“Tim ấm” làm ấm những trái tim

ANTĐ - Dòng chảy cuộc sống quá gấp gáp đang cuốn chúng ta đi. Đó đơn giản là sự thích nghi với lối sống hiện đại, nhưng đôi khi vì điều này mà chúng ta quên mất những giá trị đích thực của cuộc sống. Và trong cuộc sống bộn bề này vẫn tồn tại những con người biết  yêu thương, chia sẻ với người khác mà không toan tính… Lại Hải Đăng là một con người như thế. Chúng tôi gặp anh vào một chiều muộn những ngày áp Tết, vội vàng trò chuyện, rồi nhanh chóng lên xe đến với những mảnh đời bất hạnh.

Xuất phát từ ý nghĩ rằng những người khó khăn, người nghèo ở các trung tâm ven Hà Nội chưa hề được giúp đỡ còn rất nhiều, Lại Hải Đăng đã đi, đã kiểm nghiệm để đến với những đối tượng khó khăn nhất, những người đang rất cần giúp đỡ. Trong những chuyến kiểm nghiệm ấy, Đăng đã gặp một gia đình 4 người với thu nhập một tháng của cả nhà chỉ vẻn vẹn 850.000 đồng; gặp một em học sinh lớp 6 nhưng lại là người khỏe nhất trong gia đình vì bố em bị mù và già yếu còn chú em bị tâm thần; gặp một em nhỏ bị bố mẹ bỏ rơi, gia đình họ hàng xa lánh vì mang căn bệnh “tan máu” bẩm sinh … Đăng đã tìm đến, ở lại và tận tâm giúp đỡ.

Câu chuyện của chàng thanh niên Lại Hải Đăng được bắt đầu bằng các hoạt động tình nguyện từ năm thứ 2 đại học. Có mặt trong các chuyến tình nguyện Mùa hè xanh, Đăng muốn đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho cộng đồng và cho các đối tượng khó khăn cần sự giúp đỡ. Đến nay, Đăng đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm nhưng niềm đam mê làm tình nguyện từ những ngày còn là sinh viên vẫn đeo đuổi anh. Đăng chia sẻ: “Trong cuộc sống dù đã phát triển, hiện đại và tốt đẹp với một số người nhưng những số phận bất hạnh và những cá nhân, gia đình còn gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ vẫn còn rất nhiều. Với kinh nghiệm tình nguyện tại nhiều CLB, nhiều nhóm tình nguyện khác nhau, tôi cùng 12 người bạn từ nhiều vùng quê khác nhau đã quyết định thành lập một nhóm tình nguyện. Vậy là “Tim Ấm” ra đời!”. “Tim Ấm là làm ấm những trái tim”. Đăng tâm sự: “Tôi đã cảm nhận được niềm vui của những người nghèo khi được hỗ trợ những khó khăn và niềm hạnh phúc của chính mình khi thấy cuộc sống của họ đã được thay đổi tích cực mỗi ngày”.

Từ 13 người đầu tiên, tuy không đông, nhưng các thành viên luôn đoàn kết và coi nhau như một gia đình, cùng hướng tới mục tiêu làm dịu bớt nỗi bất hạnh, khổ đau của những mảnh đời éo le. Tất cả các thành viên không nhận được bất cứ một khoản trợ cấp hoặc hưởng bất cứ lợi ích cá nhân nào. Đến nay nhóm của tôi đã có 30 thành niên chính thức hoạt động thường xuyên và khoảng 15 bạn CTV tích cực hoạt động trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Nhóm “Tim Ấm” thường hoạt động theo 3 hình thức, thứ nhất là tổ chức gia sư một kèm một, hàng tuần chúng tôi sẽ cử 1, 2 thành viên trực tiếp đến các gia đình nghèo, có trẻ em bị nhiễm chất độc da cam hoặc người khiếm thị để giúp đỡ cho con em các gia đình đó có thể hòa nhập với cuộc sống cũng như có thể học tập tốt để thay đổi cuộc sống. Hoạt động thứ 2 của chúng tôi là dự án “Hoa nhân ái” để hướng nghiệp dạy nghề. Qua dự án này chúng tôi sẽ dạy họ làm các sản phẩm từ hoa và móc chìa khóa, sau đó chúng tôi sẽ tìm hướng đi cho sản phẩm họ làm ra, đến nay tuy chưa nhiều nhưng chúng tôi đã giúp họ được phần nào để cải thiện cuộc sống. Cuối cùng là chúng tôi tổ chức những chương trình thường niên. Sắp tới là chương trình “Tết yêu thương 4”, năm nay cũng là năm thứ 4 rồi, chúng tôi mang đến những phần quà tuy không lớn, chỉ khoảng 200.000 đồng thôi đến khoảng 60, 70 gia đình khó khăn mà nhóm chăm sóc và đại diện các gia đình khó khăn của các Hội người khiếm thị tại Hà Nội với mong muốn tạo cho họ niềm tin, niềm vui và động lực vào một năm mới tốt đẹp hơn”. 

