Tiến sĩ khảo cổ ra sách về chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội thế kỷ 20

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tiến sĩ cổ sinh vật học Vũ Thế Long có những nghiền ngẫm thú vị về nghệ thuật ẩm thực qua cuốn sách ‘Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời’. Ông cũng thú thực, ban đầu là liều vì chủ quan nghĩ rằng đã là người Hà Nội thì thế nào cũng viết được. Cầm bút lên mới thấy bí. Ngay định nghĩa thế nào là người Hà Nội cũng đã bí rồi. Đâu cứ phải sống lâu ở Hà Nội hay tổ tiên gốc gác nhiều đời ở Hà Nội thì mới là người Hà Nội.

Tác giả Vũ Thế Long sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông là Tiến sĩ, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lich sử văn hóa, nguyên Trưởng ban nghiên cứu con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Ông có một niềm đam mê là tìm hiểu về nghệ thuật ẩm thực. Không chỉ khởi xướng chương trình “Bếp Việt” trên sóng truyền hình VTV2, mà Tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long còn là ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Ông bộc bạch: "Bố mẹ tôi đều quê ở Hà Nội. Hầu như cả đời các cụ sống ở Hà Nội. Theo gia phả để lại thì ông bà, cụ kỵ của bố mẹ tôi cũng ở Hà Nội. Tương tự như vậy, ông bà, cụ kỵ bên vợ tôi cũng sinh thành và lập nghiệp ở Thăng Long. Không kể khoảng thời gian chiến tranh xa cách hoặc các dịp học hành công tác phải xa Hà Nội dăm năm, còn lại, đa phần thời gian tôi sống trong lòng Hà Nội quê tôi.

Cuốn sách "Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Cuốn sách "Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Về lý lịch, tôi là người Hà Nội. Gia đình tôi là gia đình Hà Nội. Còn hiểu biết về văn hóa Hà Nội thì có nhiều người tuy không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thậm chí có cả những người nước ngoài chưa từng có dịp được sống lâu ở Hà Nội, nhưng kiến thức về Hà Nội thì mấy ai sánh bằng".

Với một lý lịch Hà Nội gốc rõ ràng như vậy nên khi liều viết về chuyện ẩm thực Hà Nội, ông vướng ngay từ khâu định nghĩa thế nào là người Hà Nội. Hơn nữa, lại bàn về chuyện ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa.

Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới.

Do vậy, để tìm cách tiếp cận được với văn hóa ăn uống của Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Thế Long chỉ viết ra những gì mà một người ở lứa tuổi như ông, được sống ở Hà Nội biết mình đã uống gì, ăn gì, gia đình những người quanh mình ở các lứa tuổi, các thế hệ đã ăn uống ra sao.

Bởi suy cho cùng, ăn uống cũng là một nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật, xưa nay người ta thường nêu 7 thứ nghệ thuật, gồm có: Âm nhạc, kịch, múa, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh và nghệ thuật thứ bảy là điện ảnh. Hình như trước đây, chưa mấy ai chú ý đến ăn uống.

Tiến sĩ Vũ Thế Long

Tiến sĩ Vũ Thế Long

"Người ta nói miếng ăn là miếng nhục, kẻ sĩ thì coi chuyện ăn, chuyện uống là chuyện tầm thường. Tuy nhiên, trên thực tế, chính Nho gia, kẻ sĩ lại là những người rất cầu kỳ trong chuyện ăn uống. Tầng lớp kẻ sĩ ở Hà Nội xưa đã góp phần tích cực để Hà Nội hóa các kiểu ăn uống dân gian và sáng tạo ra những lối ăn uống riêng của Hà Nội", tác giả nói.

Bước vào những trang sách của "Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời", tựa như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao.

Theo đó, cùng với việc đô hộ gần một trăm năm của người Pháp, những ảnh hưởng của các nhà truyền đạo phương Tây, của một số tôn giáo, của các luồng di cư Bắc Nam, Đông Tây xuôi ngược, của chiến tranh triền miên, lối ăn uống của người Hà Nội cũng đã có nhiều biến đổi.

Cùng với những đồ ăn thức uống truyền thống, người Hà Nội đã làm quen dần với những đồ ăn thức uống phương Tây, đồ ăn thức uống Trung Quốc... Không những chỉ học hỏi mà còn đồng hóa, tạo thành những kiểu ăn uống riêng của người Hà Nội.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và nhất là sau năm 1954, với công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa và làn sóng giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ theo các chiều hướng khác nhau, nhiều kiểu ăn uống từ các vùng miền trong nước, từ các nước khác bằng nhiều con đường du nhập vào Hà Nội đã làm cho nghệ thuật ăn uống của người Hà Nội ngày càng phong phú hơn.

Poscard của cuốn sách "Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Poscard của cuốn sách "Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Để hiểu được phần nào về đồ ăn thức uống và lối ăn uống của người Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, Tiến sĩ Vũ Thế Long đã tìm gặp các cụ cao niên ở Hà Nội để xin nghe kể về cái sự ăn, sự uống đơn giản cũng như cầu kỳ, chuyện đời thường mà các cụ đã từng trải trong cuộc đời mình. Thêm vào đó là tự nghiệm của chính tác giả: Một người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 đầy biến động.

"Chuyện ăn, chuyện uống nghe được từ các cụ không nhiều. Do các cụ tuổi đã cao, chuyện nọ xọ sang chuyện kia. Từ chuyện ăn uống lại sang chuyện đời. Thế mới thấy cái ăn, cái uống của người Hà Nội xưa nay nó cũng thăng trầm làm sao, thi vị biết bao", tác giả "Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời" tiết lộ.

Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.