Tìm “giao điểm” cho nghệ thuật, quy chế và thực tế

(ANTĐ) - Hội nghị tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp vừa diễn ra. Nhiều người tếu táo bảo: “Quy chế và thực tế cách nhau cả một quả đồi”...

Tìm “giao điểm” cho nghệ thuật, quy chế và thực tế

(ANTĐ) - Hội nghị tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp vừa diễn ra. Nhiều người tếu táo bảo: “Quy chế và thực tế cách nhau cả một quả đồi”...

Vở diễn "Đám cưới không chú rể" (Ảnh minh họa)
Vở diễn "Đám cưới không chú rể" (Ảnh minh họa)

Chẳng tự nhiên mà nhiều tham luận cùng đề cập đến việc “cần có một số điều chỉnh về hội diễn và liên hoan”. Người cho rằng “hội diễn đừng có xét giải cho vở diễn nữa, chỉ cần giải cho các cá nhân”. Người lại bảo: “Rút ngắn thời gian tổ chức định kỳ hội diễn xuống 3 năm, chứ 5 năm thì quá xa...” Mỗi người một ý, nhưng ai cũng thấy rằng Quy chế rất cần điều chỉnh để khớp với thực tế. Mà cái đích “cả làng” cần hướng đến là tìm giao điểm cho nghệ thuật, quy chế và thực tế. Càng nhiều càng tốt.

Quy chế và những điều không phù hợp với thực tế

Theo tổng kết, 6 năm qua, Quy chế đã có những tác động tích cực vào việc quản lý của Nhà nước với hoạt động nghệ thuật biểu diễn; hội thi, hội diễn. Quy định rõ ràng hơn trong việc quản lý, cấp phép; mở rộng cho nhiều đơn vị cùng tham gia; các chương trình đã được kiểm duyệt chặt chẽ hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn và ngược lại. Tuy nhiên, có nhiều quy định còn bộc lộ bất cập, không phù hợp với thực tế cuộc sống. Quá nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, nhất là các chương trình nghệ thuật của đơn vị xã hội hóa “lách” quy định mà các nhà quản lý khó nắm bắt; việc thuê mượn diễn viên trong các hội thi, hội diễn đã tạo sân chơi không bình đẳng giữa các đơn vị… Gây bức xúc cho những người làm nghề chân chính, phản ứng mạnh mẽ của khán giả.

Quan điểm chung của các tham luận tại hội nghị đưa ra là cần có nhiều điều chỉnh và sửa đổi trong Quy chế áp dụng thời gian tới như: Bổ sung quy định quản lý diễn viên; nâng cao chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn… Có ý kiến cho rằng “Cứ định kỳ 5 năm hoặc 3 năm tổ chức một kỳ hội diễn, liên hoan, là do tình hình cụ thể” có vở diễn để đi thi hay không. Vở diễn bình thường, vở cũ, vở biên tập... vài năm gần đây cũng “bị đi” hội diễn, liên hoan.” Bởi thế nên quy chế cũng cần có sự điều chỉnh cho hợp với tình hình hiện tại.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội – NSƯT Trần Quốc Chiêm cho rằng: “Có một số vấn đề bất cập cần điều chỉnh trong Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ như điều 5 chương II ghi “... các loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu”, đề nghị bổ sung thêm “hoặc trước khán giả” bởi trong thực tế hiện nay địa điểm biểu diễn rất đa dạng ngoài sân khấu thì còn có các địa điểm như sân vận động, nhà thi đấu, kể cả đường phố... Hay điều 11 phần 1.3 của chương II: “Không quảng cáo về biểu diễn nghệ thuật, không bán vé, thu tiền dưới mọi hình thức”. Đây là một vấn đề về công tác quản lý đang còn gặp khó khăn bởi tại các quán bar, nhà hàng hiện nay, đơn vị kinh doanh tổ chức biểu diễn nghệ thuật không thu tiền bán vé vào cửa nhưng lại bán hàng và thu dịch vụ quá cao. Vậy không thu tiền dưới mọi hình thức ở đây ta phải hiểu và điều chỉnh thế nào cho phù hợp...”

Vở "Brand" của Nhà hát Tuổi trẻ được xây dựng rất kỳ công
Vở "Brand" của Nhà hát Tuổi trẻ được xây dựng rất kỳ công

Ngoài ra còn có rất nhiều “ví dụ” khác về những điều khoản cần điều chỉnh để quy chế khớp với thực tế. Những nhà quản lý hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn đều nhất trí rằng: “Trải qua tiến trình thời gian, quy chế tất nhiên sẽ có những điểm lỗi thời hoặc thiếu hụt so với những diễn biến mới”. Bởi vậy, việc điều chỉnh là cần thiết và tất yếu. Và còn yếu tố nghệ thuật nữa, cái sự ăn khớp giữa quy chế và thực tế lại cần phải bổ trợ để nghệ thuật phát triển.

Hội diễn – mấy năm là vừa?

