Tiền và tổ ấm: Có dễ đi cùng nhau?

ANTĐ - Tôi đã từng nghĩ, trong thế kỷ 21 này sẽ chẳng bao giờ còn chỗ cho tình yêu "một túp lều tranh hai trái tim vàng" nữa, mà để duy trì được hạnh phúc gia đình một cách toàn vẹn, yếu tố cần và đủ phải gồm cả vật chất và tình cảm.

Hay nói đúng hơn thì "vật chất nuôi sống tình yêu". Từ suy nghĩ rất thực tế ấy, tôi - người đàn ông được giao trọng trách trụ cột gia đình - sau khi lấy vợ, đã lao đầu vào công việc, cả ngày chỉ biết kiếm tiền và kiếm tiền. Đến khi có tiền rồi, thậm chí là nhiều tiền, nhìn lại thì thấy tổ ấm của mình đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm: vợ hỏng, con hư. Đau đớn, chán chường, tôi nhận ra cây hạnh phúc không chỉ được nuôi dưỡng bằng tiền. Nhưng tất cả dường như đã muộn...

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức vùng ven ngoại thành Hà Nội, bố mẹ đều là giáo viên. Gần 40 năm về trước, đồng lương của người theo nghề giáo chỉ ba cọc ba đồng, bố mẹ vất vả lắm mới nuôi được ba anh em tôi ăn học thành người. Tôi vẫn nhớ như in, cứ 3 giờ sáng, khi anh em tôi còn say giấc, thì bố mẹ đạp xe sang tận thị xã lấy các đồ khô về bán ngoài chợ. Nào là khoai tây, hành khô, cá mắm, tép riu...

Ngày đó học sinh tiểu học mới chỉ phải học một buổi một ngày chứ chưa phải học cả ngày như bây giờ, bố mẹ dạy xong buổi sáng, buổi chiều lại mang đồ ra chợ bán, kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu. Những bữa cơm độn khoai, độn sắn, cơm ít sắn nhiều và sự vất vả nhọc nhằn của bố mẹ như một động lực cho cả ba anh em tôi cố gắng học tập và trở thành người có ích cho xã hội.

Là anh cả trong gia đình, tôi luôn cố gắng học giỏi để làm gương cho các em. Bố mẹ cũng định hướng nghề nghiệp cho tôi khi tôi học hết phổ thông, nhưng định hướng của bố mẹ không trùng hợp với sở thích của tôi. Dù không thật sự thích con trai mình phải lăn lộn theo những công trình nhưng bố mẹ cũng tôn trọng và chiều theo khả năng và ước mơ của tôi: trở thành kỹ sư xây dựng tương lai, để "đi xây những ngôi nhà cao, cao mãi..." và tôi cũng hi vọng với ngành này, tôi có thể kiếm thu nhập khá báo đáp công ơn bố mẹ và lo cho gia đình nhỏ sau này của mình. Sau năm năm, tôi đã là một kỹ sư xây dựng trẻ, với lòng nhiệt huyết và say mê, tôi đi theo những công trình dọc chiều dài đất nước. Và trong những chuyến đi ấy, tôi gặp và yêu em - một cô gái xứ Nghệ dễ thương với giọng nói ngọt ngào.

Sinh ra và lớn lên trên miền quê nghèo khó, quanh năm nắng và gió ấy, em luôn mong mình được sống một cuộc sống mới, không còn phải quẩn quanh với cái nghèo đeo bám nữa. Tôi yêu em bởi sự phấn đấu ấy, khi em quyết tâm học hành tới nơi tới chốn để thoát ly, và sự cố gắng đã không phụ lòng em, em xin vào làm trong phòng Văn hóa huyện. Gặp và yêu tôi, người con trai Bắc, em nói nguyện cả cuộc đời làm hậu phương cho tôi. Tôi từng yêu biết bao nhiêu người con gái có tấm lòng thủy chung ấy, tự nhủ sẽ làm việc thật nhiều, thật cố gắng để mang lại cho em một cuộc sống khá giả, một hạnh phúc trọn vẹn, có biết đâu em đã phản bội lại tình yêu và niềm tin của người chồng chỉ suốt ngày kiếm tiền lo cuộc sống đủ đầy cho em...

Tôi đưa em về Bắc, về vùng ven ngoại thành Thủ đô năm tôi 27 tuổi. Lúc đó, tôi chưa có gì trong tay để làm chỗ dựa vững chắc cho em. Nhưng bố mẹ thương con, cả đời tích cóp, dành dụm, ông bà xây cho hai vợ chồng tôi một ngôi nhà nhỏ. Những ngày tháng hạnh phúc cũng trôi qua khi cuộc sống còn khó khăn, đứa con trai đầu lòng ra đời khiến gia đình lại càng thêm eo hẹp về kinh tế. Tôi vẫn đi theo những công trình nhưng tiền lương của người kỹ sư trẻ không thể đủ để trang trải cho gia đình nhỏ của tôi. Thương vợ, thương con phải sống tằn tiện, tôi cố gắng làm việc nhiều hơn. Tôi biết nếu cứ theo đuổi mãi cái niềm đam mê của mình thì không thể thay đổi cuộc sống hiện tại. Đúng khi đó, gặp lại một người bạn thân hồi cấp ba, chúng tôi bàn với nhau mở công ty riêng. Thông qua các mối quan hệ, sẽ có nhiều dự án xây dựng mà chúng tôi sẽ là chủ đầu tư.

