Tiền tiết kiệm bắt đầu “chạy” khỏi ngân hàng: Không đáng lo

ANTĐ - Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc chấn chỉnh thực hiện quy định về mức lãi suất bằng tiền đồng Việt Nam và đồng USD được xem là “cây gậy” có đủ sức mạnh để các tổ chức tín dụng phải tuân thủ. Với mức lãi suất huy động tối đa không vượt quá 14%/năm, nhiều người dân đã rút tiền khỏi ngân hàng.

Lãi suất về mức 14% khiến nhiều người quyết định rút tiền


Chán tiết kiệm…

Đang được hưởng lãi suất 18-19%/năm, khi các ngân hàng buộc phải tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trần lãi suất huy động khiến nhiều khách hàng không tránh khỏi hụt hẫng. Với mức lãi suất khi gửi tiền không vượt quá 14%/năm, nhiều khách hàng đã quyết định rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực khác với hy vọng sinh lời cao hơn.

Chị Vũ Thu Thủy (quận Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết: “Vợ chồng tôi có khoản tiết kiệm gần 300 triệu đồng, nhờ người quen ở ngân hàng nên trước đây có thể gửi với lãi suất lên tới 18,5%/năm. Tuy nhiên, mới đây các ngân hàng buộc phải điều chỉnh theo quy định của NHNN nên người gửi tiền cũng không còn được hưởng lãi suất cao như vậy. Mức lãi suất 14% như hiện nay khiến tôi thấy không còn đủ hấp dẫn, do đó tôi quyết định rút 200 triệu đồng để đầu tư vào cửa hàng quần áo của một đồng nghiệp”.

Rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào các kênh khác, nhiều người đang hy vọng có thể thu lợi cao hơn khi gửi ngân hàng. Ông Hàn Ngọc Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, kể từ 7-9 (bắt đầu áp dụng lãi suất huy động 14% theo chỉ thị) đến nay, khách hàng đã rút ra gần 1.000 tỷ đồng. Trong ngắn hạn nếu tình trạng này vẫn diễn ra, hệ thống ngân hàng có thể sẽ không chịu đựng được.

Theo giám đốc một ngân hàng thương mại, việc áp dụng lãi suất huy động cùng một mặt bằng khiến các ngân hàng nhỏ chịu nhiều thiệt thòi vì với mức lãi suất như nhau thì người gửi tiền sẽ chọn ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, tình trạng người gửi tiền không mặn mà với lãi suất 14% đã rút tiền khỏi tài khoản cũng tăng lên. Ngân hàng khó nắm bắt việc người dân rút tiền sẽ đầu tư vào đâu, nhưng có thể thấy đây là một tín hiệu đáng lo ngại nhất là với các ngân hàng nhỏ.

Báo cáo hoạt động ngân hàng 8 tháng đầu năm do NHNN Chi nhánh TP Hà Nội mới công bố cho thấy, trong các tháng 5, 6 và 7 năm nay, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng Hà Nội liên tục giảm so với năm ngoái.

Đầu tư vào đâu cũng khó

Nhận định về việc các ngân hàng vẫn huy động vượt 14%/năm, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, đây là do việc chấp hành kỷ cương chưa thành thói quen. Người ta vẫn hy vọng vào một cái gì đó không nghiêm. Một số chi nhánh ngân hàng được khoán chỉ tiêu tiền gửi nên họ “làm liều”. Ngoài ra cũng phải thấy rằng áp lực về thanh khoản của các ngân hàng nhỏ là có thật.

Tuy nhiên đứng về lý thuyết thì áp lực này không tồn tại vì lãi suất 14%/năm là đủ lãi suất dương. Tính từ tháng 8 khi CPI còn 0,93% thì đứng về lạm phát kỳ vọng không quá 12% trong khi lãi suất huy động là 14%. Đây cũng là lý do NHNN kiên quyết thực hiện mức lãi suất huy động tối đa như trên.

