Tiết giảm năng lượng tái tạo có thể lên tới 400 kWh/tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong các tháng cuối năm, việc tiết giảm năng lượng tái tạo sẽ phải thực hiện và mức tiết giảm dự báo lớn hơn.
Cơ cấu huy động nguồn hệ thống điện

Cơ cấu huy động nguồn hệ thống điện

Thời gian qua, nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái bị tiết giảm công suất khiến chủ đầu tư lao đao, do suất đầu tư lớn, điện sản xuất ra không bán được.

Điển hình như dịp Tết Nguyên Đán 2021 (thời kỳ nhu cầu sử dụng điện giảm thấp nhất trong năm), có những thời điểm phải tiết giảm đến xấp xỉ 8.000 MW nguồn điện mặt trời, điện gió, trong đó có khoảng gần 3.500 MW điện mặt trời mái nhà.

Theo A0, trước phản ánh của các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo, việc tiết giảm đã được cải thiện, song thời gian tới, vẫn phải tiếp tục tiết giảm điện.

“Hiện tượng thừa nguồn, quá tải lưới điện gây tiết giảm năng lượng tái tạo được nhận diện sẽ tiếp tục xuất hiện, như giai đoạn tháng 7 - 9 (miền Bắc bước vào thời kỳ lũ chính vụ của các hồ thủy điện), sản lượng điện tiết giảm dự kiến khoảng 180 triệu kWh/tháng;

Giai đoạn tháng 10 - 12 (các nguồn điện gió vào vận hành đủ theo quy hoạch, đồng thời đang trong giai đoạn mùa lũ miền Trung - Nam), lượng tiết giảm có khả năng lên đến 350 - 400 triệu kWh/tháng”- đại diện A0 cho biết.

Cũng theo A0, điện năng là hàng hóa đặc biệt, được sản xuất theo nguyên tắc tổng cung bằng tổng cầu. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện giảm thấp trên phạm vi cả nước (sản lượng điện tiêu thụ của nước ta tăng bình quân khoảng 10% hàng năm, tuy nhiên năm 2020 chỉ tăng 2,45%; các tháng đầu năm 2021, lượng điện tiêu thụ chỉ tăng xấp xỉ 4,0% so với cùng kỳ năm 2020).

Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ điện có sự chênh lệch rất lớn giữa các giờ trong ngày, chênh lệch giữa buổi trưa và tối có thể lên tới khoảng 6.000 – 8.000 MW, giữa ngày làm việc và ngày nghỉ (ở mức khoảng 4.000 – 6.000 MW).

A0 đánh giá, hiện nay, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho hệ thống chiếm mức cao (xấp xỉ 23,5%) đã góp phần đảm bảo nguồn cung, nhưng do khả năng phát điện phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng sơ cấp tức thời, thay đổi thường xuyên khó dự báo nên việc đảm bảo cung cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn truyền thống, đặc biệt là vào chiều tối mỗi ngày, khi nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời áp mái không thể khai thác được do tắt nắng.