Tiêu chuẩn chọn chồng một thời của các cô gái Hàng Ngang, Hàng Đào

ANTD.VN - Thời Pháp thuộc, năm 1897, Paul Doumer đảm nhận chức Toàn quyền Đông Dương, ông này áp dụng chính sách trực trị, xóa bỏ quan lại triều Nguyễn ở Hà Nội xóa bỏ dần việc học chữ Hán và thi cử Nho học.

Tiêu chuẩn chọn chồng một thời của các cô gái Hàng Ngang, Hàng Đào ảnh 1Hiệu trưởng Victor Tardieu và các sinh viên Hà Nội khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày 12-8-1930

Toàn quyền Paul Doumer cho mở các trường tiểu học dạy bằng tiếng Pháp ở Hà Nội. Thời kỳ đầu vắng học trò, ông ta bắt các trưởng phố phải “nộp học sinh”. Bước tiếp theo Paul Doumer quyết định thành lập trường Collège Paul Bert (tương đương cấp II, nay là THPT Trần Phú, phố Hai Bà Trưng) mở ra bậc trung học ở Hà Nội. Hệ thống giáo dục PhápViệt (Enseignement Franco-Indigène) rập khuôn theo giáo dục của Pháp nhưng được điều chỉnh, thêm bớt cho phù hợp với thực tế ở Đông Dương. Học chế áp dụng tại Đông Dương cho bậc học cao nhất, hình thức tương tự như ở Pháp gồm có cao đẳng và đại học. Thời đó, Hà Nội trở thành cái nôi đào tạo trí thức của cả xứ Đông Dương.

Dù số người biết tiếng Pháp không nhiều song không vì thế mà chính quyền dễ dãi đầu vào. Học sinh thi vào “Trường Thông ngôn Hà Nội” phải thi 4 môn gồm: Một bài tập đọc, tập viết và giải nghĩa các từ Hán thông dụng, làm một bài luận bằng chữ quốc ngữ, làm bài tập với 4 phép tính số học; kiểm tra vấn đáp và làm một bài tập sơ đẳng về tiếng Pháp. Với “Trường y Đông Dương” điều kiện được thi là biết chút tiếng Pháp và thí sinh phải làm bài luận bằng chữ quốc ngữ, đề bài chung là “Bệnh tật và chữa trị ở xứ An Nam” cùng một buổi thi vấn đáp tiếng Pháp. Khóa đầu tiên có 121 thí sinh dự thi nhưng chỉ 15 người trúng tuyển trong đó có 7 thí sinh Hà Nội, người trẻ nhất mới 15 tuổi. 

Quan niệm về giáo dục bậc cao của nước Pháp rất rõ ràng gồm: đại học (université) và cao đẳng (école supérieure). Đối với đại học, học sinh muốn nhập học không phải qua bất cứ kỳ thi tuyển nào mà  chỉ cần có bằng tú tài bản xứ  hay tú tài Pháp là được vào. Việc thu nhận sinh viên không hạn định tuổi tác và số lượng. Chương trình  chú trọng đào tạo nền tảng vững chãi cho tri thức chuyên ngành nào đó nhưng không nhất thiết đóng khung trong một lĩnh vực nhất định và cũng không mang tính chất nghề nghiệp bắt buộc như các trường cao đẳng chuyên nghiệp. Sinh viên phải tự túc về học phí (ngoại trừ sinh viên xuất sắc được học bổng). Khi tốt nghiệp, chính quyền không có nhiệm vụ phân công công việc, cá nhân phải tự tìm kiếm.

Tuy nhiên muốn vào cao đẳng lại khác, vì là trường chuyên nghiệp nên thí sinh phải có bằng tú tài 2 hoặc tú tài toàn phần (bản xứ hoặc Pháp). Tiếp đó học sinh phải qua một kỳ thi (concours) bằng tiếng Pháp và tùy theo từng trường thí sinh sẽ thi một hay nhiều môn.

Đề thi do chính trường đó ra, ví dụ thi vào “Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” thí sinh phải thi 3 môn gồm: Hình họa (vẽ người mẫu) trong 6 buổi, mỗi buổi 3 giờ; bố cục trang trí theo đề tài và định luật gần xa ngoài ra còn một môn mang tính kiểm tra là bài luận. Để đảm bảo nghiêm túc và công bằng, thời đó trường tổ chức thi trong cùng một thời gian ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnompenh và  Vientiane. Bài thi của thí sinh được niêm phong gửi về Hà Nội chấm và xếp hạng.

“Trường Cao đẳng Thú y Đông Dương” (École Supérieure Vétérinaire de l'Indochine) đào tạo phụ tá thú y sĩ với học trình 4 năm thì tuyển sinh lại khác. Từ 19181925, ai muốn học trường này chỉ cần có bằng  thành chung, không phải thi tuyển, tốt nghiệp thành y sĩ thú y. Tuy nhiên, từ 1925-1935, để nâng cao chất lượng đầu vào, ngoài phải có bằng thành chung hoặc tú tài thí sinh phải qua kỳ thi tuyển 4 môn gồm: Bài luận bằng tiếng Pháp, kiến thức động vật, hóa học và địa lý.

Từ 1941 phải có bằng tú tài và khám sức khỏe mới được dự  thi. Tốt nghiệp với văn bằng bác sĩ thú y. Còn “Trường Công chính” (École des Travaux Publics) đào tạo cán sự chuyên môn  cho các sở công chính, địa chính và địa dư với học trình 2 năm, hạn tuổi từ 18 đến 25. Lúc đầu, điều kiện phải có bằng tiểu học nhưng từ năm 1913 nếu có bằng thành chung thì được miễn thi. Năm 1944 đổi thành “Trường cao đẳng Công chính” (École Supérieur de Traveaux Publics) đào tạo kỹ sư và phó kỹ sư công chính nên thi cử càng gay gắt hơn.

Nhìn chung học sinh trúng tuyển cao đẳng được cấp học bổng ăn học suốt học trình. Tốt nghiệp phải làm việc cho chính quyền (trong lĩnh vực chuyên nghiệp do trường đào tạo) trong một thời gian ấn định, nếu từ chối sự phân công sẽ  phải bồi thường tiền học bổng. Chương trình học tại các trường cao đẳng đào tạo chuyên viên có nghề nghiệp nhất định như: bác sĩ, kỹ sư, công chức... rất quy củ và kỷ luật chặt chẽ. Tuy nhiên tính đến năm 1930, toàn cõi Việt Nam mới chỉ có 500 sinh viên nên việc tổ chức thi tuyển không phức tạp. Phần lớn là con cái các gia đình có điều kiện, do vậy việc thí sinh ngoại tỉnh trọ vài ngày ở Hà Nội cũng không là vấn đề lớn. Thi cử cũng không là sự kiện lớn ảnh hưởng đến toàn xã hội như kỳ các thi Hương của triều Nguyễn “gây náo loạn Hà Nội”.

Trước năm 1954, các cô gái con nhà giàu có ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai… có câu “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, tiêu chuẩn chọn chồng của các cô là các anh phải có bằng đại học, cao đẳng.

Tin đọc nhiều