Bức xúc thanh khoản là tùy từng ngân hàng và tùy từng chi nhánh, cùng một mức lãi suất nhưng nghịch lý của biện pháp hành chính là người có tiền sẽ gửi ở ngân hàng lớn. Mức độ vi phạm là tín hiệu chứ không nhiều và không phản ánh tư tưởng của ngân hàng hội sở.

Khi người gửi tiết kiệm rút tiền thì dòng tiền có thể chảy vào các thị trường như chứng khoán, bất động sản lại cứu được 2 thị trường này. Phần rút ra là tín hiệu tốt chứ không đáng ngại vì về mặt thanh khoản đã được NHNN tháo gỡ ở Thông tư 13. Việc rút ra cũng sẽ chỉ đến một ngưỡng nào đó vì nếu có tiền trong tay nhiều người cũng chưa biết đầu tư vào đâu để có được lãi suất 14%. Việc rút tiền ra cũng không có ảnh hưởng tới lạm phát, vì với lãi suất 14% là đủ hấp dẫn để kéo tiền vào làm cho tổng lượng tiền lưu thông giảm xuống. Phần rút ra cũng sẽ có một phần được đưa vào doanh nghiệp tạo ra GDP. Nếu lãi suất vẫn cao thì doanh nghiệp sẽ rất khó thở.

Ông Dương cũng chia sẻ: “Nếu tôi có 1 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, tôi cho rằng nếu cầm tiền đầu tư vào chứng khoán thì lãi suất sẽ thực âm nếu không phải là chuyên gia. Nếu đầu tư vào sản xuất chỉ được lợi nhuận 2% đến 10% so với 14% và lạm phát là không đủ hấp dẫn. Đầu tư vào bất động sản cũng không ăn thua. Người ta rút ra rồi sớm muộn cũng sẽ gửi vào nếu không kiếm được kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn”.

“Chặn” huy động vượt trần: Quan trọng là bản thân ngân hàng

Tiền tiết kiệm bắt đầu “chạy” khỏi ngân hàng: Không đáng lo ảnh 2

 Xung quanh việc một số ngân hàng thương mại vi phạm quy định về mức trần lãi suất huy động, cũng như quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội trong việc siết chặt quản lý, giám sát những sai phạm trong việc thực hiện quy định về lãi suất, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh HN đã có cuộc trao đổi với báo chí.

- Bà đánh giá thế nào về việc thực hiện lãi suất huy động không quá 14% của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội?

- Qua kiểm tra, một tuần đầu sau khi Chỉ thị 02 ban hành, đa số các ngân hàng đều thực hiện nghiêm túc. Nhưng, để sự nghiêm túc này được lâu dài, các ngân hàng không “lách”, không biến tướng lãi suất là một bài toán cần sự nỗ lực của không chỉ NHNN mà còn cả chính bản thân các ngân hàng.

- Một số ngân hàng tốn nhiều công sức để nghĩ cách “lách luật”, như vậy công tác thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn gì thưa bà?

- Có một thực tế là NHNN dù có nghìn tay nghìn mắt cũng khó mà kiểm soát hết được. Hiện, Hà Nội có đến 2.060 điểm giao dịch; cán bộ NHNN không đủ để đến từng Phòng giao dịch giám sát, kiểm tra thường xuyên. Mà kể cả, chúng tôi đủ lực lượng để ở mỗi điểm giao dịch có một cán bộ tín dụng của NHNN thì cũng khó mà phát hiện được hết. Bởi thế, vấn đề cốt lõi và quan trọng là bản thân ngân hàng đó, từ lãnh đạo đến nhân viên phải có ý thức tuân thủ các quy định. Thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động, người hưởng lợi đầu tiên là chính bản thân các ngân hàng.

- Những biện pháp gì sẽ được NHNN áp dụng để xử lý dứt điểm tình trạng “đi đêm” lãi suất ?

- Thời gian tới, NHNN thành phố Hà Nội dự kiến áp dụng hàng loạt biện pháp thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo thực thi chính sách tiền tệ. Kiên quyết không để tình trạng các ngân hàng thực hiện các biện pháp không lành mạnh trong cạnh tranh về huy động vốn, đẩy lãi suất huy động thực tế vượt trần 14%.