Trang bị đồng bộ cho 63 trạm cân lưu động

Tiêu cực vẫn nằm ở yếu tố con người

ANTĐ - Năm 2014 được xác định là năm siết chặt quản lý  trọng tải xe nhằm ngăn chặn tình trạng xe quá tải phá cầu, đường. 63 bộ cân lưu động đã  được trang bị. Tuy nhiên, liên tiếp tại các địa phương đã xảy ra tình trạng lái xe cố tình phá hủy trạm cân lưu động, gây bất bình cũng như lo ngại trong dư luận.

Bộ trạm cân hơn 2 tỷ đồng bị phá hủy tại Hà Nam

Táo tợn phá hủy trạm cân

Ngày 8-1-2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức bàn giao 53 bộ cân lưu động cho các địa phương. Trước đó, tháng 9-2013, đơn vị này cũng đã bàn giao 10 bộ cân cho các địa phương có các tuyến quốc lộ trọng yếu đi qua. “Xe quá tải là một trong những thủ phạm chính gây nên tình trạng hư hỏng cầu đường. Nhiều tuyến đường mới đưa vào khai thác nhưng đã xuống cấp vì xe quá tải lưu thông. Chỉ vì lợi ích của một bộ phận nhỏ doanh nghiệp mà hàng năm Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, sửa chữa đường sá”, ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định. Với việc trang bị 63 bộ trạm cân lưu động cho 63 địa phương trên cả nước, ngành giao thông hy vọng, tình trạng xe quá tải sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt.

Tuy nhiên, dư luận cũng đang bất bình và lo ngại về tình trạng các lái xe cố tình phá hủy trạm cân như tại Hà Nam và Thừa Thiên Huế vừa qua. Cụ thể, ngày 27-12-2013, chủ phương tiện điều khiển xe ô tô mang BKS 90T-5678 lưu thông với tốc độ cao đã cố tình đâm thẳng vào vị trí đặt bàn cân lưu động tại km11+800 trên đường ĐT 494 thuộc địa bàn Phủ Lý, Hà Nam. Tiếp đó, ngày 3-1-2014, hành vi trên lại tiếp diễn tại QL1A, trên địa bàn thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Lái xe không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, cố ý điều khiển xe rồ ga, đạp phanh gấp 2 lần, cuốn băng đường dẫn vào bánh xe ô tô, làm hỏng cân. Hai trạm cân trên đều mới được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang bị cho lực lượng liên ngành địa phương trị giá gần 5 tỷ đồng. 

Tại Hà Nam, ngày 28-12-2013, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Phủ Lý đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Lê Thanh Tùng (SN 1974) - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Thanh Tùng, trú quán tại thôn Trần Phú, phường Châu Sơn, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam về hành vi cố tình phá hoại trạm cân. Còn tại Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng chỉ giữ giấy tờ của lái xe và phương tiện, tiếp tục cho xe lưu thông, xử phạt hành chính. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận: “Hai trạm cân bị xe ô tô làm hư hỏng là do các đối tượng có hành vi cản trở, chống đối. Họ cố tình, chủ động điều khiển xe với tốc độ cao lao vào trạm cân làm thiết bị cân hư hỏng, thể hiện rõ ý đồ phá hoại tài sản Nhà nước. Mục tiêu nhằm ngăn cản lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng xe”. 

Kiên quyết xử lý vi phạm

Các xe chở hàng quá tải, đem lại lợi nhuận cho chủ hàng và chủ xe nhưng gây hư hại hệ thống cầu đường, mất ATGT, gây bất bình và bức xúc dư luận xã hội. Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với chế tài hiện nay đã đủ để răn đe những ai có ý đồ cản trở, chống đối và cố tình phá hoại. Đối với trường hợp phá hoại trạm cân tại Thừa Thiên Huế, Tổng cục đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm lái xe vi phạm. “Nếu các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm, đặc biệt có sự chỉ đạo kịp thời và sâu sát của chính quyền địa phương như tỉnh Hà Nam thì tình trạng này chắc chắn sẽ không còn tái diễn”, ông Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Mặc dù tất cả các địa phương đều đã được trang bị trạm cân lưu động để đồng loạt siết tải trọng xe, nhưng liệu tiêu cực có xảy ra như tại các trạm cân trước đây? Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hệ thống các trạm cân lưu động mới đã được hiện đại hoá, những khâu trong quy trình kiểm tra xử lý dễ xảy ra tiêu cực đã được tự động cập nhật vào phần mềm bảo mật (nhân viên vận hành không thế tự ý sửa chữa thay đổi).

Tại các trạm cân không thể can thiệp được vào dữ liệu, chỉ có các Sở GTVT hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới được truy cập vào xem kết quả kiểm tra. “So với các trạm cân trước đây thì tình trạng tiêu cực sẽ hạn chế tới mức thấp nhất. Song, yếu tố con người vẫn là quyết định. Để hạn chế tiêu cực,  Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và cương quyết xử lý các cá nhân vi phạm. Những trường hợp tiêu cực sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Ngoài ra, với việc trang bị đầy đủ cho 63 địa phương bộ trạm cân lưu động,  đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, sẽ hạn chế được tình trạng lái xe trốn tránh trạm cân. Ông Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Khi 63 địa phương cùng đồng loạt triển khai cân xe bằng bộ cân lưu động thì tình trạng xe quá tải sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt. Một xe quá tải lưu thông có thể tìm cách này cách khác lọt qua vài trạm cân, nhưng không thể lọt qua hàng loạt trạm cân cùng được bố trí”.