35 năm ngày quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng (kỳ cuối):

Tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân thù

ANTĐ - Hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng Pai Lin, Trung đoàn 66 nhận nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở Bắc và Nam đường số 10, tham gia vận động quần chúng xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân.
Do phải làm nhiệm vụ truy quét địch trên địa bàn núi cao rừng rậm, thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt, đồng thời sức khỏe giảm sút vì chiến đấu trong thời gian dài, nên nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị sốt rét, một số đã bị tử vong. Trong khi đó, xe tăng và bộ binh địch liên tục phản kích ra đường số 10. Các đơn vị vừa đánh địch, vừa cứu chữa thương bệnh binh, vừa phải cứu đói và chữa bệnh cho nhân dân.
Nhận thấy khó khăn của đơn vị, chỉ huy sư đoàn, tư lệnh và cơ quan quân đoàn đã xuống sở chỉ huy trung đoàn nắm tình hình và động viên bộ đội chiến đấu. Tư lệnh và cơ quan quân đoàn đã ra tận trận địa, nơi vừa diễn ra trận chiến đấu giữa ta và địch. Về sở chỉ huy trung đoàn, tư lệnh quân đoàn nhận định, khu vực núi cao ở Tây đường số 5, Nam đường số 10, tới giáp biên giới Thái Lan, có thể có căn cứ lớn của địch.

Từ nhận định đó, tư lệnh chỉ thị cho cơ quan quân đoàn tổ chức lực lượng trinh sát của quân đoàn, sư đoàn và trung đoàn, luồn sâu vào nắm địch. Tham mưu trưởng đề nghị tiền phương bộ sử dụng không quân trinh sát và chụp ảnh toàn bộ khu vực Nam Pai Lin đến Bắc Cô Công. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho trung đoàn động viên bộ đội chiến đấu giữ vững địa bàn, sẵn sàng chuyển sang tiến công tiêu diệt quân địch.

Mặc dù bị tiêu diệt nặng nhưng quân địch vẫn liên tục đưa lực lượng ra phản kích nhằm chiếm lại đường số 10, tiến tới tái chiếm Bát Đom Boong. Thực hiện nhiệm vụ quân đoàn giao, trung đoàn vừa trụ bám chiến đấu bảo vệ địa bàn, vừa làm công tác chuẩn bị sẵn sàng chuyển sang tiến công địch. Qua trinh sát đường không và mặt đất, tiền phương bộ và quân đoàn xác định, khu vực Tà Sanh, Xam Lốt có căn cứ lớn của địch. Khu vực này còn có rất đông người dân bị địch cưỡng ép đưa đi, lập thành vành đai tuyến ngoài để bảo vệ cho lực lượng của chúng ở tuyến trong.

Tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân thù ảnh 1
Lính Pôn Pốt bị bắt giữ


Từ kết quả nắm địch, Bộ tư lệnh Quân đoàn hạ quyết tâm tác chiến, đánh vào sào huỵêt cuối cùng của địch ở phía Tây Campuchia, giáp biên giới Thái Lan. Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ tiến công từ hướng Bắc đánh vào bên sườn quân địch, phối hợp với Sư đoàn 31 đánh từ hướng Đông vào, Trung đoàn 24 và lực lượng Quân khu 9 đánh từ phía Nam lên. Nhận nhiệm vụ do sư đoàn giao, chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn và cơ quan họp bàn phương án tác chiến. Do trên hướng tiến công của trung đoàn có nhiều dân, nên trung đoàn phải tìm ra phương án đánh địch nhằm vừa tiêu diệt được kẻ thù lại bảo vệ được dân.

Qua bàn bạc, chỉ huy và cơ quan trung đoàn thống nhất hình thành hai mũi đánh địch. Cách đánh là một bộ phận cán bộ và trinh sát đi trước nắm địch, bộ đội hành quân theo sau, gặp địch thì triển khai đội hình chiến đấu. Bộ đội bí mật tiếp cận gần địch, lợi dụng lúc chúng sơ hở, bất ngờ tiến công, đánh tạt quân địch sang hai bên, cho phiên dịch dùng loa kêu gọi người dân chạy về phía ta.

