Hạn chế phương tiện cá nhân:

Tìm giải pháp cho một chủ trương đúng

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ đã giao cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến cuối năm 2012 phải có đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện được là điều rất khó.

Ùn tắc giao thông phần lớn do ý thức của người tham gia giao thông

Cần lộ trình 10 năm

Hiện, trên địa bàn Hà Nội đang có 3,7 triệu mô tô, xe máy và hơn 380.000 xe ô tô. Sự bùng nổ của các phương tiện cá nhân đã khiến cơ quan chức năng cần tìm giải pháp để hạn chế sự gia tăng này. Tuy nhiên, đánh giá về điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu để cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội tại thời điểm này là rất khó. PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường ĐH GTVT Hà Nội cho rằng, rất khó để cấm các phương tiện cá nhân nhưng đây là một giải pháp đúng về mặt khoa học. “Ý tưởng, nguyên tắc khoa học chống ùn tắc đường-chuyển một bộ phận lớn người dân sang sử dụng GTCC là đúng, nhưng điều kiện thực hiện thì không dễ” -  ông Toản nói.

Theo đó, ông Toản phân tích, phương tiện GTCC Hà Nội hiện nay mới chỉ có xe buýt, trong khi năng lực loại hình vận tải này đã bão hòa và cũng chỉ có hạn. Và, không có đất nước nào coi xe buýt là phương tiện GTCC chủ lực cho một TP có dân số từ 1 triệu trở lên. Xây dựng các loại hình VTCC khác để thay thế là hợp lý, nhưng lại cần thời gian. PGS. Nguyễn Quang Toản tính toán, để xây dựng 1 tuyến tàu điện ngầm, hoặc đường sắt trên cao, từ lúc có ý tưởng, kế hoạch đến lúc đưa vào sử dụng mất trung bình 10 năm.

Thực tế cho thấy, xe buýt Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân. Còn nhiệm vụ nặng nề mà Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt vừa được thành phố phê duyệt, thì đến năm 2015 xe buýt sẽ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân, vào năm 2020 là 20%.

Hơn nữa, theo đề án trên, trong giai đoạn từ nay đến 2015, Hà Nội vẫn chưa có đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nên nếu hạn chế xe cá nhân mà chỉ trông chờ vào xe buýt sẽ rất khó khăn. Đơn cử, với gần 7 triệu dân nhưng hiện Hà Nội mới chỉ có khoảng 1.200 xe buýt hoạt động trên 75 tuyến. Do vậy, xe buýt chỉ là một phần của vận tải công cộng.


Từng bước hạn chế phương tiện cá nhân

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong các đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt, đề án quản lý taxi, bố trí sắp xếp, điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố cũng như tuyến phố đi bộ đã và đang được xây dựng đều hướng tới việc góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì phải làm từng bước. Không thể nói hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển phương tiện VTHKCC mà 2 việc này phải được tiến hành đồng bộ, song song. Có vậy việc hạn chế phương tiện cá nhân mới nhận được sự đồng thuận của người dân, mới thành công được. Quan điểm của thành phố là trước hết phải tạo điều kiện cho người dân, có phương tiện giao thông công cộng đáp ứng đủ cho người dân sử dụng thì mới tiến hành các bước hạn chế phương tiện cá nhân. Chẳng hạn như hạn chế theo giờ, hạn chế phố nào không được đỗ xe. Nếu không có điểm đỗ, việc đi lại bằng phương tiện cá nhân không thuận tiện thì người dân sẽ phải lựa chọn phương tiện vận tải công cộng.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT cho rằng, không nên cấm mà nên thay bằng kiểm soát và quản lý. “Trước tiên, sẽ thực hiện thí điểm kiểm soát đối với ô tô, sau đó, thành công sẽ nhân rộng ra các loại phương tiện khác như xe máy”, ông Hùng nêu ý kiến. Tham gia giao thông rõ ràng theo nguyên tắc thị trường cung - cầu. Do vậy, có thể áp dụng phí sử dụng mặt đường ở khu trung tâm vào giờ cao điểm. Ví dụ, xe ô tô muốn đi vào trung tâm giờ cao điểm phải đóng một khoản phí nhất định, dừng đỗ cũng tương tự. Ông Hùng cho biết: “Tôi ủng hộ Nghị quyết của Chính phủ, hành vi sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân không phải là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc, tai nạn, mà do chúng ta đang sử dụng hạ  tầng không đúng”.

