Tìm được tiếng nói chung

ANTĐ - Nhiều lần hẹn tôi mới gặp được Thượng úy Trương Đức Phương, tổ Công an phụ trách xã Đồn Công an số 18, CAH Từ Liêm (Hà Nội). Chức năng nhiệm vụ của Thượng úy Phương cùng đồng đội tương tự như một người cảnh sát khu vực nhưng vì phụ trách địa bàn ngoại thành nên danh xưng của các anh cũng khác: Công an phụ trách xã.

Thượng úy Trương Đức Phương thăm hỏi người dân gặp hoàn cảnh khó khăn

Từ khi về Đồn Công an số 18, Trương Đức Phương đã được giao địa bàn thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai. Đây là địa bàn rộng, dân cư đông, nhiều khu trọ sinh viên không có chủ nhà. Nếu tính riêng trên địa bàn xã Minh Khai có khoảng 2 vạn sinh viên thuê trọ thì ở Nguyên Xá đã chiếm 6.000 -7.000 người. Số lượng rất đông người thuê trọ nhưng do thiếu hiểu biết, nên người đến khai báo tạm trú tạm vắng rất ít, gây khó khăn cho công tác nắm tình hình.

Khó khăn của người công an phụ trách địa bàn thôn Nguyên Xá là người thuê trọ đông nên dẫn đến đối tượng di biến động liên tục. Cộng thêm với đó là Đồn Công an số 18 mới được thành lập, người dân vẫn chưa quen với việc có lực lượng công an chính quy, trong khi lực lượng công an xã dù có nhưng vẫn làm việc theo tác phong làng xã, nể nang họ hàng, khi có lực lượng công an chính quy, thực hiện đúng quy định pháp luật, người dân ban đầu có cái nhìn thiếu thiện cảm. Nhưng rồi bằng sự chân thành và cởi mở, Thượng úy Trương Đức Phương đã tìm được tiếng nói chung với người dân cấp cơ sở. Anh xác định muốn làm tốt nhiệm vụ, được dân tin, dân mến thì phải xây dựng cho mình một mạng lưới từ những người dân tốt để họ ủng hộ lực lượng công an. Cùng với đó, anh luôn giữ nguyên tắc “đã nói là làm”, không để mất uy tín với người dân.

Khi người dân có khúc mắc về hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, dù bất cứ thời gian nào, Thượng úy Phương cũng có mặt để giúp người dân giải quyết. Bác Nguyễn Văn Long, cụm dân cư đường 32, thôn Nguyên Xá kể với tôi: Nhiều khi hết phiên làm việc đã là 12h đêm, anh Phương vừa rời khỏi địa bàn để về với tổ ấm ở phường Xuân La, Tây Hồ nhưng có vụ việc xảy ra, chúng tôi gọi điện anh vẫn quay lại gần 20km để phục vụ. Để người dân quen với màu sắc công an chính quy, tranh thủ mọi thời gian có thể, anh gần gũi, thăm hỏi và giữ đúng tác phong của người chiến sỹ công an. Những kiến thức nghiệp vụ được anh vận dụng biến hóa, xây dựng thành một nghệ thuật làm thế nào để được người dân tiếp đón như người thân trong nhà mà không sợ, ngại. Để làm được điều này, bản thân Thượng úy Trương Đức Phương luôn luôn học hỏi, tìm tòi. 

Nhờ sự tận tụy ấy mà người dân nơi anh phụ trách đã coi anh như người nhà. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân trong thôn Nguyên Xá nói: “Hồi đầu, chú Phương và mấy chú công an xã cứ đi gõ cửa nhà chúng tôi để hỏi về nhân khẩu, tôi cũng sợ lắm, nhưng giờ thì quen rồi, tối nào không thấy các chú đi mới sợ. Việc vui hay buồn của bà con trong thôn chú Phương đều có mặt dù tôi biết chú Phương đang đi học, rồi lại còn công việc hàng ngày, thời gian không có nhiều, thế mới thấy quý cái tình người của các chú công an”. Sự tin yêu của người dân đã khiến Thượng úy Trương Đức Phương không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà hơn thế, qua công tác tuần tra kiểm soát địa bàn, anh còn cùng Tổ Hình sự, Đồn Công an số 18 bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp trong đó có cả đối tượng có lệnh truy nã. 

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Trương Đức Phương nói: Đức tính quan trọng nhất của người công an phụ trách xã là phải chăm chỉ. Mỗi giờ, mỗi phút đi qua mình phải cố gắng làm được nhiều việc hơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân an cư và làm việc. Có như vậy, người dân mới tin công an và giúp đỡ công an hoàn thành nhiệm vụ. Điều giản dị ấy, đã và đang được Thượng úy công an phụ trách xã Trương Đức Phương áp dụng hàng ngày để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.