Sai phạm trong quản lý đất đai tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (2)

Tìm cách né trách nhiệm!

ANTĐ - Đến thời điểm này, còn rất nhiều hộ dân thôn Thạch Lỗi vẫn bức xúc và yêu cầu chính quyền xã phải chịu trách nhiệm về việc cấp đất sai cho người dân. Họ yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn và thành phố Hà Nội, phải làm rõ những khuất tất trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng thi công Quốc lộ 2, đoạn đường qua thôn Thạch Lỗi, Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Việc giải tỏa hành lang giao thông Quốc lộ 2, của chính quyền xã Thanh Xuân 

khi chưa có sự đồng thuận của người dân đã gây nhiều bức xúc


“Mập mờ” giữa việc thu hồi đất hay giải tỏa

Trên thực tế, các hộ dân tại thôn Thạch Lỗi không hề nhận được quyết định thu hồi đất, thậm chí không có Biên bản điều tra hiện trạng, không biết diện tích đất bị thu hồi là bao nhiêu, nhưng vẫn có phương án bồi thường, thì không hiểu việc tính toán đền bù do các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn phê duyệt dựa trên cơ sở nào? Mặt khác, quá trình thực hiện việc thu hồi đất và đền bù cho các hộ dân của xã Thanh Xuân, đã thực hiện sai với Điều 56, Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND thành phố Hà Nội về thủ tục thu hồi đất. Khi tiến hành thu hồi đất, chính quyền xã lại cho rằng họ đang giải tỏa hành lang thi công Quốc lộ 2, nên các hộ dân tại đây bị quy vào diện lấn chiếm hành lang giao thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những bức xúc của người dân, khiến nhiều hộ dân khiếu nại tới các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hanh cho biết: “Chúng tôi khi mua lại đất của xã đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tôn tạo mảnh đất này. Nhà ở đã xây kiên cố và sử dụng ổn định hàng chục năm, thì nay lại bị quy là lấn chiếm hành lang giao thông thì chúng tôi biết tin ai? Trong khi xã bán đất thu tiền, thì huyện bảo xã bán đất sai. Cứ loanh quanh trốn tránh trách nhiệm như vậy, giờ thì chỉ có bà con chúng tôi phải chịu hậu quả từ việc làm sai của các ông ấy! Thậm chí UBND xã còn xác nhận, đất chúng tôi đang ở và sử dụng là đất thổ cư để bà con làm thủ tục tín dụng vay vốn ngân hàng”.

Khi được hỏi về việc lãnh đạo UBND xã đã nhiều lần xác nhận đất của bà con thôn Thạch Lỗi là đất thổ cư thì ông Chu Văn Phương - Phó Chủ tịch xã Thanh Xuân, lại trả lời rằng: đó là chính quyền xã... tạo điều kiện để bà con đi vay vốn ngân hàng. Như vậy có thể khẳng định, chính quyền xã Thanh Xuân, đã có hành vi gian dối để lừa ngân hàng cho người dân vay vốn, vì họ đều biết rằng đó là đất nằm trong mốc giới hành lang giao thông.

Hậu quả dân gánh chịu

Để làm rõ thêm thông tin quanh việc hỗ trợ, đền bù tiền cho người dân bị lấy đất phục vụ việc mở rộng Quốc lộ 2, chúng tôi đã gặp ông Đỗ Bá Khoa - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Ông Khoa lại cho rằng: Việc đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án nâng cấp QL2 hoàn toàn bằng tiền do Công ty cổ phần BOT chi trả. Nhưng việc phân loại hạng mục đất và tính toán tài sản trên đất các cơ quan chuyên môn của UBND huyện Sóc Sơn căn cứ vào tờ trình của UBND xã Thanh Xuân. Việc xác định nguồn gốc đất và lỗi cấp đất sai của UBND xã sẽ do UBND huyện và Phòng Tài nguyên môi trường huyện Sóc Sơn trả lời. 

Nhưng khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn khẳng định việc chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng/m2 đất khi thu hồi đất của các hộ là do phần đất này các hộ dân lấn đất hành lang giao thông với lý do: UBND xã không có thẩm quyền cấp, bán đất cho dân nên việc xã cấp sai thì xã phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Trí lại không chỉ rõ ai là người phải chịu trách nhiệm.

Cụ bà Vũ Thị Nguyệt, sinh năm 1938, sống tại thôn Thạch Lỗi bức xúc: “Vợ chồng tôi là giáo viên tại xã Thanh Xuân từ những năm 1970, và vì vậy chúng tôi được xã Thanh Xuân cấp đất từ năm 1982, lúc đó tôi phải nộp cho xã 1,2 triệu đồng, thời điểm đó số tiền này là rất lớn. Ấy vậy mà họ chỉ bồi thường cho gia đình tôi 50.000 đồng/m2 là rất vô lý, vì chúng tôi sinh sống trên đất xã giao và bán chứ không hề lấn chiếm! Tại sao, khi chúng tôi tôn tạo khu đất này từ thùng, vũng sâu tới 2m để xây dựng nhà thì không cơ quan nào có ý kiến gì. Từ khi sử dụng khu đất này mấy chục năm nay, chưa một hộ dân nào bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm luật đất đai cả”. 

Cùng nỗi bức xúc với bà Hanh, ông Nguyễn Thiết Bình là chủ một doanh nghiệp, có cửa hàng kinh doanh xăng dầu nằm trên đất hành lang giao thông bị giải tỏa phân trần: “Mảnh đất này cũng là do xã bán cho người dân, tôi mua lại của chủ sở hữu chính một cách hợp pháp và được chính quyền xã xác nhận từ trước năm 1993. Nhưng khi tiến hành giải tỏa, xã không hề có phương án kê khai, hay mức đền bù cụ thể nào cho gia đình tôi. Không những vậy họ lại còn quy tôi là lấn chiếm hành lang giao thông, nên chỉ hỗ trợ giải tỏa, chứ không đền bù theo diện đất thổ cư. Đất tôi đang ở là do chính quyền xã bán cho và giấy tờ có mốc giới hẳn hoi, chứ có phải tôi tự “vẽ” ra được đâu!”.

Từ những chứng cứ thu thập được, và qua việc các hộ dân có trong tay những giấy tờ như: Biên bản bàn giao mốc giới, phiếu thu nộp tiền mua đất thổ cư của UBND xã Thanh Xuân cấp, hoá đơn nộp tiền thuế sử dụng đất. Và người dân đều sinh sống ổn định trên những mảnh đất này trước năm 1993  không hề có tranh chấp, thì tại sao họ lại bị quy là đất lấn chiếm hành lang giao thông và bị thu hồi đất mà không được đền bù? Trong khi đó, những vị cán bộ xã Thanh Xuân đã cố tình cấp đất sai nguyên tắc cho họ vẫn chưa hề phải chịu trách nhiệm gì về việc làm gian dối của mình!