Tiếp nối công cuộc đổi mới

ANTĐ - 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới, sớm đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nhìn lại lịch sử đổi mới, hẳn chúng ta không thể quên công lao của những người mở đường, dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, đột phá đi trước thời đại

Tiếp nối công cuộc đổi mới  ảnh 1

Hà Nội hiện đại và đổi mới

Trong công cuộc đổi mới được bắt đầu cách đây 3 thập kỷ, mỗi khi nhắc lại, chúng ta nhớ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người đã “bật đèn xanh” cho TP.HCM “xé rào”. Trong giai đoạn thử thách khó khăn tưởng chừng khó vượt qua ấy, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi ấy đã mạnh dạn tháo gỡ nhiều khó khăn, như kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh; thực hiện 3 lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, hợp doanh…

Ở thời điểm ấy, cách làm đó không có chuyện được ủng hộ tuyệt đối, nhưng thời gian và những thành quả đạt được đã chứng minh tư duy đổi mới là sáng suốt, thức thời. Tư duy đổi mới gắn chặt với thực tiễn từ cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nhân dân để đưa ra quyết định. 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, một lần nữa nhiều vấn đề của đất nước sau 30 năm đổi mới và hướng đi trong thời gian tới được đề cập trong các báo cáo tham luận. Những giá trị của bài học đổi mới trong lịch sử vẫn đúng và còn nguyên giá trị thời cuộc. Bài học và kinh nghiệm của đổi mới vẫn cần được bàn tới, suy tính, để tiếp tục tạo đà đột phá phát triển trong giai đoạn tiếp theo. 

Viết tiếp đổi mới, đòi hỏi trong lãnh đạo, điều hành chấp nhận cả những tư duy “xé rào”, những quyết định mang tính đặc thù, quyết liệt “cởi trói” mọi lực cản trong phát triển. Không có đột phá, không có sự “xé rào” nào được chấp nhận thì sẽ khó có nhiều thành quả phát triển như hôm nay. Quan trọng nhất là những đề xuất ấy phải bắt nguồn từ thực tiễn sinh động, phải hợp lý, không chứa đựng yếu tố cá nhân, được đánh giá một cách khách quan, công minh.

Có như vậy, các địa phương, bộ, ngành mới có thể mạnh dạn làm được, mạnh dạn đổi mới, hướng tới sự năng động và không phạm luật. Mạnh dạn đề xuất điều chỉnh, đồng thời với đó là sự quyết đoán của người đứng đầu, biết chớp thời cơ, tận dụng nguồn lực, dựa trên cơ sở trí tuệ và khoa học, từ lợi ích tập thể chứ không độc đoán, chủ quan, không vi phạm luật - đó chính là đổi mới.