Tiêm vắc-xin sởi của Liên Hợp Quốc, 36 trẻ em Syria tử vong

ANTĐ -Thủ tướng Pháp yêu cầu chấm dứt đình công tại Air France; Xả súng đẫm máu ở trường học, 50 người thương vong ở Nigeria; Liên Hợp Quốc ấn định ngày họp bàn vụ rơi máy bay MH17; 36 trẻ tử vong nghi ngờ do tiêm vắc-xin sởi nhiễm độc... đó là những tin chính.

36 trẻ tử vong do tiêm vắc-xin được Liên Hợp Quốc tài trợ

Theo Telegraph, 36 trẻ em đã thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin sởi theo chương trình do Liên Hợp Quốc tài trợ ở miền bắc Syria vào tối 15-9.

Các bác sỹ tại phòng khám ở thị trấn Jirjanaz và Maaret al-Nouman ở tỉnh Idlib, nơi phe đối lập chiếm giữ ở miền bắc Syria, cho biết, trẻ bắt đầu có dấu hiệu nhiễm độc và dị ứng ngay sau khi tiêm vắc-xin. 

Tổ chức cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria cho biết, ngoài số trẻ thiệt mạng lên đến 36 bé, còn có hàng chục em khác đang trong tình trạng rất nguy kịch. Con số đáng kinh ngạc này đang gây nên nỗi buồn đau và hoang mang tại khắp khu vực. 

Các chuyên gia y tế cho rằng, lô vắc-xin nhiễm độc có thể là nguyên nhân gây
nên vụ việc thương tâm này. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, dự án tiêm chủng đã bị đình chỉ. Một tuyên bố cho biết: “Bộ trưởng Y tế của chính phủ lâm thời Syria đã chỉ đạo tạm dừng chiến dịch tiêm phòng sởi sau khi hàng loạt trẻ thiệt mạng trong các trung tâm tiêm chủng ở Idlib”.

Mohammad Mowas, bác sỹ người Syria, hiện làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết, các triệu chứng được báo cáo là trẻ bị suy giảm nhịp tim, cơ thể chuyển sang tím tái, dấu hiệu giống như bị nhiễm độc cyanide. 

Những người ủng hộ phe đối lập Syria đã đăng tải những hình ảnh trẻ thiệt mạng lên các trang mạng xã hội, cho rằng, rất có thể phe chính phủ đã pha trộn vắc-xin với chất cyanide nhằm làm suy yếu niềm tin của người dân vào phe đối lập.

Thủ tướng Pháp yêu cầu chấm dứt đình công tại Air France

Ngày 18-9, cuộc đình công của các phi công Hãng hàng không Air France (Pháp) bước sang ngày thứ tư. 

Đa số phi công của Air France đã nghỉ việc để hưởng ứng cuộc đình công phản đối kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của Transavia France trong một nỗ lực nhằm cạnh tranh với các đối thủ giá rẻ hơn như Ryanair và Easyjet.

Các nghiệp đoàn lo ngại việc mở rộng hoạt động của Transavia sẽ dẫn đến việc hãng thuê lao động bên ngoài và thuê lao động giá rẻ khiến phi công phải làm việc theo hợp đồng địa phương và lương bị giảm sút. 

Trước thiệt hại kinh tế nặng nề, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã kêu gọi chấm dứt ngay cuộc đình công, đồng thời ban lãnh đạo Air France cũng cam kết kế hoạch phát triển chi nhánh hàng không giá rẻ Transavia France không gây ảnh hưởng tới công việc của các phi công.

Trong ngày đình công thứ tư này, Air France sẽ phải hủy tới hơn một nửa số chuyến bay dự kiến trong ngày, ước tính thiệt hại từ 10-15 triệu euro (khoảng 13-19 triệu USD). 

Giám đốc phụ trách các hoạt động của Air France Catherine Jude cho biết hãng chỉ hy vọng có thể vận hành được khoảng 42% số chuyến bay theo lịch trình. 

Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, Thủ tướng Manuel Valls cho rằng cuộc đình công không những gây thiệt hại nặng nề cho Hãng hàng không Air France mà còn tạo ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của nước Pháp. 

Ông yêu cầu chấm dứt cuộc đình công này, đồng thời phê phán các phi công tham gia đình công đẩy đất nước vào tình trạng tê liệt về giao thông hàng không. 

Nhất trí với tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Pháp, Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron cho rằng việc giao thông hàng không của Pháp bị gián đoạn chỉ vì một số cá nhân là điều không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi ban lãnh đạo Air France nên thực hiện một số nhượng bộ với nghiệp đoàn lao động.

Xả súng đẫm máu ở trường học, 50 người thương vong ở Nigeria

Ngày 17-9, một vụ xả súng xảy ra tại trường Cao đẳng Sư phạm Liên bang tại thành phố Kano, miền bắc Nigeria.

Các nhân viên thu đồ dọn đồ của những sinh viên tháo chạy

Những kẻ tấn công đã đụng độ cảnh sát trước khi xông vào trường học. Chúng xả súng điên cuồng và gây ra vụ nổ lớn, khiến ít nhất 15 sinh viên thiệt mạng và 35 người khác bị thương. Hai kẻ đánh bom tự sát chết tại chỗ. 

Hiện, chưa có nhóm nào đứng ra chịu trách nhiệm trong vụ tấn công. Tuy nhiên, cảnh sát và nhiều người khác cho rằng, nhóm Hồi giáo vũ trang Boko Haram đứng sau vụ việc. Nhóm này thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công nổi dậy tại Nigeria từ năm 2009. 

Sau khi hay tin,, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã lên án đây là “cuộc tấn công hèn nhát”. 

Liên Hợp Quốc ấn định ngày họp bàn vụ rơi máy bay MH17

Ngày 19/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp bàn thảo luận về tiến độ điều tra vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine, theo đề nghị của Nga.

“Cuộc họp sẽ diễn ra vào 10 giờ sáng thứ sáu, 19-9”, thư ký báo chí của Phái đoàn thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Alexei Zaitsev ngày 17-9 cho biết.

Theo RIA Novosti, cuộc họp sẽ tập trung Nghị quyết 2166 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, yêu cầu các bên chấm dứt mọi hành vi thù địch gần khu vực xung quanh hiện trường vụ tại nạn ở miền đông Ukraine. 

Nghị quyết được đưa ra sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đệ trình báo cáo sơ bộ về tiến độ điều tra vụ MH17 lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trước đó, dựa trên thông tin từ các hộp đen, kiểm soát không lưu, hình ảnh vệ tinh và hình ảnh hiện trường, Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB), hôm 9-9, đã công bố kết quả điều tra vụ rơi máy bay. 

Theo đó, máy bay MH17 phát nổ trên không do bị tác động bên ngoài từ nhiều vật thể có tốc độ lớn, không có dấu hiệu nào cho thấy có lỗi kỹ thuật của máy bay hay phi công.

Ngay 17-7, máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, làm toàn bộ 298 hành khách trên khoang thiệt mạng, trong đó phần lớn là người Hà Lan.