“Tiếp sức” công nghiệp hỗ trợ

ANTĐ - Từ năm 2011, các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được xác định nhưng đến nay, các giải pháp phát triển lĩnh vực này chưa triển khai được là bao. Quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ sắp ban hành, đề án “Xây dựng cụm liên kết ngành đối với sản phẩm chủ lực” sắp ra mắt… liệu có tạo đà cho công nghiệp hỗ trợ phát triển?

Công nghiệp hỗ trợ là chìa khóa phát triển nền công nghiệp tiên tiến

Giải “bài toán” thiếu vốn

Ông Nguyễn Hoàng- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, thiếu vốn là một trong những rào cản đặc biệt lớn hiện nay đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Không chỉ khó tiếp cận vốn ngân hàng, với lãi suất hiện nay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không thể phát triển được. Cụ thể, theo phương án sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, lãi vay phải dưới 3%/năm và thời gian vay phải 8 - 12 năm mới đủ quay vòng vốn, có lợi nhuận. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đang vay vốn với lãi suất từ 10% - 12%/năm. 

Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ dành một lượng tiền cung ứng sẵn sàng cho vay. Các địa phương cũng đang tích cực triển khai chương trình kết nối với doanh nghiệp – ngân hàng để kích thích tín dụng. Giải được bài toán thiếu vốn là bước đi đầu tiên để công nghiệp hỗ trợ phát triển. 

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Trợ giúp phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Khi đó, thiếu vốn cũng được xác định là điểm yếu lớn của khối doanh nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp muốn được ưu đãi về tài chính, vốn phải chứng minh được dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Sau đó, dự án phải trình qua Hội đồng thẩm định xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định rồi Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ tiếp nhận hồ sơ vay vốn. Vì thủ tục lòng vòng, phức tạp nên hầu hết doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi này. 

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, bên cạnh việc NHNN đang yêu cầu giảm lãi suất cho vay, chương trình quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được thực hiện. Theo đó, sẽ ưu tiên phát triển dịch vụ cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp trong khu vực này, nhất là những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị theo cụm liên kết. Việc giải ngân của quỹ hỗ trợ phát triển nhỏ và vừa sẽ thực hiện thông qua một số NHTM được lựa chọn công khai. Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bộ KH-ĐT) sẽ vừa giúp doanh nghiệp có thể vay vốn, vừa giúp ngân hàng có thêm nhiều khách hàng chất lượng để đẩy tín dụng ra nền kinh tế.

Vẫn yếu và thiếu

Theo ông Nguyễn Hoàng, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải có đủ 3 yếu tố: năng lực tài chính, con người, công nghệ sản xuất. Nhưng hiện nay, cả 3 yếu tố này đều thiếu. Theo ông Nguyễn Hoàng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tài chính quan tâm đưa ra giải pháp thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng.

Đặc điểm của ngành công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp phải đầu tư chuyên sâu các máy móc chuyên dụng, có trình độ công nghệ tiên tiến để tham gia vào chuỗi liên kết. Đồng thời, các doanh nghiệp phải có mặt bằng và môi trường thuận lợi cho tổ chức sản xuất và hợp tác liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp, bố trí mặt bằng cho doanh nghiệp cũng là việc cần kíp. 

Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá, doanh nghiệp Việt chưa có thói quen làm việc theo chuỗi, hợp tác cùng có lợi. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đứng độc lập cũng không đưa ra được sản phẩm lớn, ngoại trừ một ngành đặc biệt là CNTT. “Nếu không kết nối thì không thể có được sản phẩm tốt”- ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh. 

Theo ông Lê Hồng Thăng- Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, dù rất mong muốn, nhưng để trở thành nhà cung cấp cho công nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là khó khăn đối với doanh nghiệp trong nước.

Nhiều ưu đãi còn đang... dự thảo 

Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được Bộ Công Thương soạn thảo với nhiều chính sách ưu đãi. Theo đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu… Theo đề xuất được áp dụng thí điểm đến năm 2020, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. Về thuế thu nhập cá nhân, sẽ miễn 50% so với mức thông thường áp dụng cho các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ với thời gian tối đa 1 năm.

Tin cùng chuyên mục