bạn đọc tên Hung nêu giả thiết: “Tôi bảo tôi mượn xe thì phạt tôi thế nào?”.

“Tôi thấy vấn đề này phần nào gây khó cho người dân. Nghèo mới phải mua xe đã cũ để sử dụng, nay lại phải đăng ký như thế này để tránh bị phạt thì khổ quá”, bạn đọc Trần Lê nói.

Cũng không đồng tình, bạn đọc Nguyễn Hiếu đặt câu hỏi: “Quay lại thời con không được đi xe của bố à? Nhà có hai vợ chồng mà chỉ có một cái xe, cả 2 người muốn đi phải mua thêm cái nữa à?”.

Thử tìm giải pháp hiệu quả

“Báo An ninh Thủ đô ngày 19-9-2009 có đăng tin “Bị phạt vì không sang tên, đổi chủ phương tiện”. Thông tin nêu: “Phòng CSGT đường bộ - đường sắt - CATP Hà Nội cho biết, từ ngày 1-7 đến 16-9, đơn vị đã lập biên bản xử phạt 165 trường hợp chủ xe ôtô, mô tô và xe máy vi phạm không sang tên chuyển quyền sở hữu phương tiện; phạt thành tiền 234 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đối với các vi phạm là chủ xe ôtô không sang tên, mức xử phạt là 1.500.000 đồng/trường hợp; mô tô, xe máy là 150.000 đồng/trường hợp”. Trích dẫn lại thông tin trên Báo An ninh Thủ đô từ năm 2009, bạn đọc Minh Trí đặt vấn đề: “Như thế tức là lần trước “ra quân” thất bại. Lần này mức phạt đã tăng lên nhiều lần, liệu có thành công?”.

“Ở nhiều nước, người ta bán xe nhưng có thể giữ lại biển kiểm soát, nhìn biển là biết anh/chị ấy là ai rồi. Nếu Việt Nam cũng áp dụng cách quản lý này thì tốt. Hiện nay, hàng triệu người Việt Nam mua bán đều không sang tên và đi mượn phương tiện của nhau, rất khó quản lý”, bạn đọc Dinh Vi nêu quan điểm.

“Không sang tên không có nghĩa là chủ phương tiện không chịu trách nhiệm, điều này cần làm rõ. Đúng, phí trước bạ quá cao nên người dân chưa làm thủ tục sang tên chứ chẳng ai dại gì bỏ tiền ra mua xe rồi lại núp dưới tên người khác, trừ tham nhũng. Quan điểm của tôi là Nhà nước nên giảm lệ phí sang tên, có như vậy mới khuyến khích người dân hợp pháp hoá tài sản. Làm thế, Nhà nước cũng có điều kiện quản lý tốt hơn”, bạn đọc Cong Luan đưa ra.

Đồng tình quan điểm này, bạn đọc tên Thang viết: “Tại sao người ta không chịu sang tên, đổi biển khi mua bán xe? Bởi phí sang tên trước bạ quá cao! 1 chiếc xe 500 triệu đồng mất 50 triệu đồng để sang tên, nếu ở Hà Nội và TP.HCM còn mất tới 100 triệu đồng. Vì thế, cái quan trọng là khuyến khích mọi người nộp thuế, còn phạt, cấm, bắt bớ này nọ thì chẳng bao giờ hết, vì mọi người sẽ tìm mọi cách lách luật và không vi phạm để bị phạt”.

Khẳng định “chủ trương sang tên, đổi chủ khi mua bán phương tiện là hết sức đúng đắn, chính xác. Làm được điều này sẽ giúp công tác quản lý phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông, xử phạt vi phạm bằng camera, ảnh chụp “nguội” dễ dàng hơn. Như thế, người tham gia giao thông buộc phải có ý thức chấp hành luật lệ tốt hơn. Việc xử lý vi phạm cũng văn minh, hiện đại, phòng ngừa được các tiêu cực”, nhưng bạn đọc Hoàng Vũ cùng đề nghị: “Cần nghiên cứu kỹ cách làm, thực hiện khách quan để tránh đi vào ngõ cụt, gây khó cho người dân, đồng thời mất đi cái “uy” của cơ quan chức năng trong quản lý xã hội”.