Quá trình hành tiến chiến đấu, hai mũi tiến công của trung đoàn đã phát hiện ra ba cụm nhân dân, xung quanh các cụm có lực lượng địch bố trí bên ngoài để khống chế, không để người dân đi lại tự do. Lợi dụng đêm tối, bộ đội bí mật tiếp cận gần địch, khi trời mờ sáng bất ngờ nổ súng tiến công, tiêu diệt và đánh tạt quân địch sang hai bên, mở đường cho người dân chạy về phía ta. Đúng dự kiến, khi bộ đội ta bất ngờ tiến công, quân địch ở hai bên không kịp chống cự, lực lượng ở phía sau bắn ra rất mạnh, gây tổn thất cho người dân. Bộ đội ta đã nhanh chóng vòng về phía sau tiêu diệt chúng.

Theo tiếng loa kêu gọi, nhân dân Cam-pu-chia đã chạy về phía ta. Lúc này, nhiều người dân bị thương, ốm yếu không đi được. Các đơn vị vừa cảnh giới sẵn sàng đánh địch, vừa tổ chức khiêng cáng thương binh và người dân bị thương nặng, một bộ phận dìu dắt những người dân bị ốm đau ra khỏi khu vực có chiến sự. Người dân bị địch kìm kẹp đói khát lâu ngày, nên sức khỏe yếu, tốc độ di chuyển rất chậm. Ngay lúc đó cơn mưa đầu mùa lại trút xuống, làm cho người dân càng thêm đói rét. Thương dân, bộ đội ta đã nhường cả áo mưa và cơm vắt để giúp dân.

Đưa được dân về tuyến sau, các đơn vị lại bí mật tiến vào đánh địch. Thấy bộ đội ta vào gần, quân địch ở phía sau phân tán nhỏ dân ra, bố trí lực lượng xen kẽ trong từng cụm để khống chế. Trung đoàn lại bàn bạc để tìm ra cách đánh khác, vừa tiêu diệt địch vừa cứu được dân. Từng tiểu đoàn trên các mũi tiến công, sử dụng từng đại đội, trung đội bí mật tiếp cận từng cụm địch to hoặc nhỏ, bất ngờ tiến công, xung phong đánh tách địch ra tiêu diệt để cứu dân. Do địa bàn kiểm soát của địch ngày càng bị thu hẹp, số dân bị chúng ép đi lại đông, binh lính địch bị đánh liên tục nên rất hoang mang. Vì vậy, khi bộ đội ta nổ súng, chúng chỉ kháng cự lúc đầu, sau đó rút chạy. Những cụm dân ở phía sau thấy bộ đội tiến công, họ bỏ chạy về phía ta. Một số con voi bị địch đưa đi để vận chuyển hàng hoá, cũng vùng chạy ra rừng.

Thế trận ngăn chặn của địch bị phá vỡ, trung đoàn lệnh cho các mũi phát triển tiến công, đánh thẳng vào trung tâm sào huyệt của địch ở khu vực Tà Sanh. Cùng lúc đó, trên hướng tiến công chủ yếu, Sư đoàn 31 và xe thiết giáp cũng đánh vào. Quân địch bị đánh mạnh cả ở chính diện, bên sườn và phía sau, chúng vừa chống cự vừa rút chạy ra sát biên giới. Ngay lập tức, quân địch bị lực lượng vu hồi của Trung đoàn 24 chặn đánh, phân tán thành từng tốp nhỏ, vượt qua biên giới chạy sang đất Thái Lan.

Sau gần một tuần liên tục chiến đấu, quân địch ở căn cứ Tà Sanh bị tiêu diệt và tháo chạy. Chúng bỏ lại toàn bộ xe pháo và nhiều tài liệu quan trọng của cơ quan trung ương chính quyền Pôn Pốt, trong đó có cả hộ chiếu của Iêng Xary, cấp ngày 27-1-1979.

Hoàn thành nhiệm vụ tiêu dịêt địch ở Tà Sanh, trung đoàn nhận nhiệm vụ truy quét tàn quân địch dọc theo biên giới về tới Pai Lin. Đang làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt và giúp dân ổn định cuộc sống, trung đoàn nhận được lệnh bàn giao địa bàn cho bạn, nhanh chóng cơ động về nước làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Với những chiến công đã đạt được, trung đoàn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang lần thứ hai. Đây là sự động viên rất lớn đối với cán bộ và chiến sĩ trung đoàn.

Xem kỳ 1: Chuyện đánh địch giải phóng cố đô Xiêm Riệp
Xem kỳ 2: Chủ động tiến công đánh phủ đầu tiêu diệt địch
Xem kỳ 3: Đánh địch phản kích - phát triển giải phóng Pai Lin