Tiếp tục tổ chức thi tiếng Hàn đi XKLĐ

ANTĐ - Trước thông tin thị trường lao động Hàn Quốc sẽ đóng cửa đối với lao động Việt Nam do tỷ lệ bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao, chiều 3-11, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Trung tâm Lao động ngoài nước và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam đã thông tin chính thức xung quanh sự việc này. Theo đó, từ ngày 17 đến 18-12 sẽ tiếp tục tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Người lao động làm thủ tục đăng ký hồ sơ dự kiểm tra tiếng Hàn. Ảnh: Dân trí

Cũng theo nguồn thông tin trên, tháng 8-2011, phía Hàn Quốc đã tạm dừng việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho lao động Việt Nam sang làm việc do nhiều lao động hết hạn hợp đồng mà không về nước. Thông qua nhiều giải pháp, đến nay, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp đã bắt đầu giảm. Do đó, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam tiếp tục tổ chức kỳ kiểm tra với số lượng ứng viên được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển gửi sang Hàn Quốc theo phân bổ là 15.000 người. Trong đó, lĩnh vực sản xuất chế tạo 11.700 người, xây dựng 1.000 người, nông nghiệp 1.000 người, ngư nghiệp 1.300 người.

Thời gian tổ chức đăng ký dự kiểm tra trong 4 ngày, từ ngày 11 đến 14-11, người có nhu cầu sẽ tham dự kiểm tra tại một trong các địa điểm là Hà Nội, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Dự kiến đến 28-12 sẽ thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản thông qua Sở LĐ-TB&XH địa phương và Bộ Quốc phòng, đồng thời đăng tải trên các trang web: http://www.ttldnnvietnam.gov.vn; http://www.eps.go.kr; http://www.epstopil.hrdkorea.or.kr; http://www.hrdkorea.or.kr.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, điều kiện để đăng ký tham dự kiểm tra là từ 18-39 tuổi (những người sinh từ ngày 19-12-1971 đến 18-12-1993); chưa có tiền án, tiền sự; chưa từng bị trục xuất hoặc buộc phải xuất cảnh khỏi Hàn Quốc; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam hoặc cấm nhập cảnh Hàn Quốc. Riêng ngành ngư nghiệp, lao động phải có độ tuổi từ 25 trở lên, đang làm nghề đánh bắt hải sản và cư trú dài hạn tại các xã, phường ven biển; ngành nông nghiệp phải là nông dân, cư trú dài hạn tại 63 huyện nghèo. Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố có biện pháp xử lý việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra cho NLĐ từ 23 xã, phường có từ 5 NLĐ trở lên đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Để tránh bị lừa đảo, lợi dụng, người lao động cần chú ý, theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay, có 3 chương trình thực hiện đưa người Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) này, được thực hiện từ năm 2004 theo Thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc. Trung tâm Lao động ngoài nước, trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH là đơn vị duy nhất được đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình này. Không có doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào được phép thực hiện.