Miền Trung:

Tiếp tục sơ tán hàng nghìn người dân chạy lũ

ANTĐ - Hàng nghìn người dân các tỉnh miền Trung tiếp tục được sơ tán khỏi các vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.
Quảng Trị:  4 người chết, hơn 14.000 nhà dân ngập sâu

Đến chiều 17-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trời vẫn tiếp tục mưa to. Nước từ thượng nguồn đổ về mạnh nên lũ trên các sông Hiếu, Bến Hải, Ô Lâu và Thạch Hãn lên nhanh, đều ở trên mức báo động 2 và 3. Hiện đã có 4 người chết, hơn 14 nghìn nhà dân đã bị ngập sâu, nhiều nơi ngập đến 2,5m.

Tiếp tục sơ tán hàng nghìn người dân chạy lũ ảnh 1
Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu khiến giao thông tê liệt

Tại Gia Vòng, sông Bến Hải, nước lũ vượt báo động 3 là 3,81 mét; sông Hiếu vượt báo động 3 là 0,39 mét, sông Thạch Hãn vượt báo động 3 là 0,16 mét làm ngập lụt hơn 14.000 nhà dân ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Trong đó nhiều nhà ngập sâu từ 1,5 đến 2,5 mét; hơn 1.000 ha lúa và hàng nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Một số công trình như đường giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi bị xói, sạt lở ở nhiều điểm. Tại Km 44+200 trên tuyến quốc lộ 9 (địa bàn huyện Đakrông) hơn 4.000 m3 đất, đá trên núi đổ xuống đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền...
Tiếp tục sơ tán hàng nghìn người dân chạy lũ ảnh 2
Người dân tranh thủ vớt củi tại cổng đập An Tiêm

Đến nay, Quảng Trị có 4 người chết, đó là anh Trương Công Minh, 17 tuổi, ở xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi làm về; chị Nguyễn Thị Hương, 40 tuổi, ở thôn Thạch Thượng, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vào hái cà phê ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa do bất cẩn đã bị nước lũ cuốn trôi; anh Lê Cảnh Ga, ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông bị điện giật vào lúc 4h30 ngày 17-10; anh Hồ Văn Thưng ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa chết khi băng qua suối trên đường đi làm rẫy về vào ngày 16-10.

Người dân ở vùng trũng đang khẩn trương di chuyển tài sản đến nơi cao hơn

Hệ thống đường sắt bị ngập ở hai đoạn (Mỹ Chánh - Phò Trạch và thành phố Đông Hà - thị xã Quảng Trị) làm 309 khách đi trên tàu SE7, 486 khách trên tàu TN phải ở lại ga Đông Hà; 430 khách trên tàu DH4 ở lại ga thị xã Quảng Trị; 301 khách trên tàu SE1 ở lại ga Tiên An; 509 khách trên tàu SE5 ở lại ga Hà Thanh...Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Trị phối hợp với các lực lượng tại chỗ chốt chặn ở các tuyến đường ngập lũ hướng dẫn người dân và phương tiện lưu giao thông qua lại bảo đảm an toàn.

Sơ tán trâu bò lên cao tại xã Triệu Sơn

Trong hai ngày 16 và 17-10, lực lượng Công an, Quân đội và thanh niên xung kích ở các địa phương đã huy động hàng chục ca nô và thuyền ứng cứu, sơ tán hơn 5.000 hộ gia đình ở các vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn. Nhờ ứng cứu kịp thời nên đã hạn chế được những thiệt hại về tài sản trong nhân dân. Các địa phương đã triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ đập, thủy lợi; chuẩn bị 54 tấn gạo, 24.000 thùng mì ăn liền, 18.000 chai nước, 10.000 lít xăng, 19.000 lít dầu sẵn sàng cung ứng khi cho các địa phương.

Lũ tại Quảng Bình gần đạt mức lịch sử năm 2010

Hiện nay, mực nước ở các sông như sông Gianh, sông Kiến Giang đã vượt mức báo động III, tại sông Kiến Giang đạt mức 3,7m (dưới mức lũ lịch sử năm 2010 là 20cm), tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Các trường học và UBND các xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều bị ngập trên 1m

Trên địa bàn tỉnh có 3 người chết (nạn nhân là cháu Dương Ngọc Quân (3 tuổi), ở thôn 7B, xã Đồng Trạch; bà Trần Thị Điểm, 70 tuổi, ở thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch và Trương Thanh Tâm (SN1985), ở thôn 4, Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện  Minh Hóa), 1 nạn nhân mất tích là ông Hà Văn Hảo (45 tuổi), ở thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh và 8 người bị thương.

Nhiều nhà dân bị ngập hoàn toàn

Theo Ban phòng chống lụt bão huyện Lệ Thủy chiều ngày 17-10, cho biết: Hiện toàn huyện ngập trên 25 ngàn hộ, trong đó 17 ngàn hộ bị ngập sâu trên 1m. Có 23/28 trạm y tế xã bị ngập; 17 trường học trên địa bàn huyện bị ngập sâu trên 1m. Toàn bộ các tuyến đường liên huyện, một số điểm trên QL1A đã bị ngập sâu, có nơi gần 1m như ở xã Hồng Thủy, Cam Thủy. Các vùng rất dễ xảy ra nguy cơ bị lũ quét như xã Kim Thủy, Mỹ Thủy, Trường Thủy, Phú Thủy đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp. Phương tiện đi lại chính hiện nay là ca nô, xuồng máy và bè tự tạo. Điện cũng đã mất từ chiều qua (ngày 16-10). Nhiều người dân trên địa bàn thiếu lương thực, đặc biệt là uống.

