Tìm lối thoát cho bài toán "đầu tiên - tiền đâu"

ANTĐ - Làm thế nào để kiếm đủ 35 tỷ đồng - mức kinh phí tối thiểu dự V-League do Ban tổ chức quy định - là câu hỏi khiến các CLB đau đầu trước mỗi mùa giải. Mô hình “một đội bóng, nhiều ông chủ” đang được xem như giải pháp bền vững cho bài toán khó này.

Tìm lối thoát cho bài toán "đầu tiên - tiền đâu"  ảnh 1Nhà tài trợ “tháo chạy”, CLB Kiên Giang (ảnh) và nhiều đội bóng chấp nhận bị xóa sổ gây tác động xấu tới V-League

Cuộc tháo chạy hàng loạt của “ông bầu”

V-League giai đoạn mới lên chuyên nghiệp chứng kiến nhiều màn “xe duyên” giữa đội bóng với doanh nghiệp. Khi các “ông bầu” làm ăn khấm khá, đội bóng rủng rỉnh kinh phí. Rồi khi doanh nghiệp gặp khó, tiền rót cho bóng đá không còn thì nhiều “ông bầu” cũng nhanh chân tháo chạy. Theo thống kê, chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có gần 10 đội bóng bị xóa tên khỏi bản đồ V-League như Hòa Phát Hà Nội, Navibank Sài Gòn, Vissai Ninh Bình, CLB Hà Nội ACB, Sài Gòn Xuân Thành, Khatoco Khánh Hòa, XSKT Cần Thơ, Kienlongbank Kiên Giang… trong đó đa phần vì khó khăn tài chính.

Không dừng ở các đội bóng gắn mác doanh nghiệp đỡ đầu, nhiều địa phương có truyền thống bóng đá cũng đã phải từ bỏ sân chơi chuyên nghiệp do ngân sách tỉnh không đủ nuôi đội bóng. Tại cuộc tổng kết mùa giải 2015, đại diện đội bóng Quảng Nam tỏ ý trách móc “bầu” Đức vì phát biểu “Mỗi mùa, HAGL chỉ cần 15 tỷ đồng là sống khỏe” khiến họ gặp khó khi đặt vấn đề xin UBND tỉnh Quảng Nam tiền để nuôi đội bóng. Thế nhưng, cách nghĩ, cách làm của đại diện bóng đá xứ Quảng không nhận được sự chia sẻ, trái lại còn bị lên án bởi một nền bóng đá chuyên nghiệp như V-League không chấp nhận việc CLB ngửa tay xin tiền ngân sách của địa phương như thời bao cấp. Nhìn sang các giải VĐQG tiêu biểu châu lục như J-Leauge (Nhật Bản) hay  K-League (Hàn Quốc), một đội bóng chuyên nghiệp phải tự nuôi sống được chính mình qua nhiều nguồn thu như từ thương hiệu CLB, tiền bán vé, bán quảng cáo, bản quyền truyền hình...

Một đội bóng, nhiều ông bầu

Trong số các đội bóng ở V-League, CLB Thanh Hóa nằm trong tốp đầu có tài chính ổn định nhất. Điều này là nhờ đội bóng xứ Thanh có sự đầu tư dựa trên cơ chế mở và xã hội hóa. “Nếu như các đội khác sống dựa vào một doanh nghiệp, hoặc sống nhờ ngân sách eo hẹp của địa phương thì CLB Thanh Hóa sống khỏe nhờ có tới 15 ông bầu - 15 doanh nghiệp cùng chung tay đầu tư cho đội. Khi một vài nhà tài trợ gặp khó, đội bóng vẫn không bị tác động nhiều.

Còn với đội bóng khác, có thể bị xóa sổ nếu ông bầu duy nhất tháo chạy”, cựu Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ chia sẻ. Trái ngược với mô hình “một ông bầu, nhiều đội bóng” bị lên án là kéo tụt chất lượng và sự ổn định của V-League, mô hình “một đội bóng, nhiều ông bầu” được ví như lối thoát cho bài toán “đầu tiên - tiền đâu”. Với bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay, giải được bài toán kinh phí coi như quẳng đi được một gánh lo.