Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam):

Tìm lại vẻ đẹp trong mỗi gia đình, con phố... để Hà Nội đẹp hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Hãy tìm lại vẻ đẹp của mảnh đất này trong mỗi gia đình, mỗi con phố và làm nó trở thành một phần trong đời sống của chúng ta…” - đó là những mong ước của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi nhận được câu hỏi, làm gì để Hà Nội đẹp hơn. Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

Truyền thống gợi mở con người trở về cốt lõi nhất của đạo sống

Một tác phẩm hội họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại triển lãm “Người thổi sáo”

Một tác phẩm hội họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại triển lãm “Người thổi sáo”

- PV: Vừa đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xin hỏi ông, “ghế nóng” thế nào?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: À, thì mình phải quen với cái sự “nóng” ấy thôi, chứ ghế đó chẳng lúc nào là nguội cả! (Cười)

- Trong thời gian qua, tôi rất ấn tượng với cách mà nhóm Nhân sĩ Hà Đông mà ông làm trụ cột đã tìm lại các bản sắc phong, dịch, rồi trả về cho chủ cũ. Xuất phát từ đâu, ông và những người bạn mình đã quyết định làm những điều tuyệt vời đó?

- Đầu tiên là xuất phát từ các bản sắc phong trong bộ sưu tập của ông Trịnh Văn Sỹ, thành viên Nhân sĩ Hà Đông. Qua quá trình gìn giữ, ông Sỹ nhận thấy những hiện vật này có gì đó rất kỳ lạ, thiêng liêng, và vì thế đã quyết định giữ hết lại. Nhóm chúng tôi thường một tuần 2 buổi, ngồi với nhau trò chuyện về văn chương, hội họa… cũng có lần, chúng tôi trò chuyện với một vài người mà đình làng quê họ bị mất sắc phong. Chúng tôi thấy được cái khao khát của họ rất ghê gớm. Từ đó, chúng tôi quyết định lấy các đạo sắc trong kho ra, dịch thuật, phân loại, tìm lại và trao trả cho những làng quê đó. Mỗi lần trao trả lại cho các làng quê, họ đón nhận những sắc phong này theo tinh thần vô cùng đặc biệt, thực tâm, thực lòng và xúc động thực sự.

Trên trang mạng xã hội của tôi, có nhiều người trẻ cũng đã ngỏ lời, nhờ nhóm Nhân sĩ Hà Đông tìm lại sắc phong cho đình làng quê mình. Từ đó, chúng tôi càng hiểu rằng, các đạo sắc phong không chỉ có linh thiêng, không chỉ được sự quan tâm của người già mà còn có cả những người trẻ tuổi. Có địa phương còn gửi cả công văn nhờ chúng tôi tìm hộ. Tất cả những điều đó đã thúc giục chúng tôi trong suốt thời gian qua.

- Ngoài việc có sẵn trong các bộ sưu tập bấy lâu gìn giữ, các ông có mua thêm ở những nguồn nào không?

- Có chứ, chúng tôi phải mua lại đồng thời kêu gọi những người dùng mạng xã hội nếu có thì cho chúng tôi mua lại. Ai giữ thì nên trao trả lại. Và thế là, đã có những người mang tặng chúng tôi sắc phong, họ là những nhà buôn bán cổ vật. Có người tặng chúng tôi một lúc 4-50 đạo sắc. Xét cho cùng, sắc phong cũng là cổ vật và số lượng đó nếu bỏ tiền ra mua lại thì cũng không phải là ít đâu.

- Thực ra việc này, nếu không có tiềm lực kinh tế thì không làm được?

- Đúng vậy, trung bình một bản sắc phong, nếu là thời Nguyễn thôi thì đã có giá trên dưới 10 triệu đồng, có cái 30-40 triệu đồng. Mỗi bản dịch sắc phong cũng phải trả thù lao khoảng trên dưới 2 triệu đồng. Chúng tôi thường phải nhờ Viện Hán Nôm dịch, rồi nhờ các những chuyên gia nghiên cứu cổ văn, xác lập hồ sơ, tính toán… Tất cả đều phải có tiền. Anh em trong nhóm chúng tôi cũng cùng nhau đóng góp tiền để làm.

Có làng quê, khi chúng tôi tìm lại và trao trả, họ đầy bất ngờ và hào hứng. Lại cũng có các địa danh, trước ở huyện này, giờ lại trôi về huyện khác. Tìm kiếm khá là gian nan và mất công, nhưng chuyện đi tìm đường cũng rất hay. Chúng tôi gặp lại những người tinh thông về địa chí và họ mách để chúng tôi tìm được nơi đó.