Hướng làm ăn mới làm tôi hứng thú vì tin rằng không lâu nữa, khi công ty có uy tín, nguồn thu nhập sẽ cao hơn để vợ con có cuộc sống thoải mái hơn. Thế là tôi lao đầu vào việc tìm hiểu thị trường xây dựng trong nước, các dự án, các mối quan hệ. Ba năm sau, công ty đã đi vào hoạt động ổn định và uy tín, bằng công sức và mồ hôi, chúng tôi khai thác được ngày càng nhiều những dự án lớn, mà số tiền đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa cuộc sống của gia đình tôi dễ thở hơn trước, số tiền vay nợ khi chung vốn mở công ty cũng được trả dần dần rồi hai năm sau cũng hết. Những ngày ấy, khi con mới lên bốn tuổi, dù công việc khiến tôi đôi khi mệt mỏi nhưng niềm vui, hạnh phúc của vợ và con trai là động lực thúc đẩy tôi cố gắng hơn, những mệt mỏi dường như tan biến hết.

Tôi làm việc hăng say hơn, những chuyến công tác dài ngày cứ thường xuyên trong tuần, trong tháng, và bản thân tôi cũng đóng góp cho thành công của công ty cũng nhiều hơn. Với nguồn thu nhập khá, vợ chồng tôi giúp đỡ bố mẹ, các em và tính chuyện xây nhà lầu, mua xe hơi. Khi con trai 10 tuổi, tôi đã vững về kinh tế, vợ con muốn gì tôi đều chiều theo, với ý nghĩ bù đắp những năm tháng khó khăn trước đây. Tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ có tiền mới đảm bảo được hạnh phúc nên dù kinh tế đã ổn định nhưng tôi vẫn tham công tiếc việc. Tôi luôn tin mình làm tất cả vì vợ con, vì hạnh phúc sau này của cả gia đình nên không nghĩ có một ngày vợ phản bội, con trai được chiều quá hóa hư.

Tôi sẽ mãi bằng lòng và tự hào về sự phấn đấu vượt bậc của mình nếu không có ngày, cô giáo chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường nơi con tôi học có giấy triệu tập vì cháu lười làm bài tập, hay gây sự đánh nhau và luôn khoe “nhà có tiền”, thầy cô giáo trong trường nhắc nhở thì cháu không hề tiếp thu. Tôi ngã ngửa, vừa giận, vừa lo cho tương lai của con. Thường ngày do công việc bận rộn, tôi không quan tâm tới việc học hành của con mà tất cả đều trông cậy vào bàn tay vợ. Nếu chỉ có vấn đề của con trai thì mọi chuyện còn nhẹ nhàng. Một ngày, tôi bàn với vợ sinh thêm em bé.

10 năm qua, vợ chồng tôi thống nhất, khi điều kiện kinh tế khá giả hơn thì mới sinh thêm để con không phải khổ. Khi tôi nói với vợ nên có thêm con, thì vợ tủm tỉm cười (cái nụ cười tủm tỉm như thật đó đến bây giờ tôi vẫn thấy bực mình): "Vợ chồng mình vỡ kế hoạch được gần một tháng rồi, em định nói với anh mà thấy anh bận quá". Tôi hân hoan trong niềm vui sướng, thấy yêu vợ hơn biết bao khi vợ luôn mang tới cho tôi những bất ngờ hạnh phúc. Nào ngờ, một hôm, mời đối tác làm ăn ra quán cafe, tôi bắt gặp vợ tôi đang lả lơi trong vòng tay của một người đàn ông đầu trọc bụng phệ.

Không muốn tin vào mắt mình rằng người đàn bà ấy là người vợ bao năm má ấp tay kề nhưng tôi không thể phủ nhận cái sự thật phũ phàng đang diễn ra ngay trước mặt. Và đau đớn hơn, khi tôi hỏi, vợ tôi đã thừa nhận mình ngoại tình từ rất lâu, bởi tôi cứ đi công tác ngày này qua tháng khác mà nhu cầu sinh lý của người phụ nữ gần 40 lại vô cùng mãnh liệt. Những lời nói ong ong bên tai, trời đất như sụp đổ khi tôi biết, cái thai đang lớn dần trong bụng vợ cũng không phải là giọt máu của tôi. Tôi tìm tới rượu để quên đi nỗi bất hạnh của mình. Nhưng càng uống lại càng tỉnh, càng đau. Phải làm sao đây khi có tiền, thậm chí nhiều tiền, tôi cũng không giữ được hạnh phúc? Ước gì thời gian quay trở lại để tôi thay đổi suy nghĩ thiếu chín chắn của mình...