Tìm lối thoát cho 300.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ước tính, trong quý 1-2022, vựa thanh long của Việt Nam gồm 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An có đến 300.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch, trong khi tình hình xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn khó khăn do dịch bệnh…

Giá hạ chưa từng có

Hơn 1 tháng qua, Trung Quốc với chính sách “Zero Covid” đã siết chặt các cửa khẩu biên giới phía Bắc khiến việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Đặc biệt, nhiều mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam đã bị ùn ứ, phải tìm đường tiêu thụ trong nước như mít, chuối, thanh long… Giá thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đã xuống thấp chỉ còn 2.000 -5.000 đồng/kg và khó có thể tăng trong thời gian tới.

Hiện, sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước, phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc. Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, giai đoạn 3 tháng đầu năm là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong quý I-2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trên địa bàn, các thương lái đang thu mua chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ.

Ông Trần Xuân Hoặc - Giám đốc HTX Suối Đá, huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận thông tin, HTX có 15ha thanh long VietGAP. Đầu tháng 12-2021, HTX vận chuyển 26 container thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc, nhưng do ùn ứ tại cửa khẩu nên chỉ bán được 11 container. Tình thế đó buộc các lái xe phải “bán đổ bán tháo” tại các tỉnh phía Bắc với giá 200 nghìn/thùng 20kg, sau đó hạ dần. Còn ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cho hay, tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước lượng 26.000 tấn, giá thành khoảng 15.000 đồng/kg. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn.

Sơ chế thanh long ở Bình Thuận

Sơ chế thanh long ở Bình Thuận

Tìm đường đưa hàng đi xuất khẩu

Về lâu dài, lãnh đạo Hiệp hội thanh long Long An kiến nghị số giải pháp như đề nghị Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước để các hoạt động được diễn ra liên tục và ổn định. Nếu có thay đổi về chính sách cần được thông báo trước ít nhất 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị. Bộ NN&PTNT đàm phán với Hải quan Trung Quốc kí kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch; xây dựng cơ chế kiểm tra, thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản Việt Nam; đàm phán mở cửa thị trường; bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đại diện Hiệp hội thanh long Long An cũng kiến nghị các bộ, ngành xem xét vận chuyển thanh long bằng đường sắt, đường biển để xuất khẩu sang Trung Quốc thay vì chỉ phụ thuộc vào đường bộ. Ngoài ra, cần đa dạng thị trường xuất khẩu thay vì chỉ phụ thuộc vào một thị trường lớn để giảm rủi ro.

Theo ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển, dẫn tới khó khăn như hiện nay. Theo đó, ông Nguyễn Khắc Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng. Ngoài ra, hiện nay việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy định rất nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Dù Trung Quốc chưa có những quy định này, nhưng Việt Nam cần lưu ý để đến lúc Trung Quốc đưa ra yêu cầu vẫn đáp ứng được.

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) dẫn chứng, trong năm 2021 thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,7 triệu tấn. Trong đó 520.000 tấn (chiếm hơn 30% tổng sản lượng xuất khẩu) đi theo đường biển từ cảng ở TP.HCM cho thấy tiềm năng xuất khẩu đường biển là rất lớn. “Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi cần mạnh dạn chuyển đổi xuất khẩu đường biển. Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, nhưng trái cây xuất đường biển sang Trung Quốc vẫn cứ đi đều đều” - ông Lê Văn Thiệt cho hay.

Ghi nhận đề xuất từ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ liên hệ ngay với Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng như một số cảng tại TP.HCM để sớm có buổi làm việc. Trong ngày 7-1-2022, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT phối hợp giải quyết vướng mắc trong vận tải biển và ưu tiên container lạnh phục vụ xuất khẩu nông sản. Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ GTVT làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam tìm giải pháp cho vấn đề thiếu container lạnh và giá thuê container tăng quá cao để giải quyết vấn đề hiện tại và phát triển xuất khẩu nông sản bền vững.

Đa dạng thị trường

Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, thị trường Ấn Độ được đánh giá rất tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng thanh long. Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn. Xuất khẩu hoa quả, hạt tươi của Ấn Độ năm tài chính 2020-2021 là 1,350 tỷ USD, nhập khẩu 3,159 tỷ USD. Đối với thanh long, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam… Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Năm 2020-2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch Covid-19. Đáng chú ý, tháng 6-2021 vừa qua, Ấn Độ lần đầu tiên xuất khẩu thanh long sang thị trường UAE, đây sẽ là một thách thức lớn đối với trái thanh long của Việt Nam trong thời gian tới...

Ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm…

Rà soát quy mô, sản lượng nông sản để có chiến lược tiêu thụ

Trong ngày 7-1-2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Theo đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương chủ động rà soát năng lực, nhu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản; kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ hoặc thông qua các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản.

Chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đồng thời theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất tiêu thụ, nhất là tình hình trước và sau Tết Nguyên đán 2022 nhằm đảm bảo cân đối cung cầu phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu tiêu thụ nội địa liên vùng; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc điều tiết thời điểm xuất khẩu hàng nông sản. Sở NN&PTNT các địa phương rà soát cụ thể quy mô, sản lượng các loại nông sản chủ lực, triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng, quản trị vùng trồng, mã số định danh vùng nuôi, mã số ao nuôi thủy sản; thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,…và các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu quy định…