Tìm bóng mát, tránh nắng

ANTĐ - Vừa rồi ở ta tổ chức hội thảo “Sách và chấn hưng giáo dục”, một việc làm cần thiết đấy chứ?

- Thi thoảng tôi có nghe ai đó báo động về tình trạng “văn hóa đọc” xuống cấp trầm trọng, nhất là giới trẻ. Xuống là phải thôi! Nào internet, nào điện thoại di động, google thì cần gì cầm cuốn sách nặng trĩu đọc cho mỏi mắt, lại rức cả đầu.

- Bọn trẻ bây giờ cận thị nhiều vì học nhiều, xem ti vi, chơi game rồi “chát chít”, chứ đâu phải vì đọc sách nhiều.

- Chúng ta đọc sách nhiều nên giờ mới viễn thị.

- Suy diễn kiểu đó là thiển cận! Có dịp đi ra nước ngoài, tôi mới được “sáng mắt” ra khi thấy trên xe buýt, tàu điện ngầm hầu như mọi người đều cắm cúi chăm chú đọc sách hoặc báo. Hiếm thấy ai dán mắt vào “di động”.

- Muốn xây cất cái nền móng văn hóa đọc, phải công phu, kỹ lưỡng ngay từ lớp 1 cơ. Chả thế mà vừa rồi, hàng trăm bậc cha mẹ đã hợp sức đẩy đổ cổng trường Thực nghiệm để tranh cướp cho con một chỗ ngồi bậc “đại học chữ to”.

- Âu cũng là khát vọng chính đáng. Người ta sợ rằng trẻ con học theo giáo khoa sẽ “thui chột” trí tưởng tượng, rồi áp lực về bài vở, điểm thi. Thay vì áp đặt cách đọc, hiểu, học văn, việc dạy phải thắp lên sự hứng thú, vì không hứng thú thì không hiểu, không yêu.

- Dẫu sao vẫn chỉ là “thực nghiệm”, mà giáo dục, “trồng người” thì không thể thí nghiệm như trồng cây, nuôi con. Mấy chục năm nay ta vẫn cứ loay hoay về chất lượng giáo dục, sách giáo khoa, giáo viên... không biết đến bao giờ.

- Ấy thế mà cách đây hơn một trăm năm, nước Nhật đã có ý thức gắn kết văn hóa đọc trong cuộc chấn hưng giáo dục và phát triển đất nước. Tinh thần và ý thức đọc sách là để khai minh, vươn lên không thua kém ai.

- Tôi nhớ câu nói về sự thần kỳ Nhật Bản: “Mặt trời mọc từ những trang sách”. Tôi chẳng dám mong “thần kỳ” chỉ mong nhiều người đọc sách như tìm thấy bóng mát tránh nắng, tránh bụi và ô nhiễm môi trường xã hội.