Tiếp tục xử lý mạnh vi phạm giao thông, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 3 tháng triển khai cao điểm xử lý vi phạm giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo kế hoạch của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, tình trạng vi phạm có dấu hiệu tái diễn, nhất là đối với các phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe.

Nỗ lực trên mọi mặt trận

Theo thống kê của Phòng CSGT, CATP Hà Nội, từ 20-6 đến 20-9-2022, lực lượng CSGT toàn thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 7.323 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tổng số tiền 35 tỷ 136 triệu đồng; 2.494 trường hợp vi phạm về tốc độ, phạt tiền 3 tỷ 553 triệu đồng; 3.233 trường hợp vi phạm về cơi nới thành thùng và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; 586 trường hợp phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép. Đây là kết quả đánh giá sự vào cuộc quyết liệt của CSGT Hà Nội và công an các quận, huyện, thị xã trước tình hình vi phạm giao thông ngày một diễn biến phức tạp.

Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn

Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn

Để có được kết quả đáng ghi nhận trên, ngay từ khi triển khai Kế hoạch cao điểm của Bộ Công an và Cục CSGT, Phòng CSGT đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các đơn vị khẩn trương thực hiện công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình tuyến, địa bàn phức tạp về TTATGT. Trong đó, tập trung rà soát các kho bãi, mỏ khai thác khoáng sản, cảng hàng hóa, các cơ sở, cá nhân, chủ phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, các điểm xuất phát, tuyến đường của các xe quá tải; các tuyến, khung giờ thường xảy ra vi phạm về tốc độ; các nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu du lịch, các địa điểm tổ chức ăn uống, liên hoan… từ đó có biện pháp bố trí lực lượng, phương tiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trọng tâm theo nội dung kế hoạch.

Trong 3 tháng triển khai kế hoạch cao điểm, ghi nhận kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của một số đơn vị như Đội CSGT số 2, 3. 4, 6, 7 (Phòng CSGT) và công an các quận: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, công an các huyện: Hoài Đức, Thường Tín; xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng như Đội CSGT số 6, 7, 15 và công an các huyện: Ứng Hòa, Gia Lâm, Chương Mỹ, công an các quận: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm; về xử lý vi phạm liên quan đến tốc độ như Đội CSGT số 10, 11, 15…

Đáng chú ý, trong 3 tháng triển khai kế hoạch cao điểm, toàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy và tai nạn do người điều khiển vi phạm về tốc độ, không xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân phương tiện chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng. Trước đó, do đánh giá được mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe gây ra, trong 3 tháng cao điểm, lực lượng CSGT Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp với thực tế tình hình địa bàn, đảm bảo không để các phương tiện vi phạm các lỗi trên hoạt động, ngăn chặn nguy cơ tai nạn tiềm ẩn.

Xe tải chở đất có dấu hiệu quá tải trên đê sông Hồng thuộc địa bàn huyện Mê Linh

Xe tải chở đất có dấu hiệu quá tải trên đê sông Hồng thuộc địa bàn huyện Mê Linh

Không nằm trên tuyến, địa bàn trọng điểm về phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, nhưng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT) vẫn quán triệt cán bộ chiến sĩ phải tập trung, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, xử lý các trường hợp vi phạm. “Đội CSGT số 1 phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là quận trung tâm của Thủ đô, các phương tiện vận tải qua lại không nhiều nên chúng tôi bố trí 2 tổ công tác chuyên xử lý với các trường hợp vi phạm này, mỗi tổ từ 3 - 4 đồng chí tuần lưu liên tục từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau chứ không cắm chốt cố định” - Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết.

“Thực tế đã chứng minh, có quá nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, để lại hậu quả rất nặng nề. Do vậy, trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT và CATP Hà Nội, lực lượng CSGT Thủ đô đã tăng cường các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình địa bàn. Song song với việc xử lý, chúng tôi tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của các lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải…” - Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT thông tin.