- Không có tiền thì không làm được, nhưng nếu không có văn hóa, thì chắc chắn ông và những người bạn của mình cũng không làm được việc ý nghĩa này?

- À, nếu không có văn hóa, chúng tôi sẽ bán lấy tiền. Với số lượng hàng trăm sắc phong mà chúng tôi có, số tiền thu về không phải là nhỏ. Vừa rồi, chúng tôi đi Hòa Bình, trao trả cho tỉnh Hòa Bình không chỉ có sắc phong mà còn nhiều tranh thờ cổ của các dân tộc, đồ thờ cùng cồng chiêng cổ. Cách đây mấy ngày, Bảo tàng Hòa Bình đã khai trương phòng triển lãm đó, chúng tôi còn được UBND tỉnh Hòa Bình cấp bằng khen. Tổng giá trị số cổ vật trao lần này tính ra cả triệu USD.

- Tôi nghĩ, tất cả những việc mà ông và những người bạn của mình đang làm phần nào cũng là cách để giữ gìn, khôi phục truyền thống, văn hóa… Bấy lâu nay chúng ta luôn có câu cửa miệng là “phục dựng đúng chuẩn truyền thống”, vậy truyền thống có chuẩn không và nếu đã nhạt nhòa rồi thì còn khôi phục được nữa không?

- Có 2 loại, một là những giá trị truyền thống chúng ta có thể nhìn thấy ngay được, loại còn lại trao truyền qua các thế hệ, nó tồn tại trong tinh thần và cách sống của mỗi người. Cách đây chưa lâu, tôi có viết một bài về những di sản sống đất Thăng Long, trong đó, những người già họ chứa đựng tất thảy những tinh hoa như phong cách ẩm thực, bài trí nhà cửa đón Tết…

Chúng ta không thể xây một ngôi chùa, hoặc treo lên đó những đạo sắc phong mà đã có thể phục hồi được truyền thống. Truyền thống chính là vẻ đẹp qua nhiều đời được tinh lọc, kết lại thành một vẻ đẹp. Mỗi một dân tộc đều có một truyền thống riêng, nhưng chung nhất là sự nhân văn của con người với thiên nhiên, con người với con người và tình yêu đồng loại.

Di sản ở đây cũng đóng một phần quan trọng. Câu chuyện sắc phong trở về cũng vậy, khi chúng tôi đi trao, nhiều người dân địa phương bảo, đình của họ đã có quá nhiều các đồ đắt tiền được người dân cung tiến, nhưng rồi chỉ đến khi những đạo sắc phong trở về, ngôi đình đó mới có hồn. Có nơi, chúng tôi đã trao trả sắc phong từ 2-3 năm trước, bây giờ họ gọi lại và bảo tôi, đã có rất nhiều điều ý nghĩa được phục hồi lại trong ngôi làng, nhất là nết ăn ở, tình làng nghĩa xóm. Truyền thống là thứ gợi mở cho con người quay trở về với những gì cốt lõi nhất của đạo sống, của đời sống, tôn ti trật tự, hiểu giá trị, yêu con người, coi trọng thiên nhiên, nhân - nghĩa - lễ - trí - tín.

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại triển lãm “Người thổi sáo”

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại triển lãm “Người thổi sáo”

Kinh tế mang lại điều kiện tốt nhất để lưu giữ vẻ đẹp

- Làng mạc, phố xá, mọi thứ đều rất khác và đã thay đổi hay nói cụ thể hơn phần vật thể đã thay đổi. Truyền thống - phần phi vật thể được đựng trong một vỏ bọc rất xô bồ liệu có còn đầy đủ được không?

- Nó vẫn còn, nếu biết cách tổ chức. Các nước phát triển, như Nhật Bản, Hàn Quốc... những nước ở ngay gần ta, việc giữ gìn truyền thống vẫn là mẫu mực để học tập. Ngay trong mỗi căn nhà của chúng ta vẫn còn ban thờ gia tiên, sự sum họp của nhiều thế hệ, những câu chuyện của lòng hiếu thảo, câu chuyện của tôn sư trọng đạo. Tất thảy đều còn dưới những mái nhà vô cùng hiện đại mà cách đây 100 năm không ai có thể tưởng tượng được, 1.000 năm lại càng càng không.