“Không nên áp dụng kiểm soát trước đối với xe máy. Bởi, nếu áp dụng đối với xe máy trước chúng ta vô tình tạo điều kiện cho ô tô giá rẻ từ thị trường nước bạn tràn vào. Lúc đó, sẽ là bế tắc. Song cũng cần phải xác định, từ nay đến năm 2015, sẽ không có phương tiện VTHKCC nào hơn xe buýt. Do đó, cần phải mở rộng mạng lưới, mở rộng tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng lượng hành khách phục vụ” - ông Khuất Việt Hùng nói.

Bí thư Thành ủy: Hạn chế xe cá nhân là tất yếu

 
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị BCH Đảng bộ TP lần thứ 6, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, giảm bớt xe cá nhân tại các đô thị lớn là điều tất yếu phải làm.

- Chính phủ vừa nhắc lại yêu cầu hạn chế xe máy ở các thành phố lớn, quan điểm của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về vấn đề này như thế nào?
- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Tại các đô thị lớn, việc bố trí, điều hòa các loại hình phương tiện giao thông phải có quy hoạch và mang tính khoa học rất cao. Trên thế giới, người ta điều hòa bằng việc ưu tiên giao thông công cộng, giảm bớt xe cá nhân. Giao thông công cộng gồm có xe buýt, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm. Tôi thấy nước nào cũng đi theo con đường ấy. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng nên như vậy. Xu thế giảm bớt phương tiện cá nhân là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn chứ không phải là thích hay không thích. Nếu cho phát triển thoải mái, sẽ tới lúc phương tiện cá nhân nhiều đến mức người có xe rất nhiều nhưng sử dụng, đi lại trên đường ngày càng khó khăn, cản trở sự phát triển của xã hội.
- Nhiều người băn khoăn khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được mà lại hạn chế xe máy, ô tô cá nhân thì người dân đi lại bằng gì?
- Đúng là có ý kiến này. Nhưng muốn tăng phương tiện công cộng lên thì phải giảm phương tiện cá nhân mới tăng tương đối được đầu xe buýt lưu thông trên đường, mới có đất làm đường sắt trên cao... Còn nếu không hạn chế ngay, cứ để cho phương tiện cá nhân phát triển thì sẽ đến lúc quá muộn gây lãng phí lớn cho xã hội. Hiện nay, chúng ta quá dễ dãi trong việc cho phép mua sắm phương tiện giao thông cá nhân. Nếu cứ để như thế này là bất hợp lý, cản trở sự phát triển giao thông công cộng.
- Có ý kiến cho rằng các điểm đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè là tác nhân lớn dẫn tới ùn tắc giao thông?
- Đô thị hiện đại cần 20 - 25% diện tích đường cho giao thông tĩnh nhưng Hà Nội chỉ có 7 - 8%, nên chật là đương nhiên. Bây giờ, muốn tăng điểm đỗ thì phải giảm phương tiện cá nhân, không cho mua nhiều và thoải mái như hiện nay. Nếu cho mua sắm thoải mái, người có phương tiện không đỗ chỗ này sẽ đỗ chỗ kia chứ cái xe không thể như cái túi, cái cặp mang theo người được. Ngoài ra, phải tìm giải pháp để thu hút đầu tư vào khai thác điểm đỗ. Tuy vậy, mức phí trông giữ thấp như hiện nay thì không ai dám đầu tư.
- Từng có đề xuất, xe ô tô, xe máy ở Hà Nội phải chịu mức phí lưu hành cao hơn địa phương khác, xin cho biết quan điểm của đồng chí Bí thư?
- Người tham gia giao thông phải đóng góp vào chi phí chung của xã hội để đảm bảo cho việc lưu thông phương tiện của mình được thuận lợi. Giả sử anh đi bộ như người dân nông thôn thì hầu như không ảnh hưởng gì tới xã hội nên không phải đóng góp là đương nhiên. Nhưng nếu anh sử dụng ô tô lưu thông trên đường, chiếm chỗ khi dừng đỗ, rồi còn khí thải gây ô nhiễm, lại cả CSGT phải quản lý trật tự trên đường cho anh thì rõ ràng anh phải đóng góp cho xã hội một cách tương xứng.
- Theo Bí thư, biện pháp cấp thiết nhất để hạn chế xe cá nhân hiện nay là gì?
- Phải có nhiều biện pháp đồng bộ, từ phí, lệ phí tới hạn chế những điều kiện để được phép mua xe. Cần áp dụng cả hai biện pháp, hành chính và kinh tế song song. Khi đã áp dụng những biện pháp kinh tế mà người nào đó vẫn cố tình vi phạm thì phải có những biện pháp hành chính rất nghiêm ngặt, chẳng hạn, như áp dụng mức phạt hành chính ở mức rất cao chứ không thể như hiện nay.