Tìm cách gỡ khó cho du lịch

ANTĐ - Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị trên thế giới, năm 2012, trong khi nhiều ngành kinh doanh gặp khó khăn và có dấu hiệu sụt giảm, ngành du lịch Việt Nam vẫn duy trì được sức tăng trưởng tương đối ổn định. Tuy nhiên, để giữ vững tốc độ phát triển, thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch phải tìm cách tháo gỡ những khó khăn và giải quyết triệt để những vấn đề đặt ra trong năm qua.

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cần có những chính sách hợp lý hơn nữa

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về du lịch, sáng 5-12 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp du lịch. Tại đây, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng cướp giật tài sản của khách du lịch xảy ra ngay trên những đường phố lớn, những địa phương trọng điểm về du lịch như TP.HCM đã gây tâm lý lo lắng cho khách du lịch. Bên cạnh đó ở một số địa phương, tình trạng lừa đảo, chèo kéo, ép khách vẫn diễn ra tràn lan nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín du lịch Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Tuấn Anh, dự báo tính đến hết năm 2012, Việt Nam đón 6,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ 32,5 triệu lượt khách du lịch nội địa. Vấn đề thương hiệu du lịch cũng được mang ra bàn thảo và nhận được sự quan tâm của nhiều người làm du lịch. Một bộ phận doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch lập lờ trong việc sử dụng thương hiệu, đặt tên “nhái” các thương hiệu nổi tiếng để quảng cáo tour, gian lận khách hàng khiến các thương hiệu lớn vô cùng bức xúc. Nếu như ở thị trường trong nước có hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh về thương hiệu thì nhìn ra nước ngoài, Việt Nam chưa có  những thương hiệu lớn, đủ sức vươn tầm ra phạm vi toàn thế giới.

Đề cập đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH một thành viên (Saigontourist) bày tỏ: “Nhìn vào một biểu tượng, một hình ảnh là thấy được ngay đó là du lịch Việt Nam”. Xoay quanh vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt câu hỏi “Có nên dùng ẩm thực Việt Nam làm thương hiệu quốc gia? Giáo sư Philip Kotler, người đặt nền móng marketing hiện đại khi sang Việt Nam đã nhận định: “Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới”. Trên thực tế, ẩm thực Việt Nam được bè bạn thế giới biết đến, ưa chuộng và trong tương lai, đây có thể là một lợi thế đầy tiềm năng cần được chú trọng phát triển để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. 

Đi cùng với nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp còn cần phải chú trọng chiến lược phát triển du lịch bền vững. Cũng bởi vậy, các công ty du lịch đã triển khai giới thiệu chương trình “Du lịch xanh, du lịch sạch” nhằm tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, đảm bảo tiêu chí phát triển du lịch bền vững.