Tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ tiến triển tích cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Điểm nổi trội trong quan hệ Việt Nam - Mỹ là các chuyến thăm cấp cao trong những năm qua, không chỉ mang ý nghĩa với hợp tác song phương mà còn mang thông điệp lớn với khu vực.
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ

Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ

Dấu ấn 1/4 thế kỷ hợp tác kể từ khi bình thường hóa quan hệ

Ngày 2-7-1993, sau gần 20 năm thực hiện lệnh cấm vận với Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc (30-4-1975), Mỹ tuyên bố không ngăn cản các nước khác cho Việt Nam vay trả nợ tổ chức tài chính quốc tế. Gần 1 năm sau, ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam.

Ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12-7-1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Một tháng sau, ngày 5-8-1995, tại Hà Nội, hai bên ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

1/4 thế kỷ kể từ khi bình thường hóa, từ đối thủ trên chiến trường, Việt Nam và Mỹ vượt qua nhiều khác biệt và trở ngại, thực sự xây dựng được lòng tin để trở thành đối tác toàn diện của nhau. Nhìn nhận về sự chuyển biến tích cực này, giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ) nhận xét: “Điều thú vị là ở Mỹ, nhiều người trong chính giới đang coi Việt Nam như một đồng minh chiến lược quan trọng ở châu Á. Điều này tương phản với tình hình cách đây 25 năm, khi nhiều chính khách Mỹ coi Việt Nam là một nước thù địch”.

Điểm nổi trội trong quan hệ Việt Nam - Mỹ là các chuyến thăm cấp cao nhộn nhịp trong những năm qua, không chỉ mang ý nghĩa với hợp tác song phương mà còn mang thông điệp lớn với khu vực. Tháng 7-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu đến thăm chính thức Mỹ, gặp Tổng thống Barak Obama tại Nhà Trắng. Gần một năm sau, Tổng thống Barak Obama đến thăm Việt Nam. Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Việt Nam và dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Năm 2019, ông trở lại Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trên cơ sở của quan hệ chính trị ổn định, hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những điểm sáng của quan hệ Việt-Mỹ. Trong 1 thập kỷ gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ gia tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 75,6 tỉ USD, vượt rất xa so với con số 450 triệu USD vào thời điểm hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ.

Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Mỹ ngày càng phát triển sâu rộng, không chỉ ở bình diện song phương mà còn cả đa phương. Mỹ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển, hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Trong lĩnh vực giáo dục, hiện có hơn 30 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Việt Nam hiện đang đứng đầu trong số các nước ASEAN và đứng thứ 8 trên thế giới về số lượng lưu học sinh học tập tại Mỹ. Cùng các nước quan tâm, Việt Nam và Mỹ còn hợp tác duy trì tự do hàng hải và thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Sự can đảm, quyết tâm và tầm nhìn mở nhiều triển vọng cho quan hệ Việt Nam - Mỹ

Thành quả quan hệ Việt - Mỹ là kết quả của sự can đảm, quyết tâm và tầm nhìn từ cả hai phía. Nó mở ra triển vọng để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ song phương này tiến triển tích cực. Đầu tháng 7-2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi thư chúc mừng. Trong thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có đoạn viết: “Việt Nam tin rằng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới”.

Trong khi Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, chính sách dựa trên cơ sở kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, thì ở chiều ngược lại, Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phát biểu trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 29 đến 30-10-2020 khẳng định: “Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, đồng thời cam kết duy trì quan hệ ổn định và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ hai nước tiến triển thực chất, tin cậy, hiệu quả, bền vững, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới”.

Trên cơ sở định hướng đó, quan hệ Việt Nam - Mỹ có thể mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử như trong bối cảnh thế giới chao đảo vì Covid-19, Mỹ đã khởi xướng sáng kiến Mạng lưới Thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) trong khu vực để giảm bớt sự lệ thuộc vào thương mại của Trung Quốc. Mỹ cũng đề xuất mở rộng Bộ Tứ gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn, và Australia, mời thêm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand tham gia. Với hai sáng kiến này, Việt Nam là một trong 6 nước trong khu vực được Mỹ tham khảo ý kiến đầu tiên. Đây là một cơ hội cho Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thời hậu Covid-19 với sự hợp tác của Mỹ.

Là một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 8,5 đến 9,5% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Cùng với yêu cầu giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than, Việt Nam phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác phát triển nguồn cung dầu khí và các nhà máy điện khí. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vừa được tổ chức ở Hà Nội, đã có 7 thỏa thuận hợp tác/biên bản ghi nhớ giữa Mỹ và Việt Nam được ký kết. Trong đó có thỏa thuận phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu trị giá hơn 3 tỷ USD.

Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ và Việt Nam cũng chia sẻ nhiều quan điểm chung như phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, ủng hộ giải quyết các tranh chấp trên vùng biển này bằng biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại không bị cản trở.