Tìm đủ cách giúp học sinh bớt "sống ảo"

ANTD.VN - Trước cảnh báo của các chuyên gia tâm lý về tình trạng giới trẻ thích sống ảo thay vì quan tâm đến thực tế, ngành giáo dục đang đặt lại mục tiêu của mình trong việc định hướng văn hóa, lối sống cho học sinh thay vì chỉ tập trung vào kiến thức. Tuy nhiên, việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học vốn được coi là bắt buộc nhưng lại chưa được chú trọng đúng mức. 

Tìm đủ cách giúp học sinh bớt "sống ảo" ảnh 1Cần đa dạng hóa các hoạt động học đường để giới trẻ bớt sống ảo

Quy tắc văn hóa trường học vẫn chỉ trên giấy

Bộ GD-ĐT đang đặt hàng hàng trăm chuyên gia về việc  xây dựng Quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục, từ mầm non đến đại học, nhằm tạo sự thay đổi nghiêm túc, đồng bộ về văn hóa trường học. Việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các nhà trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Trương Đình Chiến, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: “Việc xây dựng văn hóa học đường, cụ thể là việc ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học chưa được quan tâm vì nhận thức chưa đầy đủ của chính đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, ban giám hiệu nhà trường. Do vậy, tác dụng của Quy tắc ứng xử trong việc xây dựng nền nếp văn hóa nhà trường còn hạn chế”. 

TS Trương Đình Chiến cho biết, hiện quy tắc này chỉ được các nhà trường nhắc đến khi có đợt kiểm tra, còn ý nghĩa cơ bản của quy tắc ứng xử trong việc giáo dục học sinh lại bị bỏ qua. Đó là lý do tại sao các đơn vị ít đầu tư cho biên soạn, chưa quan tâm phổ biến, tạo cho quy tắc có sức sống thường xuyên trong các hoạt động giáo dục. 

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhận định, việc xây dựng các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn hình thức, chưa được coi trọng... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận, việc triển khai quy tắc ứng xử trong các trường chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Hàng loạt việc cụ thể như hát Quốc ca trong lễ chào cờ, lao động, vệ sinh, trang trí khẩu hiệu, tập thể dục... chưa được nhà trường quan tâm triển khai.

Cần sự sống động thay vì cứng nhắc

Bất cứ một hiện tượng, trào lưu nào bên ngoài xã hội cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ và nhà trường là nơi được phụ huynh gửi gắm để bảo vệ con em họ trước những tác động xấu. Chính vì vậy, trước thực trạng có những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, lệch lạc về tư tưởng đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên, nhiều trường học đã có phản ứng hết sức kịp thời. “Ngăn cản trào lưu chung của giới trẻ rất khó nên chúng tôi phải từng bước điều chỉnh, định hướng. Không tuyên bố cấm chơi game, nhà trường thậm chí khuyến khích các em chơi nhưng phải là các trò chơi lành mạnh. Cuộc thi gameonline với những loại game mang tính giáo dục được nhà trường lựa chọn khiến các em rất hồ hởi” - một giáo viên trường THCS thị trấn Quốc Oai (Hà Nội) chia sẻ.

Với độ lan rộng các loại truyện ngôn tình, học sinh từ lớp 6 trở lên cũng bị “ngấm” thể loại này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý, phát sinh các quan hệ tình cảm quá sớm, ảnh hưởng kết quả học tập vì mất tập trung... Vì vậy, nhà trường kiên quyết cấm học sinh đọc ngôn tình và đề nghị phụ huynh hợp tác. Thay vào đó, các buổi tự thuyết trình về những cuốn sách hay, chia sẻ cách đọc sách nhanh, nhớ lâu… được chính các em học sinh tổ chức để giúp các bạn giảm sự chú ý đến những tác phẩm không phù hợp. Đây là cách đặt ra các quy tắc ứng xử trong trường học của trường THCS Alpha (Hà Nội). 

Tiết chào cờ, trước đây vẫn được coi là tiết “nghe mắng” đối với học sinh khi hết hiệu trưởng đến tổng phụ trách lên nhắc nhở, phê bình, liệt kê đủ thứ tội của tuổi “nhất quỷ nhì ma” thì hiện nay đã được nhiều trường dàn dựng thành những tiết thu hút nhất trong tuần.

Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết, buổi chào cờ vẫn tiến hành đúng nghi thức nhưng sau đó là thời gian dành cho học sinh tự trải nghiệm bằng những hình thức minh họa phù hợp với chủ đề được nhà trường thống nhất. Học sinh rất hào hứng với các màn hát, nhảy, thuyết trình, trình chiếu clip… do chính các em tự sáng tác. “Điều đáng nói là để làm được những chương trình này, học sinh phải đầu tư tập luyện, lên ý tưởng nên chắc chắn các em còn rất ít thời gian trống để tìm đến những hoạt động vô bổ” - bà Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh. 

Rõ ràng, những quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học không cần phải đóng khung, cứng nhắc mà hoàn toàn có thể biến đổi theo những diễn biến của cuộc sống xã hội. Có như vậy học sinh mới thực sự được lôi cuốn vào một môi trường giáo dục lành mạnh thay vì mệt mỏi, quá tải trong học tập dẫn tới những biểu hiện chán chường, đối đầu, tìm đến những thú vui chỉ có trong đời sống ảo trên mạng.