Tiết kiệm, dù một đồng

ANTĐ - Từ năm 2016, việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ được áp dụng đối với ô tô. Các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tổng hợp nhu cầu mua sắm ô tô của bộ, ngành, địa phương và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30-5-2016 để bộ này rà soát nhu cầu mua sắm có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng quy định hay không. 

Có thể nói, trên diễn đàn Quốc hội, trong nhiều kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã từng đặt lên bàn nghị sự vấn đề mua sắm tài sản Nhà nước, trong đó nổi cộm nhất là mua sắm, sử dụng ô tô công. Thực trạng sử dụng tài sản Nhà nước hết sức lãng phí, tồn tại từ nhiều năm nay cũng là vấn đề nhiều lần cử tri phản ánh và phản ứng, nhưng hầu như chưa có giải pháp căn cơ, triệt để.

Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2016 về quy định việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung. Hai thông tư của Bộ Tài chính là để hướng dẫn thực hiện quyết định trên. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu cung cấp ô tô và ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu.

Cơ quan, đơn vị sử dụng xe trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thanh toán, tiếp nhận xe với đơn vị trúng thầu. Với những quy định chặt chẽ này, dư luận cho rằng “lỗ hổng” chi thường xuyên ngân sách sẽ được lấp dần và bịt kín. Bởi theo phân tích của giới chuyên gia, mặc dù tốc độ tăng thu ngân sách danh nghĩa của Việt Nam khá cao, đạt 16% trong giai đoạn 2010-2015 song ngân sách hiện nay vẫn không đủ để bù đắp chi thường xuyên và trả nợ. Cụ thể, năm 2012, thu ngân sách bị hụt so với chi thường xuyên và trả nợ tới 14.000 tỷ đồng.

Xu hướng này vẫn đang tiếp tục với mức hụt của năm 2015 lên tới gần 100.000 tỷ đồng. Thực trạng này sẽ dẫn đến một hệ lụy tất yếu là, để có ngân sách cho đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay. Điều này có nghĩa là Chính phủ muốn đầu tư thêm đồng nào, thì ngân sách sẽ thâm hụt thêm và nợ công sẽ tăng thêm đồng ấy.

Nguyên nhân chính của tình trạng ngân sách “hụt hơi” là do chi thường danh nghĩa với tốc độ chóng mặt. Tình trạng tài chính công hiện nay rất bấp bênh, vừa hết dư địa, vừa chứa đựng nhiều bất trắc. Chính trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này, việc siết chặt mua sắm ô tô công không phải là giải pháp tình thế mà là chủ trương kịp thời, căn cơ và lâu dài.

Tiết kiệm dù một đồng cho ngân sách là rất quý, không thể một đất nước còn nghèo mà  “vung tay quá trán”, xe công vẫn mua sắm tràn lan, sử dụng và lạm dụng ngoài tầm kiểm soát, quản lý. Ngay cả ở những nước giàu có, dư địa ngân sách thừa thãi, dồi dào cũng không “có đất” cho xe công thoải mái chạy ngược xuôi như ở nước ta. Cũng cần nói thêm: tiết kiệm, dù một đồng xe công thực chất là đồng tiền đóng thuế của người dân.