Tiến vào sân sau

ANTĐ - Các chuyến thăm liên tiếp đến các nước Mỹ Latinh của Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy cuộc đua giữa các cường quốc giành giật ảnh hưởng ở khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ ngày càng nóng lên.

Nga, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ đã hình thành nhóm Brics
nhằm mở rộng ảnh hưởng trên thế giới

Tiềm năng của Mỹ Latinh là điều hấp dẫn với bất cứ đối tác nào. Với dân số hơn 600 triệu người cùng với sự giàu có của các nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu lửa, khu vực này luôn nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư. Vượt qua các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dự đoán kinh tế Mỹ Latinh có thể tăng trưởng 3,6% năm nay và 4,1% năm 2015, thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Chính vì thế, sự xuất hiện liên tiếp của hai “ông lớn” là Nga và Trung Quốc đến khu vực này, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới liên tục biến động với những thay đổi lớn về địa chính trị, không phải là điều bất ngờ. Trước hết là với Nga, với hàng loạt các thỏa thuận được ký với Cuba, Argentina và Brazil, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, chuyến công du của ông V. Putin được đánh giá là chuyến đi “lịch sử”, khẳng định Nga là một cường quốc thế giới chứ không phải chỉ ở tầm khu vực.

Không chỉ nhằm mục tiêu mở rộng hoạt động đầu tư và thương mại, ông V. Putin còn hướng tới mục tiêu lớn hơn là có được những đối tác quan trọng trong chiến lược “hóa giải” những tác động kinh tế tiêu cực cũng như tình trạng bị cô lập do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nhiều nhà phân tích cho rằng, động cơ của Nga trong thỏa thuận dầu khí với Cuba là “trả đũa” sự can thiệp của Mỹ ở Ukraine và việc Nga sẽ thăm dò dầu khí chỉ cách bờ biển Mỹ vài chục kilômét đúng là một “cái dằm” trong mắt người Mỹ.

Còn với Trung Quốc, việc ông Tập Cận Bình hai năm liên tiếp đến Mỹ Latinh cho thấy là Trung Quốc quyết tâm áp đặt sự hiện diện của mình tại một khu vực đầy tiềm năng này. Trong bối cảnh các cuộc xung đột chính trị trên thế giới luôn đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ, Trung Quốc buộc phải đa dạng hóa nguồn cung để giảm bớt rủi ro và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nước này. Mỹ Latinh - khu vực được đánh giá là dồi dào tài nguyên năng lượng - trở thành một trong những đầu mối quan trọng của Trung Quốc.

Đây chính là lý do để Trung Quốc không ngần ngại đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tại khu vực này. Con số 20% trong tổng số 90 tỷ USD Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài năm ngoái có điểm đến là Mỹ Latinh và Caribbean cho thấy rõ mục tiêu này của Trung Quốc. Không những thế, các nhà phân tích cho rằng với chuyến thăm Mỹ Latinh lần này, ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc là một lựa chọn thay thế Mỹ ở Mỹ Latinh. Công cụ để thực hiện mục tiêu đó là trao đổi thương mại hiện đã lên đến 260 tỷ USD mỗi năm.

Có thể nói, với “củ cà rốt năng lượng” với các nước Mỹ Latinh, Nga đang tìm cách phá thế cô lập ngày càng tăng do Mỹ và phương Tây dựng lên với nước này. Còn với chính sách “tấn công thiện cảm” với các lãnh đạo Mỹ Latinh, Trung Quốc khẳng định lợi ích ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại khu vực giàu tài nguyên này. Mối quan hệ truyền thống lâu nay giữa Mỹ và khu vực Mỹ Latinh đang bị các đối thủ nặng ký đe dọa. Cuộc đua giành giật Mỹ Latinh chắc sẽ còn gay cấn.