Truyền thống là gì? Đừng có nghĩ nó là cổ, là cũ, là không phù hợp với hiện đại. Phải định nghĩa lại cho đúng, đó là vẻ đẹp trong những con người, được lưu giữ trong những con người, và quan trọng hơn nó được trao truyền.

- Nhưng bây giờ, nhiều khi vẻ đẹp đó cứ ẩn đi đâu đó?

- Ẩn hay không là do chúng ta. Tại sao có những ngôi nhà mà ông bà, cha con, anh em họ hàng gắn kết. Tại sao cũng có những gia đình truyền thống lại bị phá vỡ hoàn toàn. Vấn đề cốt lõi là giáo dục.

- Không chỉ giáo dục đâu, người ta còn đổ lỗi cho sự phát triển kinh tế?

- Kinh tế không có lỗi gì cả. Kinh tế chỉ mang lại cho họ những điều kiện tốt nhất để lưu giữ những vẻ đẹp ấy, hưởng thụ vẻ đẹp đó. Ngày xưa làm gì có điều kiện mà ra khỏi “lũy tre làng” để đi thăm thú muôn nơi. Kinh tế là cơ hội để hưởng thụ, bảo quản, bảo dưỡng tốt nhất những vẻ đẹp. Con gà dù mỗi cọng lông của nó được đính kim cương thì vẫn là con gà. Nhưng con người thì khác, trữ lượng văn hóa con người càng cao bao nhiêu cuộc sống càng văn minh bấy nhiêu.

- Chiều hôm trước, tôi di chuyển từ Hải Phòng về đến cầu Thanh Trì (Hà Nội) mất 1 giờ, và từ chân cầu đi được đến Trần Duy Hưng tôi đã phải mất thêm 1 giờ nữa trong tâm trạng vô cùng bức xúc. Hỏi thật, anh nghĩ gì trong lúc tắc đường?

- Đó là khoảng thời gian mà chúng ta nghĩ liên miên, lan man nhiều nhất. Xem nào, trong lúc tắc đường tôi nghĩ về giao thông, về quy hoạch của một đô thị, về cả việc tại sao chúng ta không có một khoảng không để thở. Tôi nghĩ cả những ý tưởng văn chương, nghệ thuật. Nghĩ rất nhiều thứ trên một chặng đường…

- Lại sắp Tết, sẽ lại có nhiều người ở phố về quê và nhận thấy, quê hương luôn là chốn yên bình, đẹp đẽ nhất. Hết Tết, họ lại vật vã trở lại thành phố, lại “chiến đấu” với tắc đường, khói bụi. Anh nghĩ sao về lực hấp dẫn của thành phố mà cụ thể là Hà Nội?

- Đô thị nào trên thế giới cũng vậy. Ở đó có công ăn việc làm, là nơi mưu sinh, đối với sinh hoạt nghệ thuật đây là nơi tập trung nhất. Tiêu chuẩn về đời sống, tiêu chuẩn hưởng thụ trong thế giới văn minh cũng hơn các miền quê khác… Nhiều người kêu lên kinh hoàng giao thông thành phố, và trong khoảnh khắc họ trở về, họ thấy quê hương trong lành, an bình, tĩnh lặng… bao nhiêu cái sức ép của đời sống đô thị giảm đi rất nhiều.

Nếu tôi nghỉ hưu, chắc chắn tôi sẽ ở nông thôn. Vì đúng là, cái đời sống đô thị nó khiến chúng ta mỏi mệt thật, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở nhà quê như tôi. Tết nào tôi cũng về quê, Tết ở quê đầm ấm, ngay như dấu hiệu của mùa xuân nơi này cũng rõ ràng, rành mạch và đẹp đẽ hơn chốn đô thị. Và người Hà Nôi thì cũng mong Tết đến, toàn bộ người quê về hết đi để thành phố trở nên rộng rãi hơn. Rõ ràng, câu chuyện của chúng ta đang nói ở đây khá nan giải. Nhưng sẽ đến một lúc, khi đời sống, điều kiện sống cao lên, khi người ta hiểu rằng, giá trị sống đích thực là gì, là không phải cơm ăn ba bữa, mà lúc đó là hưởng thụ, hưởng thụ những giá trị thiên nhiên, văn hóa, và hưởng thụ chính bản thân mình.

- Nhưng làng Chùa quê anh, mấy năm gần đây cũng đã thay đổi nhiều. Không còn nhiều những cánh đồng rau khúc lúc chớm đông, những món ăn truyền thống cũng ít người còn nấu….