Vương Huyền Cơ – Phó Trưởng ban Sáng tác Hội Sân khấu TP HCM nói: “Nếu chúng ta không làm một cuộc cách tân thay đổi hoàn toàn tiêu chí đánh giá, chấm giải, hình thức tổ chức hội diễn, cách tiếp thị... thì mãi mãi hội diễn chỉ đạt 50% yêu cầu, tức là “diễn” chứ không có “hội”.” Nhưng thay đổi thế nào?

Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - ông Trương Nhuận cho rằng: “Tổ chức hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc định kỳ 5 năm, theo tôi là khoảng thời gian quá xa, không thích hợp với thực tế. Rất hiếm có đoàn nào lại mang vở diễn dựng cách đây tới 4-5 năm để đi thi mà thường mang vở mới dựng. Bản thân người dựng và người diễn sau gần 5 năm đã tự cảm nhận thấy không còn thỏa mãn với tác phẩm của mình nữa, họ không còn hứng thú và hưng phấn để thổi hồn vào tác phẩm. Trong khi đó, những vở mới được dựng đem đi thi lại chưa được thử thách bởi sự thẩm định của công chúng, vở diễn chưa có tuổi thọ bằng những đêm diễn, tác phẩm còn chưa thực sự chín.”

Bên cạnh đó, việc tổ chức dồn cùng lúc các đợt hội diễn sân khấu cho nhiều thể loại như tuồng, kịch dân ca, chèo, cải lương, kịch nói trong cùng một năm khiến các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chạy đôn chạy đáo tìm kịch bản, tìm đạo diễn... Đã vậy, lại còn dẫn đến tình trạng bội thực về thể loại, trùng lặp về người viết, người dựng. Thế nên mới có trường hợp tác giả, hoặc đạo diễn có tới cả chục tác phẩm tham gia hội diễn trong một năm. Xét từ khía cạnh đó thì quả thực thời gian 3 năm cho từng hội diễn thuộc chuyên ngành sân khấu khác nhau là hợp lý. Nhưng có ý kiến còn cho rằng “Nếu tiếp tục tổ chức hội diễn thì chỉ gây ra tốn kém... không nên tiếp tục tổ chức các đợt hội diễn. Đề nghị duy trì các cuộc liên hoan và hội thi tài năng trẻ sân khấu...”

Đại diện Nhà hát Tuồng Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Nhìn lại những lần hội diễn, liên hoan sân khấu diễn ra gần đây thì rõ ràng là chưa mang lại một kết quả như mong muốn mà lâu nay những người làm sân khấu luôn kỳ vọng... Chỉ có một vài vở phát huy được vai trò sân khấu, số còn lại rơi vào quên lãng. Các tác phẩm tham dự hội diễn nhiều khi hướng đến một cái gì đó quá cao sang mỹ miều, nhưng lại không phù hợp với cuộc sống... Sự xuất hiện của Ban chỉ đạo nghệ thuật ở các đợt hội thi, hội diễn, liên hoan dẫn đến thiếu tính độc lập sáng tạo và mất đi tính chất cuộc thi. Quy định % giải thưởng cho nghệ sĩ là phản khoa học. Chấm thi là phải đánh giá tài năng của nghệ sĩ khi tham gia ở cuộc thi. Đa phần các cuộc hội diễn gần đây đều mang tính hình thức chứ không đánh giá được thực trạng tình hình hoạt động sân khấu”.

Vở "Dạ cổ hoài lang" từng giành nhiều giải thưởng nghề nghiệp
Vở "Dạ cổ hoài lang" từng giành nhiều giải thưởng nghề nghiệp

Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn nhận định: “Mấy kỳ hội diễn gần đây không khí ngày hội không còn được tưng bừng như xưa. Một số đợt diễn ra tẻ nhạt. Đồng nghiệp ít đến xem nhau. Cuộc chạy đua vào giải khá căng thẳng. Những điều tiếng về giám khảo xuất hiện.”... Theo vị “lão làng” của nghệ thuật sân khấu nước nhà “Để hội diễn thực sự là ngày hội nghề nghiệp của các nghệ sĩ, vẫn nên tiếp tục tổ chức các đợt hội diễn nhưng không xét tặng giải thưởng cho vở diễn, chỉ xét tặng giải cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa và huy chương vàng, bạc cho nghệ sĩ biểu diễn, như đã làm vào các năm 1990, 2005. Cho đến khi nào có thể thành lập được những hội đồng giám khảo chuẩn xác thì khi đó mới xét thưởng cho các vở diễn.”

NSƯT Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương VN) trăn trở một nỗi niềm chung: “Quy chế, nội quy cũng chỉ mục đích làm sao cho hội thi, hội diễn thành công, tránh những điều đáng tiếc. Làm sao để điều ấy không ảnh hưởng tới sự sáng tạo, khao khát được làm nghề của các nghệ sĩ. Làm sao trước, trong và sau hội diễn trở về, các nghệ sĩ như được tiếp sức trong cuộc chạy đua không ít mệt mỏi của sân khấu với các loại hình giải trí khác?...” Ai cũng biết, nếu những trăn trở ấy được hóa giải thì đó chính là lúc các nhà quản lý và những nghệ sĩ đã tìm được những “giao điểm” cho ba “đường thẳng”: nghệ thuật, quy chế và thực tế.

Huyền Trang