Nhớ lại dự án “Hoa nhân ái”, Trưởng nhóm tình nguyện “Tim Ấm” Lại Hải Đăng cho biết làm hoa giả không hề dễ dàng. Với người bình thường để làm được một giỏ hoa voan đẹp, cầu kỳ phải mất gần 3 tiếng. Người khuyết tật có khi mất tới vài ngày. Trong 20 gia đình và cá nhân được nhóm “Tim Ấm” dạy làm hoa giả, em Trần Võ Trà My (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) để lại cho các thành viên nhiều ấn tượng nhất. Ngày đầu dạy cho My phải mất 2 tiếng mà chỉ dạy được cách cuốn thép. Giọng My bị líu nên nói chỉ có mẹ em mới hiểu, hai tay của My rất cứng, khi làm rất khó khăn. Song, mỗi lần nhìn thấy em tỉ mỉ trong từng thao tác làm hoa nhỏ nhất, lòng chúng tôi lại thấy hạnh phúc vô cùng. Ngoài ra, chúng tôi còn trực tiếp gia sư cho 2 chị em Vân, Thảo (quận Hoàng Mai) hai môn Toán và Tiếng Việt. Bị thiểu năng, nhưng hai em đã có thể thuộc bảng chữ cái, học hết chương trình toán lớp 1. Mẹ của hai em đã tâm sự với chúng tôi rằng, chỉ mong cho các em biết được cái chữ, những phép tính giản đơn, học được cách chăm sóc bản thân để nhỡ may sau này khi mẹ không còn nữa hai chị em có thể tự chăm sóc cho mình!... Đặc biệt “Tim Ấm” còn dạy gia sư miễn phí cho nhiều em bị bại não, đao, tự kỷ bởi nhóm muốn mang đến cho các em kiến thức cơ bản nhất. Mặc dù các em có khiếm khuyết về trí tuệ nhưng nhóm tin với sự kiên trì có thể dạy cho các em biết đọc, biết viết, nhận diện đồ vật xung quanh. Ngoài chương trình “Tết yêu thương”, nhóm tình nguyện “Tim Ấm” đều có những hoạt động cụ thể như “Ấm lòng những ước mơ” (tặng 50 suất quà trong ngày Tết thiếu nhi); “Làm tròn trăng khuyết” (tặng 50 suất quà trong dịp Trung thu)… cho các em nhỏ trong các gia đình khó khăn đang sinh sống tại Hà Nội, các hội viên người khiếm thị tại Hà Nội, một số trung tâm khó khăn ít được quan tâm và bệnh nhân đang chữa bệnh tại một số bệnh viện tại Hà Nội.

 Nhắc đến nhóm tình nguyện “Tim Ấm” không thể quên dự án “Thẻ nhân ái” của họ bởi nó đã gây nhiều ấn tượng cho cộng đồng. Lại Hải Đăng nói rằng đã từng chứng kiến nhiều người không có tiền chữa bệnh đành về chờ chết, cũng không có BHYT để nhập viện sớm, khi có thẻ BHYT để quay lại chữa trị thì cũng là lúc bệnh đã quá nặng, các y bác sĩ cũng đành bất lực. Với dự án này nhóm đã  trao tặng các thẻ BHYT tự nguyện cho các đối tượng khó khăn cần giúp đỡ.  

“Tim ấm”, cái tên giản dị nhưng đầy ý nghĩa, là hơi ấm từ trái tim truyền cho nhau, những trái tim bạn bè, những trái tim ấm áp đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, với tình yêu thương và sự chân thành. “Tim Ấm” đã bước vào tuổi thứ 4, nhiều nụ cười và cũng nhiều giọt nước mắt, nơi đây, biết bao trái tim, tấm lòng đã đi qua bao sự kiện, đầy ắp những công việc thiện nguyện chung sức vì cộng đồng đầy ý nghĩa và quý giá vô cùng đã diễn ra. Cuộc sống là một bản nhạc được ngân lên với đầy đủ những nốt thăng và cũng không ít những nốt trầm giáng. Bản nhạc mà nhóm tình nguyện “Tim Ấm” đang ca lên dưới sự chỉ huy của người nhạc trưởng Lại Hải Đăng đầy cảm xúc với đầy đủ những cung bậc thanh âm đã đến được triệu con tim. Dẫu những gì họ làm, những món quà hay sự sẻ chia với các hoàn cảnh khó khăn chỉ là những hạt muối bỏ bể, nhưng Trưởng nhóm Lại Hải Đăng vẫn khẳng định, tất cả các thành viên trong nhóm sẽ không bao giờ dừng bước: “Như bao cá nhân hoạt động từ thiện vì cộng đồng khác, nhiều khi căng thẳng, cô đơn vì phải làm một mình, rồi bị không ít người cản ngăn khiến tôi không ít lần mệt mỏi. Nhưng mỗi khi nghĩ tới sự khó khăn thiếu thốn của các cảnh ngộ ngặt nghèo, mong muốn thay đổi thực sự cuộc sống của họ đã thôi thúc tôi phải đi và phải làm. Cũng bởi vậy mà chưa bao giờ tôi muốn và quyết định dừng các hoạt động tình nguyện và từ thiện của mình. Còn câu hỏi tại sao tôi đi làm tình nguyện ư? Để tôi thầy rằng tôi đang sống chứ không phải chỉ tồn tại!”.