- Bây giờ, các cháu trong quê, thi thoảng đến mùa vẫn mang cho gia đình tôi rau khúc, vì biết, chúng tôi vẫn làm bánh khúc - làm để mời bạn bè đến ăn. Nhưng chính trong quê, ít người còn “bày vẽ” làm bánh.

Hàng năm, mỗi dịp Tết, chúng tôi vẫn về quê mổ lợn, chia thịt, ăn một bữa ăn chung với họ hàng, làng xóm. Mọi người vô cùng thích, chỉ muốn sang năm lại trở về, những cái đó có làm chúng ta mất đi thời gian không. Sao không ra chợ mua ào cái là xong. Tất cả những việc đó, mang đến cho mình một đời sống, phục hồi cho mình một ký ức đẹp. Cũng như Rằm Trung thu cả gia đình chuẩn bị nhộn nhịp làm đèn Trung thu cho trẻ con, mặc dù đèn tôi làm xấu hơn, đắt hơn đèn mua ngoài Hàng Mã, nhưng việc bỏ công, bỏ tiền ra không phải vấn đề vật chất mà mang ý nghĩa văn hóa, được sống, được tạo ra không gian văn hóa cho chính bản thân mình.

Điều đó tương tự, ở mỗi quốc gia, chúng ta phải tạo ra không gian văn hóa cho cộng đồng mình, có độ dừng, độ chậm để cá nhân mình, gia đình mình hưởng thụ. Nhiều quốc gia không phát triển, nhưng khi xếp hạng hạnh phúc họ đứng đầu, không phải những quốc gia giàu có như Mỹ, Anh, Pháp mà đã hạnh phúc. Hạnh phúc không phụ thuộc vào điều kiện sống. Tất nhiên, tôi quan niệm chúng ta phải đi qua cơn đói, mới nghĩ đến văn hóa, đến cái đẹp. Còn nếu đói thật, đói theo nghĩa đen thì chẳng nghĩ được điều gì khác cả. Nhưng rồi cũng lại phải hỏi, tại sao ngày xưa tinh khiết thế, văn hóa, con người, lễ hội, thiên nhiên đẹp thế mà đến bây giờ chúng ta đủ đầy cơm gạo, áo ấm, tiền bạc… lại cứ rối loạn hết cả lên?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Giữa cái đầy đủ vật chất phải có đầy đủ tâm hồn

- Vấn đề chúng ta không nhận ra con đường thế nào là bình yên, thế nào là hạnh phúc, và chúng ta cứ lao vào kiếm tiền?

- Đối với người giàu có, hạnh phúc là một phép trừ. Vì anh đã có 10 tỷ đồng trong tài khoản, anh lại nghĩ làm sao để kiếm được 20 tỷ, rồi 30 tỷ đồng, những con số đó không tha cho anh anh. Lừa anh, quyến rũ anh, dùng “phép thuật” kéo anh đi. Bao giờ cộng cho đủ tài khoản trong khát vọng thèm tiền như thế? Nhưng nếu anh có 10 tỷ, 100 tỷ đồng anh dừng lại, dùng 10 tỷ đồng để cho một chuyến đi, sum họp, trồng hoa, ngắm tranh, nghe hòa nhạc… anh chạm tới hạnh phúc. Nhiều chủ doanh nghiệp bảo, sẵn sàng đổi tài sản để có được cuộc sống như Nguyễn Quang Thiều, vì: “Anh có đời sống trên giấy, trên toan, trên những trang viết, còn chúng tôi phải sống với những con số rất mệt mỏi!”. Không phải đổi, mỗi chúng ta phải tự nhận ra điều đó mà làm. Tôi vẫn phải lo đời sống cho gia đình tôi, cho con cháu tôi và cho cả chính tôi. Quan trọng là cân bằng, phát triển và tồn giữ một điều gì đó. Giữa cái đầy đủ vật chất phải có đầy đủ tâm hồn.

- Ký ức đầu tiên của anh về Hà Nội, kể từ đó đến nay, đó đã đổi thay thế nào?

