Tiêu chảy cấp do rotavirus: Các bà mẹ không thể lơ là

ANTĐ - Rotavirus là loại virus phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới và là nguyên nhân số 1 gây tử vong do tiêu chảy. Tiêu chảy cấp do rotavirus ở trẻ em chiếm từ 60% đến 70% những trường hợp tiêu chảy nặng phải nhập viện ở trẻ nhỏ.

Nguyên nhân dẫn đến tử vong 

Điều trị kịp thời tiêu chảy do rotavirus giảm nguy cơ tử vong cho trẻ  (Ảnh minh họa)

Rotavirus tấn công trẻ ở giai đoạn rất sớm, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm virus này trước khi được 5 tuổi, trong đó, từ 6 tháng đến 2 tuổi là giai đoạn rất nguy hiểm cho đa số trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trẻ bị nhiễm rotavirus trước 6 tháng tuổi, thậm chí trước 3 tháng tuổi. Vì thế điều quan trọng là cần phải bảo vệ trẻ càng sớm càng tốt trước khi chúng đến tuổi dễ có nguy cơ bị rotavirus tấn công.

Khi trẻ bị nhiễm rotavirus, bé sẽ bị sốt, buồn nôn và nôn mửa dữ dội. 24 đến 48 giờ sau khi bắt đầu nôn sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, không có máu. Tiêu chảy và nôn mửa có thể lên đến hơn 20 lần/ngày. Do nôn mửa và tiêu chảy, trẻ bị mất nước và mất các chất điện giải, không bù tại nhà bằng đường uống được nên phải đưa tới bệnh viện, nếu trẻ không được truyền dịch kịp thời để bù nước và điện giải có thể tử vong vì tình trạng kiệt nước. Thông thường bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần. 

Nhiễm rotavirus lần đầu thường nặng nhất. Các lần nhiễm sau thì ít nặng hơn vì trẻ đã có kháng thể bảo vệ. Điều này cũng là điểm khác biệt so với các bệnh tiêu chảy khác.

Tiêu chảy do rotavirus không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh, điều này không giống như các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn khác. Kháng sinh thậm chí có thể còn làm cho bệnh nặng hơn.

Uống vaccine để phòng ngừa 

Nên dùng các dung dịch bù nước bằng đường uống càng sớm càng tốt ngay khi trẻ bắt đầu tiêu chảy để ngừa mất nước. Dung dịch muối-đường để uống ở dạng dung dịch (ORS), đặc biệt được bào chế cho tiêu chảy có sẵn trên thị trường. Nếu không có sẵn dung dịch này, thức uống khác thích hợp để dùng là nước dừa, nước hoa quả hay súp gà. Các loại nước giải khát công nghiệp như nước ngọt, nước uống có        carbon và thức uống có hương vị trái cây thì không phù hợp vì có chứa rất nhiều đường nên có thể làm cho tiêu chảy nặng hơn.

Nên tiếp tục cho bé ăn, nếu bé đang bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú mẹ. Nếu bé không bú mẹ thì nên tiếp tục cho bé uống sữa và điều cần thiết là không nên pha loãng sữa hay thay đổi sữa. Nếu trẻ có biểu hiện không dung nạp lactose như khi tiêu chảy kéo dài trên 7 ngày, phân lỏng toàn nước, chua có bọt, đầy bụng sinh hơi mới cần sử dụng các loại sữa không có lactose dùng cho trẻ tiêu chảy. Nếu trẻ đã ăn bổ sung, có thể cho trẻ ăn những thức ăn hàng ngày trẻ vẫn ăn tuy nhiên nên dùng những thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa hơn. Những thức ăn có nhiều kali như chuối và dừa là nguồn cung cấp kali rất tốt khi trẻ bị tiêu chảy. Thức ăn cần được nấu kỹ, nghiền nát và cho thêm vài giọt dầu có thể giúp kích hoạt tiêu hóa dễ hơn và tăng cường năng lượng. Khi trẻ đã bớt tiêu chảy, thèm ăn nên cho ăn thêm mỗi ngày một bữa trong khoảng 2 tuần sẽ giúp cho trẻ không sút cân và nhanh phục hồi hơn.

Để điều trị phòng ngừa tiêu chảy tái nhiễm, việc bổ sung kẽm sẽ được bác sĩ chỉ định dùng trong khoảng 2 tuần.

Các biện pháp thông thường như rửa tay, bú mẹ, cải thiện vệ sinh môi trường là các biện pháp làm giảm lây truyền các tác nhân gây bệnh tiêu chảy khác nhưng có vẻ không hữu hiệu để phòng ngừa tiêu chảy do rotavirus. Những nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để  trẻ nhỏ khỏi tiêu chảy do rotavirus là chủng ngừa bằng vaccine. Nên cho trẻ uống sớm vào lúc 6 tuần tuổi và tốt nhất là nên hoàn tất việc chủng ngừa trước 6 tháng tuổi.