Tái diễn tình trạng vi phạm

Mặc dù đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, tuy nhiên thời gian gần đây tại một số tuyến nội đô, tỉnh lộ và ven đô xuất hiện trở lại tình trạng xe “hổ vồ”, xe đầu kéo ngang nhiên hoạt động, có dấu hiệu chở quá tải trọng cho phép. Theo phản ánh của người dân, nhiều phương tiện khi lưu thông qua các nút giao thậm chí còn không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Hay như một số tuyến đê ven sông, dù có biển hạn chế xe có tải trọng 10 - 12 tấn, nhưng vẫn có không ít xe tải, xe đầu kéo chở phế liệu hoạt động.

Ghi nhận tại địa bàn các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, tình trạng xe tải chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi đất, cát vào ban đêm cũng tái diễn phức tạp. Tại Tỉnh lộ 421B (qua địa bàn huyện Quốc Oai), xe ben, xe “hổ vồ”, xe đầu kéo vẫn nối đuôi nhau hoạt động bất chấp tuyến đường này đã được cắm biển hạn chế tải trọng 10 tấn. Tương tự, tình trạng trên cũng tái diễn tại tuyến Tỉnh lộ 419 (qua địa bàn huyện Thạch Thất) không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. Chỉ huy Phòng CSGT nhìn nhận: “Chúng tôi cũng được báo cáo về tình trạng tái diễn vi phạm của các phương tiện vận tải, đặc biệt là tại các huyện ngoại thành. Thường các đối tượng sẽ lợi dụng đêm tối, hoặc thời điểm giao ca để di chuyển.

Không chỉ tìm đủ cách để đối phó, các đối tượng còn lập nhóm trên mạng xã hội để thông tin cho nhau, né tránh chốt kiểm tra. Tôi cho rằng, không chỉ chế tài mạnh, lực lượng công an tăng cường tuần tra, mà cần phải có sự ủng hộ của người dân. Bất cứ trường hợp nào có dấu hiệu vi phạm, bà con có thể quay clip, chụp ảnh gửi về Fanpage Công an thành phố Hà Nội. Trên cơ sở phản ánh của người dân, lực lượng chức năng sẽ có biện pháp xử lý. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của các lái xe, chủ phương tiện hay chủ doanh nghiệp vận tải. Nếu chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thì hệ lụy là khó đong đếm được, lúc ấy ân hận cũng là quá muộn”.

Không dừng lại ở cao điểm

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT khẳng định, không chỉ dừng lại ở cao điểm, Phòng CSGT và lực lượng CSGT-TT công an các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm giao thông theo nội dung kế hoạch của Bộ Công an và Cục CSGT. Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, đây là các lỗi vi phạm dẫn tới nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nếu CSGT lơ là, chắc chắn tình trạng vi phạm lại tái diễn.

Tại cuộc họp sơ kết 3 tháng triển khai cao điểm, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cũng đánh giá: “Dù triển khai quyết liệt nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy cần phải đánh giá, xem xét lại, đồng thời tìm ra nguyên nhân của các vụ tai nạn mới có thể có giải pháp phù hợp”. Thực tế, thời gian qua, các đơn vị đã mạnh tay xử lý, không có “vùng cấm”, khắc phục mọi khó khăn về con người, phương tiện, thời tiết… để hoàn thành nhiệm vụ được giao, song rõ ràng vẫn chưa đủ khi người tham gia giao thông còn chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân. Vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện say xỉn, vi phạm tốc độ cho phép, hoặc chủ phương tiện vẫn cố tình chở quá tải.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, để thực hiện điều này là rất khó bởi nhiều người vẫn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết. Vì thế, trước mắt, lực lượng CSGT toàn thành phố vẫn phải tập trung xử lý mạnh vi phạm để như Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an đã nói: “Mỗi đơn vị giảm được 1 vụ tai nạn giao thông thì mỗi tháng thêm một gia đình có người thân được trở về nhà an toàn. Đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân và của xã hội…”.