- Hà Nội trong mắt tôi lần đầu hiện lên là một cái gì đó rất quyến rũ của một đô thị. Tôi vẫn nhớ cả những bậc cầu thang hơi tối đi lên, bữa cơm người Hà Nội 30 năm trước, những bữa cơm khác hoàn toàn bây giờ. Những ngọn đèn le lói được thắp lên với cảm giác rất xốn xang. Còn Hà Nội bây giờ, thực ra chỉ là chốn lê thân xác đi-về, phải sống ở đó, không rời bỏ được. Ví dụ nhé, tại sao người ta không giữ cho đầy đủ cảnh quan thiên nhiên hồ Gươm? Tại sao cả một vùng cảnh quan, văn hóa xung quanh hồ Tây không biến nó thành di tích, bảo tàng…. Quanh hồ Tây, bao nhiêu là kỳ tích, văn hoá, truyền thuyết lịch sử, tâm linh... thế mà nhà cao cứ lấn dần. Tôi cam đoan là, bây giờ mà có cho lấp hồ Tây xây chung cư thì người ta xung phong lấp luôn chứ không đùa.

- Câu chuyện lại vòng về giáo dục, nếu như mỗi đứa trẻ từ bé được giáo dục, được truyền cho tình yêu thiên nhiên, giữ gìn truyền thống, giữ cả những nếp nhà thì chắc chẳng ai lại nỡ nào đề xuất lấp một phần hồ Ba Mẫu xây khu tái định cư thủa nào, hoặc là, dù có cho phép cũng không một ai dám lấp hồ Tây, ý ông là thế, có đúng không?

- Hà Nội ngày xưa, có thể nói là biểu tượng vẻ đẹp thuần khiết tinh tế hào hoa, ở đó tất cả các mối quan hệ đều có trên, có dưới, có thưa, có gửi vô cùng tinh tế và lịch lãm. 7 năm trước, tôi từng có thời gian sống trong một gia đình nhà thơ ở Ai-len. Khi thấy chủ nhà, hàng tối ngồi chìm sâu trong chiếc ghế nơi phòng khách, tôi đã hỏi, ông đang nghĩ gì. Thật bất ngờ, chủ nhà trả lời: “Tôi nghĩ về những đứa con của mình”. Thế là, ngay cả những nơi chúng ta vốn đóng đinh là có đời sống khác biệt nhưng vẫn suy nghĩ về gia đình rất Á Đông. Gia đình là thành tố cuối cùng còn bảo vệ con người. Nhưng hiện tại, việc dạy con, chúng ta lại dựa vào nhà trường, dựa vào trăm thứ khác ngoài gia đình quá nhiều.

Nhiều năm trước, khi tôi còn trẻ, tôi cùng bạn bè tiến hành một cuộc khảo sát ngôn ngữ trong gia đình. Kết quả thu được, ngôn ngữ thực dụng được sử dụng thường xuyên trong gia đình Việt. Thế thì, những đứa trẻ của chúng ta sẽ lớn lên như thế nào. Lại cũng có lần, một vị phụ huynh đã đề xuất, các nhà văn xin hãy viết những cuốn cẩm nang để trẻ con phòng, tránh được cạm bẫy, khi khó khăn chúng sẽ lấy đó để soi vào. Tôi đã trả lời rằng, nhà văn, nhà thơ có viết 1.000 cẩm nang cũng không đủ. Bởi lẽ, khi ra đời, trẻ gặp vấn đề ở số 1.001 là sập bẫy rồi. Chỉ khi chúng ta, con cái chúng ta biết yêu thương, chia sẻ, sống với nhau bằng tấm lòng nhân ái, tôn kính người già, đó mới là cẩm nang đích thực.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ở mỗi quốc gia, chúng ta phải tạo ra không gian văn hóa cho cộng đồng mình, có độ dừng, độ chậm để cá nhân mình, gia đình mình hưởng thụ. Nhiều quốc gia không phát triển, nhưng khi xếp hạng hạnh phúc họ đứng đầu, không phải những quốc gia giàu có như Mỹ, Anh, Pháp mà đã hạnh phúc. Hạnh phúc không phụ thuộc vào điều kiện sống. Tất nhiên, tôi quan niệm chúng ta phải đi qua cơn đói, mới nghĩ đến văn hóa, đến cái đẹp. Còn nếu đói thật, đói theo nghĩa đen thì chẳng nghĩ được điều gì khác cả. Nhưng rồi cũng lại phải hỏi, tại sao ngày xưa tinh khiết thế, văn hóa, con người, lễ hội, thiên nhiên đẹp thế mà đến bây giờ chúng ta đủ đầy cơm gạo, áo ấm, tiền bạc… lại cứ rối loạn hết cả lên?