Tiếng Hà Nội hội tụ tinh túy bốn phương

ANTĐ - Tiếng Hà Nội đã trở thành một “siêu phương ngữ”,  hội tụ tinh hoa của văn hóa kinh kỳ. Mặc dù đã có nhiều cuộc bàn luận về việc tiếng Hà Nội có còn được coi là chuẩn mực hay đang bị mai một thì đây vẫn được coi là vốn di sản quý báu mà người Hà Nội cần gìn giữ. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với PGS. TS Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội về vấn đề này. 
Tiếng Hà Nội hội tụ tinh túy bốn phương ảnh 1
Lớp trẻ vẫn đang giữ gìn sự tinh tế, ý nhị trong lời ăn tiếng nói của người Hà Nội

Bốn phương đọng về

-PV: Nghiên cứu nhiều năm về ngôn ngữ Phó Giáo sư có thể cho biết, tiếng nói người Hà Nội đang sử dụng có nguồn gốc từ đâu? 

- PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa: Để xác định được tiếng Hà Nội gốc đòi hỏi phải nghiên cứu một cách toàn diện và những bằng chứng thuyết phục. Xét về lịch sử, từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La (sau đổi tên thành Thăng Long năm 1010), thì người Hà Nội cư trú chủ yếu ở hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương thuộc phủ Phụng Thiên. Đây chính là khu vực 36 phố phường Hà Nội xưa. Cư dân hai huyện này được coi là người Hà Nội sinh sống lâu đời và hậu duệ của họ có thể được coi là người Hà Nội gốc, do đó, cũng có thể coi tiếng nói của họ là tiếng Hà Nội gốc.

- Tiếng Hà Nội ngày nay được phát triển và hình thành như thế nào?

- Tiếng nói Hà Nội được sử dụng trong suốt hàng nghìn năm xây dựng và phát triển Thăng Long – Hà Nội. Nhưng cho đến ngày nay, nó đã có một diện mạo mới, không còn là “thổ ngữ” của Vĩnh Thuận, Thọ Xương nữa. Tiếng Hà Nội chịu sự bồi đắp của cả những người đến cư trú, làm ăn tại đây. Họ hòa theo phương ngữ của những người ở Hà Nội, biết sử dụng nó nhưng cũng chắt lọc những gì tinh hoa, hợp lý với khế ước cộng đồng. Điều đó đã khiến tiếng Hà Nội được hội tụ, kết tinh, lan tỏa, trở thành một “siêu phương ngữ” không chỉ của vùng châu thổ sông Hồng, mà của 3 miền Bắc - Trung - Nam, coi đó như sự hội tụ của bốn phương đọng về Thăng Long - Hà Nội. 

- Vậy cơ sở nào để tiếng Hà Nội trở thành tiếng nói của toàn dân?

- Tuy không phải đại diện cho ngôn ngữ toàn dân nhưng có thể khẳng định tiếng Hà Nội là cơ sở của tiếng Việt tiêu chuẩn, kể cả về phát âm, thanh điệu. Ngay trong giao tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếng Hà Nội được sử dụng với tỉ lệ phổ biến nhất cho mọi vùng miền. Tiếng Hà Nội nếu nhìn từ phương diện ngôn ngữ thuần túy thì cũng giống như tiếng các vùng miền khác. Nhưng nó có sự hội tụ của bốn phương do vị thế chính trị xã hội mà các thứ tiếng khác không có. Hơn nữa, xét từ chức năng xã hội, tiếng Hà Nội có một vị thế vô cùng quan trọng: nó là tiếng nói của Thủ đô nghìn năm văn hiến.  

Tấm gương phản ánh văn hóa Hà Nội 

- Đặc trưng làm nổi bật tiếng nói của người Hà Nội là gì, thưa ông? 

- Trước hết đó là sự chuẩn xác về phát âm, thanh điệu. Về mặt ngữ điệu, nó cũng rất dễ nghe. Trong giao tiếp dùng hư từ đệm vào, làm cho khi phát ngôn dễ thu hút được người nghe. Chẳng hạn khi nghe điện thoại, có thể chưa biết đầu dây bên kia là ai nhưng người Hà Nội thường “Alô ạ”, hay “Tôi xin nghe ạ”. Ngay cả trong chuyện cảm ơn, xin lỗi, người Hà Nội cũng dùng những từ khiến người đối thoại hài lòng. Tôi thấy như vậy rất hay, rất đẹp chứng tỏ sự tinh tế, ý nhị trong lời ăn tiếng nói của người Hà Nội. 

- Việc sử dụng tiếng Hà Nội có vai trò như thế nào trong các gia đình xưa?

- Có thể dễ dàng nhận ra, trong các gia đình ở phố cổ Hà Nội trước đây, tiếng Hà Nội được sử dụng một cách rất lễ nghi, nền nếp. Giữa con cái với bố mẹ bao giờ cũng thưa gửi, cũng phải “gọi dạ, bảo vâng”. Trong bữa cơm của người Việt - vốn mang tính chất cộng đồng, dấu ấn ngôn ngữ càng rõ rệt. Khi đã ngồi vào bữa cơm, con cháu luôn mời những bậc cao tuổi, khi ăn xong trước thì lễ phép “Con thôi ạ” , “Con xin phép thầy mẹ/ông bà!”… Như vậy, trong giao tiếp, tiếng nói có thể coi là tấm gương phản ánh nét văn hóa người Hà Nội, rất kín đáo, rất thanh lịch. 

 - Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, tiếng Hà Nội đang bị mất đi sự chuẩn xác, thậm chí bị pha tạp. Quan điểm của ông?

- Tiếng Hà Nội được coi là chuẩn về thanh điệu. Nhưng theo thời gian, để cho dễ nghe, người ta không phát âm thật chuẩn âm “r”, “gi”, “tr” hay “s” (mặc dù vẫn viết đúng chính tả), trong khi người Nghệ Tĩnh lại phát âm rất đúng. Nhưng cách phát âm này của người Hà Nội lại dễ dàng được chấp nhận vì nó rất “phổ thông”. Một ví dụ nữa là tiếng Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ dấu sắc, làm cho cao độ của lời nói được dịu xuống, nghe rất lọt tai. Tôi không cho rằng tiếng Hà Nội hiện nay đang bị pha tạp. Những gì không đẹp, không chuẩn mực, không được cộng đồng chấp nhận khi “du nhập” vào tiếng Hà Nội và trải qua sự sàng lọc, nó sẽ tự động mất đi. Điều này chứng minh có sự hội tụ tinh hoa bốn phương làm nên sự ưu việt của tiếng Hà Nội. 

- Xin cảm ơn PGS. TS Nguyễn Xuân Hòa về cuộc trò chuyện!