Tiến trình không dễ dàng tái khởi động đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Cho dù lãnh đạo cấp cao nhất đã thỏa thuận sớm nối lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song việc hai bên Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi lại tái khởi động tiến trình này không hề dễ dàng như mong muốn ở cấp Thượng đỉnh.

Tiến trình không dễ dàng tái khởi động đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên ảnh 1Người dân Hàn Quốc hết sức lo lắng khi theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên

Tổng Thống Mỹ Donald Trump ngày 3-8 đã “nối máy” để trực tiếp thông báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng ông “chấp nhận” các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên kể từ tháng 5 vừa qua. Cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa thứ ba trong hơn một tuần qua.

Thái độ được xem là “mềm mỏng” bất thường trên đây của Tổng thống Donald Trump vốn nổi tiếng cứng rắn và quyết đoán trong các vấn đề đối ngoại khiến dư luận quốc tế không khỏi ngạc nhiên. Theo như giải thích của Tổng thống Donald Trump, sở dĩ chính quyền của ông chấp nhận các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thời gian qua là do muốn quốc gia Đông Bắc Á này tiếp tục tham gia đàm phán và tránh để mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đổ vỡ.

Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ngỡ được “mở toang” khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra tháng 6-2018 ở Singapore đã đạt được cam kết được đánh giá là đột phá này. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, cả Mỹ và Triều Tiên mới thấy vô cùng khó khăn bởi lập trường và đòi hỏi còn cách biệt nhau quá lớn giữa hai quốc gia này.

Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vì thế đã giẫm chân tại chỗ suốt thời gian hơn một năm qua cho dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội tháng 2 năm nay đã giúp hai phía Mỹ và Triều Tiên hiểu một cách rõ ràng quan điểm và yêu cầu của nhau. Đó được xem là cơ sở để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) hồi cuối tháng 6 vừa qua đạt được thỏa thuận về việc nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Thế nhưng, thực tế một lần nữa cho thấy việc đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa ở cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên dễ hơn nhiều việc cụ thể hóa cam kết này trên thực tiễn. Không những chưa thể “sớm nối lại đàm phán” về phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên làm tình hình bán đảo này còn trở lên căng thẳng hơn với hàng loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, trong đó diễn ra tới 3 vụ trong hơn một tuần qua, bao gồm cả thử nghiệm “loại tên lửa mới nhất” của Triều Tiên.

Những vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên khiến hai đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản hết sức lo lắng về động thái mà họ cho là “leo thang” từ Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia khi quan sát các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên đã nhận định rằng, hoạt động thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng là động thái nhằm thúc ép Mỹ sớm có hành động cụ thể khi mà nhiều yêu cầu của họ trong thời gian qua không được đáp ứng. 

Nhìn thoáng qua có thể thấy khá khó hiểu khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lại có thể “mềm mỏng” tới vậy trước việc gây áp lực từ Bình Nhưỡng, nhất là nếu soi chiếu vào phản ứng đầy cứng rắn của  Washington với Iran ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Tổng thống  Donald Trump suốt thời gian hơn một năm qua đã coi cam kết phi hạt nhân hóa đạt được với Triều Tiên là một thành tựu lấy đây làm một “điểm sáng đối ngoại” trong quá trình tái tranh cử sắp tới. Dưới góc nhìn này, đàm phán phi hạt nhân Mỹ-Triều chắc sẽ sớm diễn ra cho dù kết quả cuối cùng có để ngỏ đi chăng nữa.