Tiêm vaccine Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng cho Hà Nội là đòi hỏi cấp thiết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Hà Nội đang tăng nhanh với nhiều ổ dịch mới. Các chuyên gia đều cho rằng, việc khẩn trương tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng lúc này là hết sức cấp thiết..
Tiêm vaccine Covid-19 là giải pháp quyết định để đẩy lùi Covid-19

Tiêm vaccine Covid-19 là giải pháp quyết định để đẩy lùi Covid-19

Trao đổi với ANTĐ ngày 19-7, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện tại, số ca mắc mới trong cộng đồng trên địa bàn Hà Nội đang tăng nhanh, bao gồm cả một số ca chưa xác định nguồn lây.

Khác với chủng virus SARS-CoV-2 ở những đợt dịch trước, chủng mới Delta đang lây lan ở đợt dịch này có khả năng truyền nhiễm rất nhanh.

Hà Nội là thành phố đông dân, là trung tâm đầu não chính trị và kinh tế của cả nước nên cần phải có các biện pháp mạnh mẽ, khẩn trương để ngăn dịch bùng phát, bởi nếu dịch lan mạnh giống như tình hình đang xảy ra ở các tỉnh phía nam thì thiệt hại, ảnh hưởng là vô cùng lớn.

Ông Phu nhấn mạnh, giải pháp quyết định để đẩy lùi dịch Covid-19 vẫn là tiêm vaccine. Hiện tại, vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam chưa nhiều, chưa đủ để tiêm cho toàn dân. Bộ Y tế đang ưu tiên cho vùng có dịch, vùng nguy cơ cao và những đối tượng được ưu tiên theo quy định của Chính phủ.

Hà Nội cũng đang là một trong những địa phương được ưu tiên phân bổ số lượng vaccine lớn nhất. PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì cần tiêm vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch cộng đồng.

“Lúc này, việc ưu tiên phân bổ vaccine cho Hà Nội để triển khai tiêm chủng càng sớm càng tốt là điều rất cần thiết” – ông Phu nêu quan điểm, đồng thời nêu rõ, chỉ khi tỷ lệ tiêm chủng đạt được miễn dịch cộng đồng thì công cuộc chống dịch mới đạt được hiệu quả bền vững.

Về phía thành phố Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, CDC đã nhiều lần đề xuất thành phố, thành phố cũng đã nhiều lần đề xuất lên trung ương về việc ưu tiên vaccine cho Thủ đô cũng như tạo điều kiện để Hà Nội chủ động tiếp cận các nguồn cung ứng vaccine.

“Hà Nội đang là địa phương được phân bổ nhiều vaccine song phần lớn được phân bổ đến các viện, bệnh viện trung ương trên địa bàn để tiêm cho các đối tượng ưu tiên. Lượng người dân được tiêm vaccine hiện còn rất ít” – ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí ngày 19-7, ngay sau khi Hà Nội áp dụng các quy định mới về phòng chống dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố đã chủ động áp dụng biện pháp mạnh nhằm tận dụng tối đa “thời điểm vàng” ngăn không cho số ca mắc mới tăng lên.

Nhấn mạnh về lâu dài giải pháp quyết định để đẩy lùi dịch Covid-19 vẫn là tiêm vaccine, người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo ngành Y tế thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận và sử dụng kịp thời, hiệu quả cao nhất khi được Chính phủ phân bổ vaccine.

Cụ thể là các phương án tổ chức các điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên toàn địa bàn thành phố với tổng số 1.200 dây chuyền tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực xử lý các tình huống bất thường sau tiêm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ và đăng ký tiêm chủng qua chính quyền cơ sở hoặc trên ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử”.

Ngày 12/7 vừa qua, Bộ Y tế có quyết định phân bổ hơn 746.000 liều vaccine Comirnaty của Pfizer được cung ứng trong tháng 7/2021 (đợt 8).

Số vaccine này được phân bổ tới 63 tỉnh, thành phố, lực lượng công an, quân đội và 21 bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế, chia làm 4 đợt. Tính tổng chung phân bổ cả 4 đợt, TP HCM được phân bổ nhiều nhất với gần 55.000 liều, Hà Nội hơn 38.000 liều, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh gần 26.000 liều.

Trong 21 bệnh viện và các viện trực thuộc Bộ Y tế được phân bổ, nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phổi Trung ương với hơn 15.200 liều/bệnh viện, Bệnh viện Nhi Trung ương hơn 14.000 liều, Bệnh viện E hơn 12.800 liều.

Cũng trong ngày 12/7, Bộ Y tế phân bổ hơn 2.000.040 liều vaccine COVID-19 của Moderna; trong đó Hà Nội được phân bổ số lượng vaccine COVID-19 nhiều nhất với 120.000 liều. Đây là vaccine từ nguồn viện trợ của Chính phủ Mỹ cho các quốc gia.

Còn tính tích lũy đến ngày 13/7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vaccine với tổng số 8.166.800 liều cho các đơn vị, địa phương theo nguyên tắc ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch; các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.