Tiếp dân nên theo mô hình “một cửa”

ANTĐ - Hôm qua, 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tiếp công dân. Các nội dung nhận được nhiều ý kiến từ các thành viên Ủy ban liên quan đến đề nghị tổ chức theo mô hình “một cửa” đối với Văn phòng tiếp công dân.

Thanh tra CATP Hà Nội thường xuyên làm tốt công tác tiếp dân. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Đừng để dân đi lòng vòng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến của ĐBQH yêu cầu quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngoài ra, cần phân biệt giữa trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân.

Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng tiếp công dân là trách nhiệm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức; trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân trong những trường hợp do Luật quy định (gắn với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo). Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Người đứng đầu tiếp hay cử văn phòng tiếp thay? Nếu cố tình né tránh thì trách nhiệm đến đâu, cơ quan nào giải quyết? Khi có nhiều người cùng kiến nghị về một vụ việc thì lại càng phải có người đứng đầu xuất hiện, chứ không thể cử cán bộ khác tiếp thay”.

Góp ý vào dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, nên tổ chức theo mô hình “một cửa” để dân đỡ khổ. Ông nói: “Văn phòng tiếp dân các cấp không phải là nơi giải quyết được khiếu nại, kiến nghị của công dân, nhưng phải là đầu mối trả lời cho nhân dân. Cần có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan liên quan giải quyết đúng thời hạn để người dân chỉ việc đến đó nhận câu trả lời mà không phải đi lòng vòng”. 

Tiếp dân là trách nhiệm quan trọng

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh yêu cầu kết nối giữa các văn phòng để phối hợp xử lý đơn thư, tránh trường hợp trùng lắp do công dân kiến nghị đồng thời đến nhiều người, nhiều cơ quan khác nhau. Bà Trương Thị Mai còn đề nghị ghi hẳn vào Luật: “Khi người dân có yêu cầu thì ĐBQH phải tiếp công dân. Đã là đại biểu dân cử thì việc tiếp dân là một trách nhiệm quan trọng, không thể chối từ.”

Cũng quan tâm đến nghĩa vụ của các bên trong hoạt động tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đích thân ông nhiều lần chứng kiến cảnh người dân tụ tập đông người, gây lộn xộn trước cửa các cơ quan công quyền, thậm chí có thái độ quá khích, do vậy, dự Luật cần có chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng này. Về mô hình “một cửa” của trụ sở tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh thì có thể làm như vậy được, vì có đầy đủ thông tin đầu vào. Tuy nhiên, đối với cấp Trung ương thì quy định trả kết quả ở đó, cũng như đặt ra yêu cầu “đôn đốc, kiểm tra giải quyết” e không khả thi, nhất là khi tiếp công dân ở đây không phải là một hệ thống cơ quan, không có bộ máy riêng”...

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc thực hiện “một cửa” ở Trụ sở tiếp công dân đã được nhiều địa phương làm khá tốt và “hoàn toàn có thể thực hiện được ở cấp tỉnh”. Ông Nguyễn Văn Thanh nói thêm, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của dân ở cấp tỉnh là vô cùng quan trọng: “Một số nơi làm tốt, như TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, bản thân tôi chưa bao giờ phải tiếp đoàn khiếu kiện đông người nào từ TP”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng ủng hộ cách làm “một cửa”, tránh việc bà con phải ăn chờ nằm chực để đợi kết quả. Theo ông, việc thông báo “đã chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết” như vừa qua là “nửa vời, chưa ổn”.