Trong đêm qua, các lực lượng như Công an, quân đội và chính quyền địa phương đã triển khai di dời 400 hộ dân và hơn 1000 khẩu ở những vùng ngập lụt như ở các xã Kim Thủy, Lâm Thủy Ngân Thủy đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, có thể nói đến thời điểm này huyện Lệ Thủy nhờ làm tốt công tác chuẩn bị từ trước và sẵn sàng ứng phó trước tình hình thời tiết, mưa lũ xảy ra, đặc biệt là việc triển khai tốt phương án “4 tại chỗ” nên đến thời điểm này con số thiệt hại về người chưa xảy ra, còn về tài sản về tài sản cũng không lớn như đợt lũ lịch sử năm 2010.       

Quảng Ngãi: Người dân liều mạng vớt củi trên lũ dữ

Tiếp tục sơ tán hàng nghìn người dân chạy lũ ảnh 9       
Bất chấp lũ lớn, người dân đổ xô đi vớt củi     

Sáng ngày 18-10, chúng tôi có mặt tại sông Trà Khúc (Tp Quảng Ngãi). Nước lũ thượng nguồn đổ về kéo theo nhiều củi khô. Tuy nhiên trước dòng nước chảy xiết nhiêu người dân coi thường mạng sống  lao mình ra giữa giòng nước xoáy để vớt từng cành củi đang trôi.

Thuyền nhỏ ngược dòng sông Trà vớt củi

Tại bờ Nam sông Trà Khúc (thuộc phường Lê Hồng Phong, và Trần Phú) nhiều người dân đổ xô ra dọc bờ sông, trên cầu vớt củi.  Mỗi người mỗi kiểu vớt. Người trong bờ dùng đoạn cây dài có 3 móc kéo củi vào. Người liều một chút lội ra xa bờ dể vớt được củi lớn. Đặc biệt, nhiều thuyền, ghe máy quần đảo dưới chân cầu Trường Xuân tranh giành vớt củi  khô.

Người thanh niên hớn hở khiêng chiến lợi phẩm khúc củi lớn từ vớt tại sông Trà Khúc

Được biết những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều xảy ra những vụ chết người do vớt củi trên sông.

Thừa Thiên Huế: Nhiều địa phương chìm trong biển nước

Mưa lớn, nước dâng cao ngập lụt tại xã Phú Thanh, huyện Phú Vang

Đến chiều tối 17-10, mưa trên địa bàn tỉnh TT- Huế đã ngớt, tuy nhiên, do nước sông vẫn đang ở mức cao nên nhiều địa phương ở ven sông Bồ, Ô Lâu vẫn còn bị nước chia cắt. Tình trạng sạt lở đã đe dọa hàng trăm hộ dân. Tại thôn Phò Ninh, xã Phong An (Phong Điền) nước lũ đã làm sạt lở nhiều đoạn trên sông Bồ, ăn sâu vào tận móng nhà, đe dọa gần 100 hộ dân. Theo UBND xã Phong An, từ đêm hôm trước đến ngày 17-10, đã tiến hành di dời khẩn cấp 4 hộ dân ở khu vực này.

Nhiều tuyến đường ở TT- Huế chìm trong biển nước

Mưa lũ cũng làm sạt lở hơn 100m đường giao thông ở xã Phong An. Tại tuyến đường 49 B qua các xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương vẫn ngập khá nặng, có nơi sâu từ 0,5-0,7m, người dân phải di chuyển bằng đò rất khó khăn trong việc đi lại.
Tiếp tục sơ tán hàng nghìn người dân chạy lũ ảnh 15
 Người dân xã Hương Toàn, huyện Hương Trà phải chạy lũ bằng thuyền vì nước dâng cao

Có một người bị lũ cuốn trôi vào chiều 17-10 đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Quy (SN 1970, trú tại thôn Vĩnh An, xã Phong Bình, huyện Phong Điền) bị đuối nước khi đi giữ vịt. Đến chiều cùng ngày, thi thể của chị Quy đã được tìm thấy.

Nhiều trường học bị ngập sâu trong nước

Tại huyện Hương Trà, các tuyến đường giao thông trên địa bàn các xã: Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Xuân, Hương Phong đều bị ngập từ 1 mét đến 1,2 mét. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân ở các địa phương trên đều bị ngừng trệ. Theo thống kê, toàn huyện có 850 ngôi nhà bị ngập từ 0,2-0,5m. Ngay trong đêm 16-10 và rạng sáng 17-10, các lực lượng đã di dời khoảng 35 hộ ở vùng ngập nặng đến nơi an toàn, đồng thời bố trí nơi ăn chốn ở cho dân. Cùng với việc di dời dân đến nơi an toàn, UBND huyện đã phối hợp, chỉ đạo các ban ngành chức năng dự trữ 20 tấn gạo, 2 tấn mì tôm, 2.700 lít xăng, 711 lít dầu để phục vụ cứu trợ cho dân khi mưa lũ kéo dài.

Tuyến đường sắt Mỹ Chánh- Phò Trạch bị chia cắt bởi nước lũ

Về mực nước tại các hồ đập, lãnh đạo tỉnh TT- Huế đã đến kiểm tra và chỉ đạo các phương án di dời dân và bảo vệ an toàn hồ đập. Theo đó, yêu cầu UBND huyện Hương Trà phối hợp với các ban ngành chức năng, chủ đầu tư, huy động lực lượng, di dời 27 hộ dân sống ven hồ Thọ Sơn đến nơi an toàn. Các lực lượng cũng đã triển khai phương án điều tiết xả lũ ở hồ Thọ Sơn, đồng thời triển khai các biện pháp gia cố nhằm tránh vỡ đập gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Ở nội thành ở thành phố Huế nước mấp mé nhà dân

Tại huyện Quảng Điền, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành di dời 100 hộ dân ở những vùng bị ngập nặng về nơi an toàn.