Tiếp cận thị trường còn yếu

ANTĐ - Chặng đường 10 năm (2002-2011) phát triển của doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp, về lao động và tài sản nhưng lại không khắc phục được điểm yếu tiếp cận thị trường. 

Tiếp cận thị trường còn yếu ảnh 1
Chưa có cách tiếp cận thị trường đúng đắn, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt 
khó phát triển qua các kênh phân phối. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012 vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, năm 2002, số doanh nghiệp trên cả nước là 63.000 nhưng đến ngày 1-4-2012, con số này đã lên tới 312.600 doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm, đạt 15,3 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 27,4%/năm, đạt 10,7 triệu tỷ đồng vào năm 2011. Tuy nhiên, năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế còn rất yếu. 

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho biết: “Những khó khăn trong tiếp cận thị trường đã trở thành hiện hữu và đẩy chỉ số hàng tồn kho của doanh nghiệp lên mức cao nhất”. Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia đánh giá, năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu,  trong khi lẽ ra vấn đề này cần phải được các doanh nghiệp quan tâm và đẩy mạnh phát triển. Các doanh nghiệp thường ít đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường và phân phối sản phẩm ở trong cũng như ngoài nước. Cụ thể, trong 6 ngành tiêu biểu lựa chọn để phân tích trong báo cáo gồm: chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm, quảng cáo, giới thiệu xúc tiến thương mại… năng lực tiếp cận thị trường yếu thể hiện mức tăng đột biến của chỉ số tồn kho và cảm nhận của chính doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát của VCCI, có tới 73% phản hồi cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của doanh nghiệp; 5,7% trả lời phải ngừng hoạt động trong năm 2012 do không tìm được thị trường đầu ra, không vay được vốn và giá nguyên vật liệu cao… 

Lấy dẫn chứng với ngành cơ khí, trong khi kỳ vọng khả năng đáp ứng cho nhu cầu trong nước của ngành này theo các nhà hoạch định là 40-60% nhưng khả năng đáp ứng chỉ giới hạn quanh mức 20-25%. Điểm yếu của ngành cơ khí chế tạo nằm ở việc chưa được đầu tư khép kín, công nghệ cũ, lạc hậu lại bị chia tách, căn cứ theo chỉ đạo của các cấp chủ quản và thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị khiến ngành này không có sức mạnh cạnh tranh. Doanh nghiệp cơ khí vẫn chủ yếu làm gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. 

Đối với ngành thủy sản, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ, khoa học công nghệ EDC - Hải Đăng - Chủ tịch danh dự VASEP, năng lực hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa bền vững, trong đó sự phân tán cạnh tranh diễn ra rất nhanh và cạnh tranh bằng giá đã kéo theo xu hướng phân tán về mặt thị trường khiến lợi thế so sánh của thủy sản Việt Nam đang giảm tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU nhưng phân tán sang các thị trường khác với mức giá thấp hơn. Bên cạnh đó, năng lực cung cấp nguyên liệu cho các hoạt động chế biến xuất khẩu cũng là một trong những yếu tố khiến việc xuất khẩu thủy sản không bền vững.

Do năng lực tiếp cận thị trường còn hạn chế nên ở ngành bán lẻ đồ uống, sự liên kết giữa các nhà sản xuất còn lỏng lẻo, doanh nghiệp thường tự tổ chức phân phối manh mún, nhỏ lẻ, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Thêm vào đó, phần lớn doanh nghiệp trong ngành này chưa xây dựng được thương hiệu lớn, có tầm cỡ khu vực và thế giới nên sức tiêu thụ sản phẩm bị giới hạn. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tồn kho của ngành là khó tránh khỏi. Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ cho phát triển thị trường phân phối bán lẻ và hạ tầng thương mại (giao thông, kho bãi). “Nên chăng, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng và phát triển một số thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của ngành rượu, bia, nước giải khát Việt Nam. Tạo điều kiện cho việc xây dựng liên kết giữa mạng lưới phân phối bán lẻ và các nhà sản xuất sản phẩm rượu, bia, nước giải khát, đáp ứng hơn nữa nhu cầu đang lên của thị trường nội địa…” - bà Loan đặt vấn đề.

Hơn 54 tỷ đồng xúc tiến thương mại

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa phê duyệt đợt 2 Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 với tổng kinh phí 54,12 tỷ đồng dành cho 66 đề án của 43 đơn vị. Trọng tâm của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2013 đợt 2 tập trung vào phát triển thị trường xuất khẩu; đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và biên giới; đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức xúc tiến thương mại. 

Như vậy, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 với 2 đợt phê duyệt có 117 đề án với tổng kinh phí gần 94 tỷ đồng. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là một trong những biện pháp quan trọng giúp doanh nghiệp mở thị trường, tháo gỡ khó khăn được đưa ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp đã khai thác tốt cơ hội kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.