Tiếng máy rộn rã trên công trường

ANTĐ - Trong khi các dự án khu đô thị, bất động sản tiếp tục “nằm nghỉ”, nhiều công trình trọng điểm hạ tầng giao thông, thủy điện vẫn hối hả làm việc xuyên Tết để bắt nhịp không khí rầm rộ những ngày đầu Xuân năm mới. 

Cầu Nhật Tân sẽ thông xe vào cuối năm 2014

Giống như năm ngoái, khi cả thành phố nghỉ ngơi, Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 cũng được chọn là thời điểm khởi công 2 cây cầu vượt nhẹ tại nút Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh và nút Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. Đây là 2 nút giao thông trọng điểm, có lưu lượng xe cộ qua lại lớn, thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Cầu vượt tại nút Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng, xây dựng từ phố Nguyễn Chí Thanh vượt ngã tư đến phố Liễu Giai. Cầu có chiều dài 278m, rộng 16m cho 4 làn xe 2 chiều, kết cấu nhịp dầm hộp thép liên hợp. Trong khi đó, cầu vượt nút Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt có tổng mức đầu tư 181 tỷ đồng, xây dựng từ phố Trần Khát Chân vượt ngã tư sang phố Đại Cồ Việt. Cầu có chiều dài 352m, rộng 11m với 4 làn xe.

Khởi công từ sáng 27 Tết, cả 2 cây cầu đã thi công liên tục để đảm bảo ra Tết, việc thi công chỉ còn gói gọn trong hàng rào, ảnh hưởng ít nhất tới việc đi lại của người dân. Vì thời điểm khởi công đúng Tết Nguyên đán nên đội ngũ giám sát, tư vấn thiết kế, kỹ sư, công nhân đều phải “trực chiến” ở công trường. Có đôi chút hụt hẫng, anh Trần Minh Đức, người Ninh Bình, công nhân xây lắp Công ty Xây dựng và Phát triển Công nghệ Thăng Long (Tổng Công ty xây dựng Thăng Long) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà. Bố mẹ ở quê cũng mong tôi về đoàn tụ trong dịp Tết. Tôi cũng thương bố mẹ vì dù gì cũng đi cả năm rồi, dịp Tết rất muốn về. Dù vậy, bố mẹ cũng thông cảm vì đây là công việc chung. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”. Chia sẻ nỗi nhớ nhà với công nhân, các nhà thầu có nhiều hình thức động viên và có chính sách hỗ trợ, tổ chức ăn Tết tại công trường để anh em yên tâm làm việc.

Tranh thủ những ngày khô ráo, Tết này, các kỹ sư và công nhân của cả Nhật Bản và Việt Nam vẫn thi công 3 ca liên tục để đảm bảo tiến độ chung với dự án cầu Nhật Tân. Thời gian của dự án không còn nhiều. Theo kế hoạch, cuối năm 2014, công trình đã đưa vào khai thác trong khi hiện nay, chưa có gói thầu nào được coi là cơ bản hoàn thành. Vì thế, tập trung thi công xuyên Tết gần như là yêu cầu bắt buộc để đẩy tiến độ chung lên cao nhất.

Đại diện nhà thầu Tokyu, ông Hiroshi Asakami cho biết: “Năm 2013 là năm đặc biệt quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nên, dẫu có ăn Tết ngay trên công trường, chúng tôi vẫn rất vui...”. Đây đã là cái Tết thứ hai ông cùng hơn 50 kỹ sư, chuyên gia người Nhật ăn tết tại Việt Nam, trên công trường cầu Nhật Tân. Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) cũng xác định, năm 2013 là “cực kỳ quan trọng” đối với dự án cầu Nhật Tân, kịp hoàn thành các hạng mục lớn, đưa công trình về đích đúng yêu cầu (dự kiến tháng 10-2014).

Dự án cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng. Hiện nay, gói thầu xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc đã hoàn thành gần 59% tổng khối lượng công việc. Dự án có tổng chiều dài gần 9km, đi qua địa bàn huyện Đông Anh và quận Tây Hồ, trong đó, cầu chính là khoảng 3,7 km. Được mệnh danh là cây cầu dây văng hiện đại nhất Việt Nam, song, dự án vẫn bị chậm tiến độ do các vướng mắc trong công tác GPMB.

Không chỉ ở Hà Nội, cũng trong những ngày Tết, khi khắp nơi đều là không khí lễ hội, tiếng máy, tiếng cười vẫn rộn rã tại nhiều công trình trọng điểm trên cả nước. Hàng nghìn kỹ sư, công nhân vẫn vào ca từ 5h sáng. Theo Ban Điều hành dự án Thủy điện Lai Châu (Tổng Công ty Sông Đà) - đơn vị tổng thầu, dịp Tết Quý Tỵ, trên công trường, luôn có khoảng 500 cán bộ, công nhân của các đơn vị ở lại làm việc. Nhiều anh em cùng chung tâm sự: “Dân thủy điện đón Tết xa nhà là lẽ thường tình. Cũng nhớ nhà, nhớ vợ con chứ, thèm Tết quê lắm, nhưng công việc vẫn là công việc, phải bám trụ công trường để giữ nhịp tiến độ. Nhiều năm lăn lộn có lẽ cũng đã thành quen...”.

Tin cùng chuyên mục